MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính thức cho phép ngân hàng mở tài khoản từ xa cho khách hàng

06-12-2020 - 15:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Quy định cho phép các ngân hàng định danh trực tuyến khách hàng (eKYC) mà không cần tới quầy giao dịch, nền tảng đầu tiên để ngân hàng số phát triển, vừa được Ngân hàng Nhà nước thông qua.

Ngày 6-12, một đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thông tư quy định về định danh trực tuyến khách hàng (eKYC) đã được ký và chuẩn bị ban hành.

Định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) được xem là nền tảng đầu tiên để thanh toán số, ngân hàng số phát triển. Do đó, thông tư ra đời được xem là hành lang pháp lý, quy định cụ thể sau thời gian một số ngân hàng tiến hành thử nghiệm cho phép khách hàng mở tài khoản từ xa, thay vì phải tới tận quầy giao dịch.

Ghi nhận của Báo Người Lao Động, đến nay đã có một số ngân hàng thương mại áp dụng eKYC vào mở tài khoản cho khách hàng như Bản Việt, HDBank, TPBank, VPBank, Sacombank trên ứng dụng Sacombank Pay…

Chính thức cho phép ngân hàng mở tài khoản từ xa cho khách hàng  - Ảnh 1.

eKYC giúp khách hàng mở tài khoản không cần đến quầy giao dịch như trước. Ảnh: Lam Giang

Tuy nhiên, chia sẻ tại Diễn đàn ngân hàng bán lẻ 2020 vừa qua, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho biết đang chờ đợi thông tư chính thức từ Ngân hàng Nhà nước quy định về eKYC để có thể triển khai đồng bộ, có cơ sở pháp lý rõ ràng trong quá trình thực hiện.

Hồi tháng 5-2020, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến dự thảo thông tư này, trong đó có quy định cho phép ngân hàng thương mại được quyết định gặp hoặc không gặp trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ. Trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng phải bảo đảm có các biện pháp, hình thức và công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng. Và eKYC được xem là bước đầu tiên giúp khách hàng mở tài khoản từ xa, không cần đến quầy giao dịch.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đều tăng trưởng, tương ứng 75,2% và 30,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt là số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh tương ứng gần 125% và 130% so với cùng kỳ năm 2019.

Để thúc đẩy thanh toán số phát triển thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy, nhanh chóng hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý. Chia sẻ tại hội thảo khoa học về "Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số" vừa diễn ra ngày 4-12, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, ông Phạm Tiến Dũng, cho hay cơ quan quản lý cũng đang nghiên cứu, xem xét có nên đưa ra Luật Thanh toán hay không?

"Hiện đã có 84 quốc gia có Luật Thanh toán, gần Việt Nam nhất là Lào và Campuchia. Lý do là hiện nay, tham gia lĩnh vực thanh toán có rất nhiều chủ thể (fintech, Big Tech…) chứ không chỉ có tổ chức tín dụng. Ngoài ra, cũng xuất hiện nhiều hình thức thanh toán mới như QR Code", ông Phạm Tiến Dũng nhìn nhận.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), khuyến nghị cần sớm có quy định về chia sẻ thông tin, dữ liệu; cơ chế công nhận kết quả thẩm định, xác thực lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia. Việc nghiên cứu cấp phép ngân hàng số; nghiên cứu cách tiếp cận, quản lý tiền kỹ thuật số cũng là những điều cần lưu tâm… để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Như với eKYC, một số ngân hàng kiến nghị cần có cơ chế, quy định của Ngân hàng Nhà nước trong việc có thể sử dụng thông tin, dữ liệu hoặc công nhận kết quả xác thực lẫn nhau. Chẳng hạn, một khách hàng đến ngân hàng A đã mở tài khoản và xác thực qua eKYC, có thể tới ngân hàng B không cần bước định danh trực tuyến này nữa, sẽ tiết kiệm chi phí cho ngân hàng và thời gian cho khách hàng…

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên