Chống tham nhũng: Từ ngữ hay đã nói hết, phải hành động
“Xử lý cả những người dung túng,bao che để xảy ra tham nhũng và cả những người can thiệp, cản trở việcchống tham nhũng” - ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương.
- 31-01-2017Chống tham nhũng: Đừng để việc lớn thành không có gì
- 06-12-2016Dựa vào dân để chống tham nhũng: Đừng hô hào chung chung
- 05-12-2016Chống tham nhũng dựa vào sức dân
- 21-11-2016Bỏ tiền to chống tham nhũng, Ấn Độ gặp khủng hoảng lớn
- 06-11-2016Chống tham nhũng: Phải kiểm soát nguồn thu và tài sản của cán bộ
Ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương, nhấn mạnh như thế tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí năm 2016 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 do Thành ủy TP.HCM tổ chức chiều 28-2.
Mạnh tay với người bao che, cản trở
Tại hội nghị, ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh đến ba vấn đề lớn, nhất là tập trung thực hiện Kết luận số 10 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí.
Ông Trạc cho biết mục tiêu của kết luận này là trong năm năm tới phấn đấu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng và lãng phí. “Nếu không ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng và lãng phí sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ” - ông Trạc nói.
Theo ông Trạc, Kết luận số 10 nhấn mạnh đến phòng ngừa là chính, cơ bản lâu dài. Nhưng trong tình hình hiện nay phát hiện, xử lý là cấp bách. Phải chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý những hành vi tham nhũng, xử lý cả những người dung túng, bao che để xảy ra tham nhũng, những người can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Ông Trạc tiếp tục khẳng định không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền bất kể người đó là ai trong xử lý tham nhũng. “Những từ ngữ mạnh mẽ nhất, hay nhất về PCTN thì Đảng đã nói hết, bây giờ phải hành động thôi” - ông Trạc nói.
ông Trạc đặc biệt nhấn mạnh đến việc siết chặt kỷ cương trong Đảng, trong bộ máy nhà nước; kỷ luật của Đảng phải đi trước, cao hơn và nghiêm hơn. “Cái gì pháp luật chưa điều chỉnh thì đạo đức điều chỉnh. Kỷ luật Đảng phải đi trước. Kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt” - ông Trạc nói.
Theo ông Trạc, ở ta có tình trạng thời gian dài chờ kết luận về mặt nhà nước rồi mới xử lý về mặt Đảng, như thế là rất vô lý. “Lần này không chờ đến khi có kết luận về mặt nhà nước mà xử lý kỷ luật Đảng trước” - ông Trạc nhấn mạnh.
Đối với các vụ việc liên quan đến tham nhũng, lãng phí, ông Trạc cho biết là phải tích cực xử lý, càng nhanh càng tốt. “Như ở Trung Quốc, dù là ủy viên Bộ Chính trị nhưng cũng không bao giờ kéo dài đến hai năm. Ở ta có vụ kéo dài đến ba năm” - ông Trạc nói.
Thay thế cán bộ lãnh đạo có biểu hiện tham nhũng
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đánh giá công tác PCTN, lãng phí trên địa bàn TP năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế so với mục tiêu yêu cầu của nghị quyết, kế hoạch đề ra và sự kỳ vọng của người dân; chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng.
Tệ nạn tham nhũng vẫn còn là vấn đề bức xúc và là mối quan tâm lớn của Đảng và toàn xã hội.
Bí thư Đinh La Thăng cho rằng quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về PCTN và lãng phí rất cao nhưng chưa thực sự trở thành hành động tự giác ở các cấp, các ngành, các địa phương. Chưa phát huy tốt vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân trong phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng.
Với tinh thần kiên quyết, kiên trì, sớm khắc phục hạn chế và yếu kém, tạo chuyển biến rõ nét trong PCTN và lãng phí, ông Đinh La Thăng yêu cầu các cấp, các ngành đánh giá những hạn chế và yếu kém để xây dựng chương trình PCTN, lãng phí sát với thực tế. “Người đứng đầu phải gương mẫu, liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng xảy ra tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng” - ông Thăng yêu cầu.
Ông Thăng cũng yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp phải nêu gương về sự liêm khiết, kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết của người cán bộ và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí.
Ông Đinh La Thăng cũng khẳng định sẽ kiên quyết thực hiện điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút... Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thanh tra, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp và được xã hội quan tâm.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM Võ Văn Quận cho biết trong năm 2016, qua hoạt động thanh tra, toàn ngành Thanh tra TP đã phát hiện 35 vụ với 48 người có dấu hiệu tham nhũng; đã chuyển cơ quan điều tra tám vụ với 16 người.
Về kết quả điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng, ông Quận cho biết trong công tác điều tra đã thụ lý 22 vụ án tham nhũng với 130 bị can, đã giải quyết 15 vụ với 118 bị can (còn bảy vụ với 12 bị can).
Trong công tác truy tố án tham nhũng, đã thụ lý kiểm sát 22 vụ với 212 bị can và đã giải quyết hết, không còn án tồn đọng.
Trong công tác xét xử án tham nhũng, đã thụ lý 19 vụ với 174 bị cáo và đã giải quyết được 15 vụ với 162 bị cáo.
Pháp luật TPHCM