MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chọn dự án sân bay Long Thành để giám sát tối cao năm 2024: ĐBQH đồng tình

Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, trong đó dự án sân bay Long Thành được đề xuất lựa chọn để giám sát tối cao.

Đây là nội dung được Đại biểu quốc hội và cử tri tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm.

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, việc Tổng Công ty Hàng không (ACV) đề nghị kéo dài thời gian thi công sân bay Long Thành sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống của người dân khu vực dự án, đồng thời ảnh hưởng tới tiến độ và việc thu xếp các nguồn lực để phục vụ cho sân bay cũng như cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

“Việc ACV chậm trễ sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến địa phương, nhất là đối với những công trình trọng điểm quốc gia. Tôi cho rằng, phía ACV phải thực hiện đúng cam kết về tiến độ trước Quốc hội, trước Bộ GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai. Việc kéo dài tiến độ dự án sẽ làm mất rất nhiều cơ hội cho địa phương có dự án là tỉnh Đồng Nai, nhất là đối với huyện Long Thành, đẩy giá thành dự án lên cao, lãng phí nhiều nguồn lực”, ông Thống nói.

Chọn dự án sân bay Long Thành để giám sát tối cao năm 2024: ĐBQH đồng tình - Ảnh 1.

Đại biểu Bùi Xuân Thống trả lời phỏng vấn của VTC News sáng 27/5.

Theo cam kết của Bộ GTVT với Quốc hội, Chính phủ, đến năm 2025, việc thi công dự án sân bay Long Thành sẽ hoàn thành giai đoạn 1. Tuy nhiên, trong báo cáo số 66/BC-HĐQT gửi Bộ GTVT, ACV cho biết, liên danh tư vấn thiết kế kỹ thuật HAAA (Heerim Hàn Quốc - Arup Anh Quốc - Aurecon Australia - ADPi Pháp) đã đề xuất thời gian thi công định hướng phần thân công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 39 tháng, bao gồm thời gian thi công xây dựng và 6 tháng vận hành chạy thử.

Theo đại biểu Thống, việc thi công kéo dài đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Do vậy, việc Quốc hội lựa chọn Dự án sân bay Long Thành để giám sát năm 2024 là hết sức cần thiết.

“Tôi đề nghị dự án sân bay Long Thành nên được lựa chọn làm chuyên đề để giám sát tối cao. Đây cũng là cơ sở để chúng ta tiếp tục giám sát các chương trình, dự án lớn sau này. Bởi nếu các dự án lớn chúng ta lựa chọn giám sát ngay từ đầu sẽ kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện để có chính sách tháo gỡ, điều chỉnh, sửa đổi nhằm đẩy nhanh tiến độ”, đại biểu Bùi Xuân Thống nói.

Trước đó, trình bày Tờ trình số 467/TTr-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi văn Cường cho biết, UBTVQH đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho UBTVQH tổ chức giám sát.

Đáng chú ý, Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1) được đề xuất lựa chọn để giám sát tối cao.

Dự án sân bay Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu dự án là xây dựng sân bay đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), là sân bay quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 2 và 3 tiếp tục làm thêm đường cất hạ cánh và nhà ga để khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Chọn dự án sân bay Long Thành để giám sát tối cao năm 2024: ĐBQH đồng tình - Ảnh 2.

ACV kiến nghị nới thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách từ 33 tháng lên 39 tháng. (Ảnh: Vneconomy).

Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, tương đương 16,03 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (5,45 tỷ USD).

Diện tích đất của dự án là 5.000 ha, trong đó, diện tích xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay là 2.750 ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 ha.

Dự án được áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí an toàn, thuận tiện, chất lượng và hiệu quả.

ACV là đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.



Theo Phạm Duy/VTC

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên