MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chống hàng giả, hàng lậu để hàng Việt cạnh tranh sòng phẳng

21-04-2019 - 20:35 PM | Thị trường

TP HCM sẽ tiếp tục cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chất lượng tốt để hàng Việt không ngừng hoàn thiện về chất lượng, sản phẩm rồi vươn tầm quốc tế.

Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP HCM tổ chức, ngày 20-4.

Ông Trần Tấn Ngời, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP (Viết tắt Ban chỉ đạo), cho biết trong 10 năm qua đã chủ động, kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức triển khai cuộc vận động, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình triển khai. Đồng thời, tổ chức khảo sát, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, chợ truyền thống, ban chỉ đạo một số quận - huyện... để có đánh giá kết quả thực hiện sâu hơn; tìm những thiếu sót, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai để khắc phục, tháo gỡ.

 Chống hàng giả, hàng lậu để hàng Việt cạnh tranh sòng phẳng  - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân tham quan một gian hàng bên lề hội nghị

Theo ông Ngời, UBND TP đã triển khai Chương trình hành động thực hiện cuộc vận động gắn với Chỉ thị số 24 của Thủ tướng về tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Triển khai các chương trình phát triển kinh tế TP, trong đó có Chương trình bình ổn thị trường, 100% hàng hoá thuộc 4 nhóm hàng là lương thực thực phẩm, các mặt hàng phục vụ mùa khai trường, sữa và dược phẩm thiết yếu...

Trong 10 năm qua, chương trình hành động với 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của UBND TP tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định thị trường, đưa hàng Việt từng bước đến với người tiêu dùng. Nhiều thương hiệu Việt phát triển ở thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.

"Cuộc vận động gắn với chương trình bình ổn thị trường của TP đã hỗ trợ, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt trong mua sắm công, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong tiêu dùng của người dân. Thúc đẩy nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường nội địa, chủ động đầu tư cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh" – ông Ngời nói.

 Chống hàng giả, hàng lậu để hàng Việt cạnh tranh sòng phẳng  - Ảnh 2.

Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng trong nước đánh giá cao

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op, qua những nghiên cứu khảo sát thị trường, gần nhất là kết quả khảo sát năm 2018, cho thấy hàng Việt được người tiêu dùng đánh giá ở 3 khía cạnh: Sự thay đổi về hình thức tốt lên, sản phẩm chất lượng hơn và có nhiều sản phẩm mới do doanh nghiệp Việt tạo ra đi vào thị trường ngách...

Dù vậy theo Ban Chỉ đạo, công tác quản lý thị trường, quản lý giá cả tuy có nỗ lực, cố gắng nhưng chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Một lượng không nhỏ hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng... vẫn lưu thông bất hợp pháp trên thị trường làm giảm uy tín của hàng Việt, gây khó khăn, trở ngại cho việc đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước.

 Chống hàng giả, hàng lậu để hàng Việt cạnh tranh sòng phẳng  - Ảnh 3.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhận xét cuộc vận động không chỉ là vấn đề kinh tế, vì kinh tế thị trường thì phải cạnh tranh bình đẳng, ở đây có cả góc độ thị trường và lòng yêu nước. Doanh nghiệp sản xuất hàng không tốt thì người tiêu dùng sẽ không mua nhưng cuộc vận động khuyến khích người dân ưu tiên dùng hàng Việt tạo điều kiện cho hàng trong nước vươn lên, hướng ra quốc tế.

"Vai trò cuộc vận động là ở đó. Vận động người tiêu dùng nhưng đồng thời phải "gây sức ép" để nhà sản xuất phấn đấu làm ra hàng tốt, bởi hàng Việt tốt thì người dân mới mua. Doanh nghiệp phải phấn đấu làm sản phẩm tốt hơn nữa về chất lượng và hình thức. Khi ngày càng có nhiều người mua hàng Việt sẽ cộng hưởng làm cho nền kinh tế phát triển" – Bí thư Thành ủy TP nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng TP phải quyết liệt phòng chống hàng lậu, hàng giả bởi nếu không thì doanh nghiệp không thể cạnh tranh được, nhất là doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao bị thiệt thòi. Quá trình đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu phải làm ở biên giới, từ chợ và từ người tiêu dùng, từ đó hàng Việt có điều kiện phát triển hơn. "Bản thân doanh nghiệp cũng cần tiếp tục đầu tư mạnh hơn nữa cho đổi mới công nghệ, hướng tới thị trường nước ngoài. Người Việt dùng hàng Việt chất lượng tốt trong bối cảnh cạnh tranh quy mô chưa từng có, cơ hội hội nhập lớn nhưng áp lực cạnh tranh cũng rất lớn" – Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Báo Người Lao Động nhận Bằng khen của UBND TP HCM

Tại hội nghị, Ban chỉ đạo cuộc vận động TP đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 8 tập thể và Chủ tịch UBND TP HCM tặng Bằng khen cho 56 tập thể và 23 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" liên tục nhiều năm (2009-2019); góp phần tích cực trong phong trào thi đua của TP.

Báo Người Lao Động là một trong những tập thể được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP HCM.

 Chống hàng giả, hàng lậu để hàng Việt cạnh tranh sòng phẳng  - Ảnh 4.

Đại diện Báo Người Lao Động (ngoài cùng bên trái) nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP HCM


Theo Thái Phương, Ảnh: Hoàng Triều

Người lao động

Trở lên trên