MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Choáng" với những phát ngôn gây sốc của "Donald Trump châu Á", người vừa trở thành Tổng thống Philippines

12-05-2016 - 09:02 AM | Tài chính quốc tế

Ông Rodrigo Duterte, thị trưởng nhiều thập kỷ của thành phố Davao miền Nam Philippines, vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 9/5 vừa qua để trở thành Tổng thống tiếp theo của đất nước này.

Từ những phát ngôn gây sốc

Ông Duterte đă quyết định tham gia tranh cử tổng thống Philippines khá muộn. Dù nhập cuộc hai tháng sau thời hạn cuối cùng dành cho các ứng cử viên, ông Duterte vẫn được chấp nhận tranh cử.

Và khi chiến dịch tranh cử tổng thống Philippines bắt đầu, ít ai có thể nghĩ rằng ông Duterte có thể thắng cử bởi trước đó nhân vật này đã khôn khéo đặt mình ở vị trí là người đứng ngoài hệ thống chính trị.

Với bản tính nóng nảy, bốc đồng và phong cách hùng biện đầy công kích và lộng ngôn, ông Duterte đã được ví như là 'Donald Trump' của Philipppines. Cũng giống như Donald Trump, phát biểu của ông Duerte càng gây dậy sóng thì càng thu hút được sự chú ý của đám đông. Chiến thắng của ông Duterte là một sự khước từ đối với giới thượng lưu cầm quyền ở Manila.

Mặc dù là người đầy tai tiếng với những phát biểu gây sốc, song ông Duerte đã biết tập trung khai thác triệt để những chủ đề là nỗi ám ảnh của người dân Philippines như đấu tranh chống tham nhũng, tội phạm và nghèo đói. Điều đó đã giúp ông Duterte, người theo đường lối cứng rắn, luôn dẫn đầu trong thời gian tranh cử.

Về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển, ông Duterte kêu gọi tiến hành đàm phán với Trung Quốc. Nếu các cuộc thương lượng thất bại, ông nguyện đi thuyền đến các đảo nhân tạo của Trung Quốc để giương cờ Philippines lên. "Nếu Trung Quốc bắn tôi, tôi sẽ trở thành người quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh".

Vị tổng thống tương lai của Philippnes tuyên bố sẽ là "một kẻ độc tài” với các ác và sẽ từ chức sau 6 tháng nếu không thực hiện được lời hứa dẹp nạn tham nhũng.

Ông Duerte nói: "Tôi sẽ nghiêm khắc. Tôi chắc chắn sẽ là người độc tài. Nhưng chỉ độc tài với các lực lượng xấu như tội phạm, ma tuý và tham nhũng trong chính phủ. Thông điệp tôi muốn gửi tới các toàn bộ công chức chính phủ, gồm cảnh sát, quân sự, bất cứ ai trong các bộ thuộc chính phủ hãy dừng tham nhũng ngay lại".

Ông Duert đã từng phát biểu sẽ hành quyết 100.000 phạm nhân và vứt họ xuống Vịnh Manila và sẽ dùng đến biện pháp giết người mà không cần xét xử để đưa Philippines thoát khỏi nạn tội phạm. Trong bài phát biểu cuối cùng trước cuộc bầu cử, ông Duerte khuyên công chúng hãy "quên các luật về nhân quyền” đi. Những phát biểu gây sốc này đã làm dấy lên những hoài nghi về vấn đề pháp quyền và dân chủ trong tương lai ở Philippines.

Trưởng ban Nhân quyền và là cựu Bộ trưởng Tư pháp Philippines, Leila de Lima, gần đây đã gọi ông Duterte là "ác quỷ, người cần phải bị chặn lại bằng mọi giá”.

Trong chiến dịch tranh cử của mình ông Duterte hầu như ít đề cập đến chính sách kinh tế. Tuy nhiên, hãng tin Reuters đã trích dẫn lời phát biểu của ông Duterte vào ngày 9/5 nói rằng ông "sẽ thuê những bộ óc kinh tế tốt nhất” để điều hành nền kinh tế đất nước.

Ông Duerte còn tuyên bố rằng ông sẽ tìm cách nới lỏng những hạn chế về sở hữu nước ngoài trong tất cả các ngành nghề, ngoại trừ đất đai.

Tương lai mờ mịt cho Philippines

Theo ông Thomas Latchan, nhà phân tích thuộc hãng truyền thông Đức Deutsche Welle, kết quả này có thể là một niềm "cay đắng" đối tổng thống sắp mãn nhiệm Benigno Aquino. Ông Aquino đã kêu gọi các cử tri không bỏ phiếu cho ứng cử viên Duterte và khuyến cáo rằng ông Duerte nếu trở thành tổng thống có thể đưa đất nước quay trở lại chủ nghĩa độc đoán và đe doạ triển vọng phát triển kinh tế.

Dưới sự lãnh đạo của tổng thống Aquino, Philippines đã trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực trong thời gian qua, với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,2% trong sáu năm qua. Trong thời kỳ này, nước thành viên ASEAN này đã đạt thành tựu đáng kể trong lĩnh vực thâm hụt tài chính và thực hiện được các cuộc cải cách cần thiết để kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhờ vậy mà đánh giá đẳng cấp tín dụng của nước này đã được cải thiện ở cấp bậc đầu tư.

Song bất chấp những thành công này, nhiều vấn đề tiếp tục đeo đẳng nền kinh tế Đông Nam Á này.

Là một trong những nước đông dân nhất trong khu vực với khoảng 100 triệu dân, Philippines có 1/4 dân số sống trong nghèo đói với mức chi tiêu hàng ngày khoảng 1 USD. Đồng thời, khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng làm tăng mối lo ngại về vấn nạn tham nhũng hoành hành, chất lượng các dịch vụ công kém, cơ sở hạ tầng vật chất như đường xá, hệ thống cảng và sân bay, yếu kém. Tỉ lệ tội phạm ở Philippines vẫn ở mức cao dưới thời ông Aquino trong khi hệ thống hành pháp yếu kém và tỉ lệ kết án thấp. Hơn nữa, nhiều thanh niên Philippines cảm thấy mất cơ hội kinh tế và ước ao được thay đổi.

Tuy nhiên, không phải tất cả dân chúng Philippines ăn mừng chiến thắng của vị tân tổng thống tương lai ngoài một bộ phận cử tri bỏ phiếu cho ông Duterte. Luật của Philippines cho phép ông Duterte tuyên bố chiến thắng và trở thành tổng thống dù ông chỉ dành gần 39% số phiếu ủng hộ. Đứng ở vị trí thứ hai là nghị sỹ Grace Poe với 22,14% số phiếu và vị trí thứ ba thuộc về ứng cử viên Mar Roxas. Ở Philippines, người có số phiếu cao nhất sẽ trở thành người chiến thắng. Điều đó cho thấy phần lớn dân số Philippines chưa đồng tình với sự lựa chọn này và đất nước Philippines có nguy cơ rơi vào tình trạng phân cực trong xã hội.

Xuân Hương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên