Chống tham nhũng: Phải kiểm soát nguồn thu và tài sản của cán bộ
Bà Bùi Thị An cho rằng tài sản của riêng cá nhân phải được kiểm soát thông qua nguồn thu của cán bộ, công chức.
- 19-10-2016Chống tham nhũng và bản báo cáo có gần 500 số 0
- 15-10-2016“Chống được tham nhũng sẽ chống được suy đồi đạo đức“
- 18-08-2016Lời giải cho bài toán chống lãng phí tham nhũng tài nguyên đất nước
- 17-08-2016Chống tham nhũng: Sẽ 'soi' cả khu vực ngoài nhà nước
“Không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí” là thông điệp mà Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh tại hội nghị lấy ý kiến với dự thảo đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về phòng, chống tham nhũng vừa diễn ra. Đây là vấn đề được cử tri cả nước quan tâm, nhất là sau khi những vụ án tham nhũng lớn được phát hiện và đưa ra xét xử trong thời gian qua. Do vậy, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Chúng tôi có cuộc phỏng vấn PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII về vấn đề này.
PV: "Không có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí", thông điệp này phải chăng đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng khi nhiều vụ án tham nhũng lớn được phát hiện và đưa ra xét xử trong thời gian gần đây, thưa bà?
Bà Bùi Thị An: Cử tri cả nước rất nức lòng trước quyết tâm, cam kết phòng, chống tham nhũng đến cùng của Chính phủ, thể hiện qua lời nói của người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như các đồng chí ở ngành Tư pháp.
PV: Có ý kiến cho rằng trong các hình thức tham nhũng mang tính phổ biến thì tham nhũng về quyền lực đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, từ tham nhũng quyền lực dẫn đến tham nhũng về kinh tế. Bà có bình luận gì về ý kiến này?
Bà Bùi Thị An: Đây là nhận xét đúng. Theo dõi các vụ án tham nhũng cho thấy bắt đầu từ tham nhũng quyền lực. Vì những người có vị trí, có quyền lực mới có khả năng tham nhũng chứ không phải ai cũng tham nhũng được.
Cũng phải nói thêm, mặc dù ở cùng vị trí, cùng ngành đó vẫn có nhiều đồng chí luôn giữ mình trong sạch. Nhưng cũng có những người tìm đến những vị trí quyền lực bằng nhiều cách, có thể “chạy”, “mua” chức quyền, lợi ích nhóm để có thể tham nhũng được.
PV: Theo bà, khâu yếu nhất trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là gì?
Bà Bùi Thị An: Khâu yếu trong phòng, chống tham nhũng có nhiều, nhưng tôi cho rằng khâu yếu nhất là vấn đề phát hiện các vụ việc tham nhũng. Thực tế vừa qua cho thấy hầu hết các vụ tham nhũng được phát hiện gần như do người dân, báo chí phát hiện, còn các tổ chức, cơ quan ít phát hiện ra. Các cuộc kiểm tra hay trong sinh hoạt chi bộ, thậm chí thanh tra cũng không phát hiện được mấy vụ tham nhũng.
PV: Nếu không có vùng cấm trong công tác phòng, chống tham nhũng thì cơ chế nào để giám sát việc kê khai tài sản, thưa bà?
Bà Bùi Thị An: Hiện nay việc kê khai tài sản rất hình thức. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ gần như những vụ việc thiếu trung thực trong kê khai tài sản rất ít, tại sao như vậy? Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương cũng đã nêu vấn đề kiểm soát quyền lực và kiểm soát tài sản là những vấn đề quan trọng nhất trong phòng, chống tham nhũng. Để phòng, chống tham nhũng phải thông qua kiểm soát được tài sản nhưng phải kiểm soát thực chất, công khai, minh bạch và phải được giám sát. Nếu không được giám sát thì việc kê khai tài sản chỉ là hình thức và không mang lại hiệu quả.
Tôi nghĩ rằng, nếu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia đầy đủ, đúng chức năng của mình trong việc giám sát nói chung, đặc biệt là công tác giám sát phòng, chống tham nhũng nói riêng và vấn đề kê khai tài sản thì sẽ có tác dụng.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng không chỉ kê khai tài sản của cán bộ lãnh đạo mà kể cả người thân, con cái của họ cũng phải kê khai. Ý kiến của bà về vấn đề này?
Bà Bùi Thị An: Như tôi đã nói, việc kê khai tài sản không được hình thức mà phải kê khai trung thực và kê khai những người liên quan như vợ/chồng, con hay những người thân thiết. Có lần cử tri đã nói với tôi, không chỉ riêng người nhà mà bạn bè cũng có thể đứng tên cho họ được.
PV: Hiện nay việc kê khai tài sản vẫn niêm yết nội bộ ở cơ quan, tổ chức. Khi tâm lý không vén áo cho người xem lưng và không có mắt giám sát của người dân, nhất là những người trong khu dân cư, nơi cư trú thì việc kê khai tài sản không khác gì quy trình khép kín nội bộ. Theo bà, để công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả, nên chăng có cơ chế riêng để người dân cùng tham gia giám sát?
Bà Bùi Thị An: Trong luật phòng, chống tham nhũng vấn đề công khai minh bạch rất rõ, yêu cầu công khai minh bạch tất cả lĩnh vực, các ngành, công khai dự án, đầu tư, kinh phí, ngân sách, kể cả những chuyện liên quan đến công tác cán bộ từ đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển… đã được quy định rất rõ nhưng vì sao giai đoạn vừa qua chúng ta làm chưa tốt? Bởi vì chúng ta làm cũng rất hình thức.
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không có “hạ cánh an toàn” cho nên không có gì là không công khai minh bạch được. Khi công khai minh bạch được thì sự giám sát của người dân, thông qua các tổ chức chính trị, xã hội của họ như Mặt trận Tổ quốc, Cựu chiến binh, Thanh niên, Phụ nữ… và chính người dân trong cộng đồng sẽ giúp các cơ quan chức năng phát hiện những vụ việc tham nhũng một cách chính xác.
PV: Trong việc phòng, chống tham nhũng minh bạch và kiểm soát nguồn thu nhập của mỗi cá nhân là một trong những giải pháp cần thiết. Theo bà, có nên minh bạch nguồn thu và giải pháp nào để kiểm soát nguồn thu của cán bộ công chức?
Bà Bùi Thị An: Việc minh bạch tài sản và minh bạch nguồn thu là việc vô cùng quan trọng. Bởi vì tham nhũng đều thông qua nguồn thu, tài sản, núp dưới rất nhiều dạng. Vì vậy cần phải kiểm soát nguồn thu và tài sản này.
Bởi hiện nay có nhiều người bằng nhiều hình thức có nhiều nhà, nhiều của cải. Tôi cho rằng, tài sản của riêng cá nhân phải được kiểm soát thông qua nguồn thu của cán bộ, công chức hoặc những người có vị trí, thậm chí những doanh nhân có các vị trí dễ xảy ra tham nhũng.
Xin cảm ơn bà.
VOV