MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT

16-02-2018 - 18:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018


Chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT - Ảnh 1.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Thưa Phó Thống đốc, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá: Sau nhiều năm phấn đấu, năm 2017 là năm kinh tế Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ và toàn diện với 13 chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng, tích cực của ngành Ngân hàng với vai trò vừa là nguồn lực, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phó Thống đốc có thể kể tên những điểm nhấn nào đáng chú ý nhất?

Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá. Có thể nói,  ngành Ngân hàng đã qua một năm 2017 với nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ vào mục tiêu chung của đất nước. Hầu hết mục tiêu quan trọng chúng ta đã đạt được: điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống.

Năm 2017, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức 3,53%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế với tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2017 đạt trên 6,5 triệu tỷ đồng, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng tín dụng đi kèm với chất lượng và chuyển dịch cơ cấu đã hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã giữ được ổn định mặt bằng lãi suất và giảm được mặt bằng lãi suất cho vay 0,5% - 1% một cách thực chất, kể cả lãi suất cho vay ngắn hạn, trung dài hạn.  Năm 2017 cũng là năm NHNN thành công vượt bậc về điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Không kể khoản mua từ việc các DNNN thoái vốn, bán cổ phần, lượng ngoại tệ NHNN mua vào trong năm khoảng 10 tỷ USD. Tổng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia đã lên mức gần 53 tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2017.

Với phương thức điều hành tỷ giá linh hoạt, bài bản kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách, đặc biệt là sự kiên trì, nhất quán trong công cụ điều hành nên dù một lượng không nhỏ VND được đưa ra thị trường nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát tốt. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng được điều hành ổn định và diễn biến tích cực.

Một điểm nhấn quan trọng khác của ngành Ngân hàng năm qua không thể không nhắc đến là việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu; Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD; Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng  để ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Ngay khi các văn bản pháp lý này có hiệu lực thi hành, tiến trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD đã có chuyển biến mạnh mẽ. VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được 30.700 tỷ đồng nợ xấu.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá, hai năm qua công tác thanh tra, giám sát (TTGS) của ngành Ngân hàng đã có nhiều nỗ lực đổi mới. Xin Phó Thống đốc cho biết cụ thể hiệu quả của công tác TTGS thời gian qua?

Trong thời gian qua, có thể nói hoạt động của hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động an toàn, hiệu quả hơn. Đóng góp vào kết quả trên là nhờ sự tăng cường công tác TTGS ngân hàng để ngăn chặn, phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và yếu kém của các TCTD.

Trên cơ sở nhìn nhận đầy đủ các thiếu sót, hạn chế trong việc xử lý trong và sau thanh tra, hiệu quả công tác thanh tra giai đoạn 2016 - 2017 đã từng bước được tăng cường và cải thiện hơn. Kỷ cương và kỷ luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng được nâng cao, góp phần ổn định tiền tệ, ổn định an toàn hệ thống ngân hàng. Công tác giám sát đã được tiến hành thường xuyên, liên tục, phạm vi giám sát được mở rộng hơn. Đặc biệt, NHNN đã ứng dụng, phát triển và triển khai các công cụ giám sát tiên tiến để phát hiện những xu hướng tiêu cực, cảnh báo sớm rủi ro và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Qua giám sát, NHNN đã kịp thời có văn bản cảnh cáo, kiến nghị đến từng TCTD và toàn hệ thống TCTD.

Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cho công tác giám sát ngân hàng cũng đã được củng cố và hoàn thiện hơn. NHNN đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-NHNN ngày 1/8/2017 quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng; ban hành sổ tay giám sát ngân hàng theo Quyết định số 2145/QĐ-NHNN ngày 13/10/2017 và đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng thông tư quy định xếp hạng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm từng bước chuẩn hoá và tăng cường hiệu quả công tác giám sát ngân hàng.

NHNN đã quyết liệt và tập trung chỉ đạo toàn hệ thống TTGS ngân hàng kịp thời ban hành kết luận thanh tra (KLTT) theo đúng thời hạn quy định của pháp luật. Kết quả trong 2 năm 2016-2017, việc gia hạn thời gian thanh tra và chậm ban hành KLTT được khắc phục và hạn chế.

NHNN đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh các đối tượng thực hiện không đúng hoặc chưa thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra; tăng cường công tác chỉ đạo, theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra, các đoàn thanh tra nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật, nắm bắt và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu và nội dung quy định tại kế hoạch thanh tra (KHTT) đã được phê duyệt.

Cơ quan TTGS ngân hàng với vai trò là đơn vị đầu mối triển khai KHTT toàn Ngành đã tích cực, chủ động hướng dẫn, phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc xây dựng KHTT tại địa phương, triển khai KHTT, báo cáo tiến độ thanh tra; dự thảo, ban hành và công khai KLTT nhằm đảm bảo các cuộc thanh tra được thực hiện đúng quy định pháp luật.

Chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT - Ảnh 2.

Năm 2017 là năm NHNN thành công vượt bậc về điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ


Để tăng cường kỷ luật thị trường, NHNN chủ trương sẽ xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm đã được cảnh báo của các TCTD. Phó Thống đốc có thể nói rõ hơn về nhiệm vụ trọng tâm của công tác TTGS năm 2018?

Trên cơ sở định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành trong năm 2018, NHNN xác định định hướng và một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác TTGS ngân hàng để tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện trong năm 2018. Cụ thể, tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong đều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ triển khai có hiệu quả và hoàn thành kế hoạch thanh tra năm 2018 trong toàn Ngành. Thanh tra, giám sát chặt chẽ các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Trong đó, tập trung vào các QTDND chưa được thanh tra ít nhất 2 năm gần đây, các QTDND xếp loại yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tiếp tục tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác TTGS ngân hàng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Cơ quan TTGS ngân hàng; nâng cao hiệu quả giám sát, an toàn vĩ mô và giám sát an toàn vi mô. Tăng cường thanh tra toàn diện pháp nhân các TCTD.

Trong năm 2018, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động quản lý của NHNN nói chung và công tác TTGS ngân hàng nói riêng. Tập trung rà soát, đánh giá các tồn tại, hạn chế, tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng tập thể và cá nhân. Chỉ đạo xử lý nghiêm đối với những tập thể và cá nhân có những sai phạm, khuyết điểm. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các chương trình chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật về thanh tra tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo về phòng, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng và tội phạm.

Để hoàn thiện thể chế hoạt động TTGS ngân hàng, NHNN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để hoàn thiện, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 26/2014/NĐ-CP và trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg; xây dựng và trình Thống đốc ban hành kịp thời các thông tư hướng dẫn Luật Các TCTD 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD vừa được Quốc hội thông qua. Cùng với đó rà soát, phát hiện và đề xuất kiến nghị sửa đổi kịp thời các quy định bất cập, hạn chế, vướng mắc để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động TTGS.

Đồng thời, NHNN sẽ tập trung phát triển đội ngũ cán bộ, TTGS ngân hàng đủ về số lượng, có năng lực trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị và ý thức trách nhiệm trong công việc. Một mặt chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng năng lực và bộ máy quản trị điều hành, phát triển các hệ thống quản trị rủi ro và CNTT, mặt khác, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong từng TCTD cũng như sự phối hợp công tác chia sẻ thông tin giữa NHNN và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong việc phát hiện các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Nhiệm vụ chung của toàn hệ thống ngân hàng năm 2018 là tiếp tục cơ chế điều hành CSTT, tỷ giá, lãi suất chủ động, linh hoạt. Mục tiêu xuyên suốt là kiểm soát lạm phát, trên nền tảng giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2016 - 2020. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng đi tiên phong trong thực hiện phương châm hành động của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Để thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2018, nhiệm vụ Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Ngân hàng là nhiệm vụ đa mục tiêu: vừa phải kiểm soát tốt được lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.Ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thời gian qua song khó khăn, thách thức hẳn còn không ít. Theo Phó Thống đốc, ngành Ngân hàng làm gì để có thể kỳ vọng về một năm 2018 sáng lạn hơn?

Nhiệm vụ chung của toàn hệ thống ngân hàng năm 2018 là tiếp tục cơ chế điều hành CSTT, tỷ giá, lãi suất chủ động, linh hoạt. Mục tiêu xuyên suốt là kiểm soát lạm phát, trên nền tảng giữ ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra cho năm 2018, Thống đốc yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành tập trung quán triệt và triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Thống đốc đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN kèm theo đó là chương trình triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Năm 2018, NHNN bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT, hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá, tạo điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

NHNN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng TCTD. Các TCTD phải chú trọng đưa tín dụng vào đúng lĩnh vực, chuyển dịch dần cơ cấu tín dụng, hạn chế độc canh tín dụng, giảm dần thu từ tín dụng, tăng thu từ dịch vụ. NHNN yêu cầu các TCTD xây dựng, thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2018 phù hợp với Chỉ thị 01, Nghị quyết 01 của Chính phủ về các giải pháp điều hành và phát triển kinh tế - xã hội 2018. Quán triệt các đơn vị trong hệ thống chấp hành nghiêm các quy định của NHNN, đặc biệt là vấn đề lãi suất huy động và cho vay, phí, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bên cạnh việc tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chính sách quản lý, hoạt động TTGS ngân hàng, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành, về quản lý rủi ro của TCTD, quy định về công khai, minh bạch... theo hướng chặt chẽ, an toàn hơn và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, NHNN cũng sẽ theo dõi chặt chẽ tiến độ và kết quả thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, đặc biệt tiến độ xử lý nợ xấu. Gắn với đó là việc triển khai Nghị quyết số 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động không nhỏ đến hoạt động của các TCTD. Vì thế, NHNN chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán; Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, NHNN rà soát, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử; phối hợp các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ trong quản lý các hoạt động liên quan tới các loại tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam.

Triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP về cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các đơn vị thuộc NHNN và các đơn vị chú trọng cải cách thủ tục hành chính, quan hệ giữa NHNN và các TCTD, giữa TCTD với DN để đảm bảo hiện đại hoá quy trình, rút ngắn thời gian xử lý và tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh đó, công tác dự báo thống kê tiền tệ, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, kho quỹ; đặc biệt là công tác truyền thông và công tác Quốc hội tiếp tục được chú trọng để không chỉ truyền tải được chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, NHNN mà hình ảnh của từng TCTD, của hệ thống ngân hàng với công chúng, người dân, DN cũng được cải thiện tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!

Theo Thuận An - Minh Khuê

Theo Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên