MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chu kỳ khủng hoảng bất động sản 10 năm: Lịch sử liệu có lặp lại?

18-07-2018 - 10:13 AM | Bất động sản

Tại hội thảo chủ đề "Chu kỳ khủng hoảng và cơ hội đầu tư bất động sản" do Báo Thanh niên tổ chức sáng nay (18/7) tại TP.HCM, các chuyên gia cho rằng việc quan ngại khủng hoảng BĐS là có cơ sở, nhưng cần xem xét sâu hơn một số yếu tố khác.

Theo các chuyên gia muốn biết thị trường bất động sản nguy cơ đến mức nào cần nhìn vào 3 chỉ số sau đây. Đầu tiên là mức độ thanh khoản hiện nay vẫn tương đối tốt. Báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, thanh khoản tốt nhất ở TP.HCM cho đến thời điểm này vẫn là nhà thương mại giá vừa phải và bình dân. Giao dịch ở một số phân khúc có phần giảm nhưng không nhiều.

Thứ hai là giá. Đây sẽ là một vấn đề rất lớn nếu giá tăng và giảm quá 30%. Nhìn vào thị trường trong thời gian qua, phân khúc đất nền tăng rất mạnh ở một số khu vực, trong khi các phân khúc khác mức tăng giảm không nhiều, chỉ từ 3-5%.

Dấu hiệu thứ 3 là giao dịch, sơ cấp hay thứ cấp cũng là yếu tố rất quan trọng. Khi mà các nhà đầu tư thứ cấp chiếm khoảng 40%, thì thị trường có tính đầu cơ quá mạnh. Có những giai đoạn, ở một số phân khúc đất nền tại TP.HCM và một số nơi kỳ vọng được quy hoạch thành đặc khu, tính đầu cơ này rất rõ nét. Nhưng bây giờ thị trường đã chững lại.

Nhìn vào những dấu hiệu trên, các chuyên gia nhận thấy thị trường đang được kiểm soát khá tốt, nhất là về mặt giá khi mà nhiều địa phương đã thực thi các giải pháp chống đầu cơ, bơm thổi giá nhà đất. Mặt khác, các ý kiến còn cho thấy thị trường đang "chững" lại là do một số nguyên nhân tác động đến tâm lý người mua như cháy nổ chung cư, pháp lý dự án, đất công… nên chu kỳ khủng hoảng thị trường 10 năm sẽ khó tái lập, mà chỉ đang xuất hiện tâm lý hơi "hốt hoảng" của một số bộ phận khách hang và nhà đầu cơ.

Cũng theo các chuyên gia, ở các giai đoạn trước khi có bong bóng, tăng trưởng tín dụng là yếu tố có thể nhìn thấy, tăng rất cao và lãi suất cũng tăng cao. Tuy nhiên hiện nay, theo đánh giá sơ bộ, lãi suất có thể tăng nhưng các ngân hàng gần như điều chỉnh và xem xét kỹ hơn các khoản vay bất động sản. Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng hiện nay không phải con số cao so với mục tiêu đạt được của năm.

Trong khi đó, theo đại diện Ngân Hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, bài học tín dụng tăng nóng vào lĩnh vực BĐS hơn 10 năm trước vẫn còn đó nên ngay từ đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 17%.

Song song đó, NHNN đã thực hiện chủ trương kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực nóng với nhiều chính sách ràng buộc để siết cho vay BĐS, như nâng hệ số rủi ro cho vay BĐS từ 150% lên 250%, hạ tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 45%...  

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Tổng hợp NHNN chi nhánh TP.HCM, tại TP.HCM, nếu khoảng 10 năm trước tín dụng vào BĐS thường xuyên ở mức cao trên 30% thì 3 năm trở lại đây con số này đã giảm mạnh, ở mức khoảng 10%.

Ông Lệnh cũng cho biết, cơ quan này thường xuyên cảnh báo, yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc việc thẩm định cho vay, chỉ xét duyệt với các chủ đầu tư có năng lực tài chính, năng lực quản trị. Nhờ đó, nợ xấu trong lĩnh vực cho vay BĐS tại TPHCM ở mức thấp, từ 2% - 2,5%.

Để phòng ngừa rủi ro tín dụng BĐS và nợ xấu phát sinh trong cơn sốt đất vừa qua, các ngân hàng thương mại đã thống kê giá đất bình quân trong 3 - 4 năm gần đây để căn cứ vào đó cho vay khoảng 50% giá trị BĐS được thẩm định, thay vì 70% - 80% như trước.

"Như vậy, tín dụng dư nợ bất động sản cả nước vẫn được duy trì suốt 4 năm qua và vẫn đang trong mức an toàn", ông Lệnh phát biểu.

Tuy dư nợ tín dụng BĐS vẫn đang được kiểm soát tốt, nhưng theo giới chuyên gia, cần chú ý đến việc dư nợ tín dụng tiêu dùng ngày càng tăng cao, lý do là bởi phần lớn dòng vốn này vẫn đang chảy vào nhà, đất.

Thống kê cho thấy, tín dụng tiêu dùng năm 2017 tăng rất mạnh, cao gấp 3 - 4 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước. Riêng TP.HCM, tuy tín dụng vào BĐS chỉ ở mức 10,8% nhưng có thể thấy rằng, với dư nợ vào khoảng 1,75 triệu tỷ đồng trong năm 2017, cho vay BĐS đã tương đương khoảng 198.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM khoảng 220.000 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2018, trong đó cho vay liên quan đến BĐS chiếm khoảng 28,7%, tức tương đương khoảng 63.140 tỷ đồng.

Như vậy, tổng vốn vào BĐS tại TP.HCM ước khoảng 261.140 tỷ đồng. So với năm trước, nếu xét về con số tuyệt đối, vốn vào BĐS tại TP.CHM đã tăng khoảng 15.140 tỷ đồng. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng dự báo, trong năm 2018, tín dụng tiêu dùng có thể tiếp tục tăng trưởng cao và là một trong những mảng hoạt động chiến lược, nhiều tiềm năng của các tổ chức tín dụng. Do đó, rủi ro dòng tín dụng cho vay mua BĐS "ẩn" trong cho vay tiêu dùng cá nhân vẫn còn đang hiện hữu và cần có biện pháp giám sát.


Mới đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm 2019, bong bóng bất động sản sẽ vỡ. Cùng với những dấu hiệu giảm tốc của thị trường, dư luận cũng đặt ra nhiều nghi vấn xoay quanh việc chu kỳ 10 năm đang đến và kịch bản khủng hoảng thị trường sẽ lặp lại?

Theo các chuyên gia kinh tế, những điểm nóng về tăng giá ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM giao dịch cũng đã bị hãm phanh trong mấy tháng gần đây. Nguyên nhân lớn nhất được dự đoán là do các nhà đầu tư, người mua nhà đang căng mình nghe ngóng và cảnh giác trước thời điểm bản lề của lời nguyền chu kỳ khủng hoảng.

Thực tế đã 4 thập kỷ, cứ 10 năm một lần nền kinh tế Việt Nam lại trải qua một cuộc khủng hoảng, như vào năm 1979, 1989, 1999, 2009. Năm 2019 là đúng chu kỳ 10 năm đã diễn ra suốt 5 thập kỷ qua. Vậy lời nguyền chu kỳ liệu có tái diễn? Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ như thế nào ở nửa cuối năm bản lề của chu kỳ này? Cung - cầu trên thị trường ra sao? Có nên áp dụng chiến thuật "tham lam khi thị trường sợ hãi" của nhà đầu tư thiên tài Warren Buffett để mua nhà, đất dịp cuối năm hay không?


Gia Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên