MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ động quản lý bitcoin, tránh các tác động xấu

16-12-2017 - 10:09 AM | Tài chính - ngân hàng

Bắt đầu năm 2017 bằng mức giá dưới 1.000 USD, đến thời điểm này, bitcoin đã tăng hơn 1.500%, vượt mốc 17.000 USD. Thậm chí có thời điểm, đồng tiền số này xấp xỉ ngưỡng 20.000 USD. Thị trường đầu tư, mua bán, trao đổi nhộn nhịp hơn bao giờ hết dù tại Việt Nam, chưa có văn bản nào công nhận tính pháp lý của các loại tiền kỹ thuật số.

Tại Việt Nam, cộng đồng người tham gia bitcoin và những đồng tiền kỹ thuật số khác cũng đang ngày càng mở rộng. Thực tế, dù không được xem là phương tiện thanh toán, nhưng với sự tăng trưởng giá trị theo chiều dựng đứng, bitcoin đang được nhiều người dùng để giao dịch ngầm.

Chị Nguyễn Thị Thắm, một người chơi bitcoin cho biết với những người tham gia cộng đồng bitcoin thì việc trao đổi, mua bán với nhau bằng bitcoin là chuyện đương nhiên, thậm chí trong một số trường hợp, nó còn là phương tiện thanh toán “duy nhất”.

“Một người đầu tư bitcoin trong nhóm của chị cách đây 2 tháng có rao bán 1 mảnh đất 36m2 ở Thanh Trì (Hà Nội), với giá 1,7 tỷ nhưng kiên quyết chỉ nhận bitcoin. Thời điểm đó, giá bitcoin chỉ mới ở mức 5.000 USD, tức tương đương khoảng 14 bitcoin. Sau vài cuộc thương lượng không thành, khi bitcoin bị đẩy lên đến 7.000 USD, chủ nhân đã chấp nhận bán với giá 12 bitcoin. Với trị giá bitcoin như thời điểm này, miếng đất đó đã có giá hơn 4 tỷ đồng - một mức giao dịch đem lại lợi nhuận rất cao”, chị Thắm kể.


Bitcoin chưa được luật pháp VN công nhận.

Bitcoin chưa được luật pháp VN công nhận.

Mà không phải chỉ giao dịch ngầm, ngay từ đầu năm, câu chuyện máy ATM giao dịch bitcoin đặt tại quán café ở Sài Gòn cũng đã gây nhiều chú ý của dư luận. Để phân biệt với các máy ATM thông thường, chiếc máy giao dịch bitcoin được gọi là "BTM".

Bề ngoài, chiếc máy này giống với các máy ATM khác, với đầy đủ màn hình cảm ứng, camera quét mã QR, camera chống trộm, khe nạp/nhả tiền và khe in hóa đơn. Máy có hiển thị với ngôn ngữ tiếng Việt, Anh và Pháp, đồng thời hiển thị tỷ giá quy đổi giữa bitcoin và tiền Việt ở màn hình. Được biết, chiếc BTM này được sản xuất bởi BitAccess Canada, nhập về Việt Nam năm 2015.

Tuy nhiên, một năm sau, khi hoàn thành việc cài đặt, chọn vị trí đặt máy và các giấy tờ pháp lý liên quan, chiếc BTM này mới chính thức hoạt động. Ngoài hai ngôn ngữ tiếng Anh và Pháp, máy được tùy biến thêm ngôn ngữ tiếng Việt cùng khả năng giao dịch bằng VND.

Thế nhưng, những giao dịch bằng bitcoin hay máy BTM vẫn bị coi là “trong bóng tối” cho đến khi câu chuyện lãnh đạo Trường Đại học FPT lên tiếng muốn nhận học phí bằng bitcoin mới gây được sự chú ý của cơ quan chức năng.

Nhiều người cho rằng việc FPT lên tiếng là một mũi tên trúng 2 đích: vừa thăm dò thị trường, vừa PR tên tuổi cho bản thân mình. Động thái này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã vào cuộc khi phát đi một bản thông báo khá dài, dù không trực tiếp nhắm đến Đại học FPT nhưng rõ ràng 2 nội dung: Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp và hành động ngược lại là bị cấm; chế tài trước 1-1-2018 là xử phạt tối đa 200 triệu đồng, còn sau thời điểm này sẽ bị hình sự hoá.

Quan điểm này của NHNN hoàn toàn nhất quán với trước đó - tháng 2-2014, khi cơ quan này tuyên bố bitcoin không là đồng tiền/phương tiện thanh toán hợp pháp và nếu ai chơi lỗ/mất của tự chịu trách nhiệm, vì không pháp luật nào bảo vệ.

Sự thật, từ khi xuất hiện đến nay, bitcoin cũng đã gặp không ít “tai tiếng”, điển hình là vụ “sập sàn” tại Mỹ như vụ sàn Mt.Gox. Mới đây tại Bắc Giang, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bắc Giangđã bắt 3 đối tượng dùng tiền ảo bitcoin lừa lấy tiền thật, khiến cho hàng trăm người bị hại. Những trang web giao dịch bitcoin cũng luôn cố chứng minh rằng việc giao dịch bitcoin là không phạm pháp.

Thực tế, nhiều chuyên gia tài chính hay nhà đầu tư hàng đầu thế giới trước đây kịch liệt phản đối bitcoin nói riêng, các đồng tiền số nói chung là “lừa đảo” thì nay cũng đã có thái độ thận trọng. Vấn đề đặt ra là có nên coi bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số là hàng hóa, biện pháp quản lý các tiền ảo này như thế nào để không gây tác động tiêu cực cho xã hội.

Chuyên gia kinh tế. TS Nguyễn Trí Hiếu thì tán đồng quan điểm của NHNN là không thừa nhận bitcoin và các đồng tiền ảo tương tự là phương tiện thanh toán hợp pháp. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng tiền điện tử bitcoin nên được chấp nhận như một loại hàng hóa - tức là, không cho phép thanh toán để mua hàng hóa, tài sản khác, nhưng có thể chấp nhận việc mua - bán, trao đổi với nhau. Điều này giúp kiểm soát được sự bành trướng, nhất là không cho phép đồng tiền này được sử dụng như một công cụ phục vụ cho các hành vi phi pháp, tham nhũng và rửa tiền. Quan trọng là cần phải có quy định rõ ràng về sàn giao dịch bitcoin, có vốn đăng ký, địa chỉ rõ ràng…

Theo Lệ Thúy

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên