Chủ nhiệm CLB Đại lý Thuế nói gì khi doanh nghiệp lo sốt vó trước thời điểm hóa đơn giấy bị "khai tử"?
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý Thuế, Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM nhận định hoá đơn điện tử nếu được đưa vào áp dụng đại trà sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực với đặc tính ưu việt hơn hẳn hoá đơn giấy.
- 28-12-2016Lái xe taxi không in hoá đơn cho khách bị phạt đến 3 triệu đồng
- 20-12-2016Chuyện "thâm cung bí sử" đằng sau hoá đơn thuế 14 tỷ USD của Apple
- 07-12-2016Cục Thuế Hà Nội: triển khai Hoá đơn điện tử cho 5.000 doanh nghiệp
Theo dự thảo Nghị định Quy định về hoá đơn bán hàng và cung ứng dịch vụ do Bộ Tài chính soạn thảo, từ 1/1/2018 sẽ sử dụng hoá đơn điện tử thay cho hoá đơn giấy. Nếu được thông qua thì chưa đến 4 tháng nữa, hoá đơn giấy sẽ chính thức được “khai tử”. Nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ lo lắng đối với Dự thảo này. Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý Thuế, Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM.
Ông nhận định như thế nào về việc sẽ “khai tử” hoá đơn giấy và thay bằng hoá đơn điện tử?
Về hình thức, hoá đơn sử dụng hiện nay phổ biến bởi hai hình thức là hoá đơn giấy và hoá đơn điện tử.
Hoá đơn giấy tự in là hoá đơn do cơ quan thuế tự in từ các thiết bị để cấp lẻ cho tổ chức, cá nhân; hoá đơn do các tổ chức kinh doanh tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác khi bán các hàng hoá, dịch vụ. Hoá đơn giấy đặt in là do các cơ quan thuế đặt in theo mẫu để bán cho các tổ chức, cá nhân.
Hoá đơn điện tử là tập hợp các thông điệp, dữ liệu điện tử về bán hàng hoá, dịch vụ. Hiện có hai loại: hoá đơn điện tử của doanh nghiệp và hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Trong một thời gian dài dùng hoá đơn giấy, thực tế cho thấy khâu quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Phổ biến nhất là tình trạng mua bán hoá đơn, xuất hoá đơn khống, phát hành và sử dụng hoá đơn bất hợp pháp.
Đối với đơn vị phát hành hoá đơn, họ gặp khó từ việc đăng ký, đặt in, thông báo và sử dụng hoá đơn. Tiếp theo là việc phát hành, kê khai, báo cáo tình hình sử dụng những hoá đơn đó. Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải nắm thật chắc các quy định về điều chỉnh, huỷ bỏ, thanh lý hoá đơn chưa sử dụng. Với mỗi hành vi sai phạm, doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm pháp lý, bị phạt tiền, thậm chí buộc thu hồi hóa đơn, không cho tiếp tục sử dụng hóa đơn.
Còn với đơn vị sử dụng hoá đơn, khó khăn phát sinh ở chỗ họ không thể phân biệt được đâu là hoá đơn thật/giả, đơn vị phát hành còn hoạt động hay đã bỏ trốn, hoá đơn có còn giá trị sử dụng hay không. Điều này tạo tính quyền lực hóa đơn cao như tiền tệ, thậm chí còn hơn, trực tiếp gây thiệt hại cho doanh nghiệp nếu chẳng may vướng phải các tình trạng trên.
Vì vậy, hoá đơn điện tử theo tôi là một giải pháp tiến bộ, có lợi cho cộng đồng. Cơ quan thuế sẽ dễ dàng hơn trong khâu quản lý: tiết giảm chi phí quản lý hoá đơn. Phía doanh nghiệp sẽ được giảm nhiều chi phí phát hành và sử dụng hoá đơn, giảm thiệt hại do các hành vi bất hợp pháp về hoá đơn.
Ngoài ra, do cơ quan quản lý nhà nước có liên quan sử dụng hoá đơn điện tử phục vụ yêu cầu quản lý không yêu cầu cung cấp hoá đơn giấy nên doanh nghiệp giảm được nhiều chi phí hoạt động như lưu trữ, bảo quản hoá đơn…
Trong một hội thảo gần đây, có doanh nghiệp đã tỏ ý lo ngại rằng hoá đơn điện tử vẫn gây tốn phí cho doanh nghiệp. Cụ thể, hoá đơn điện tử từ 1/1/2018 phải có mã xác thực của cơ quan thuế, mức phí cho mỗi hoá đơn này là 300 đồng. Như vậy doanh nghiệp này mỗi tháng phải tốn chi phí khoảng 300 triệu đồng. Ông bình luận như thế nào về việc này?
Như tôi đã nói ở trên, hiện có hai loại: hoá đơn điện tử của doanh nghiệp và hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Nhưng nói thực là hoá đơn của cơ quan thuế đang là rẻ nhất, đơn giá 300 đồng. Như vậy, nếu một xấp hoá đơn 50 tờ thì doanh nghiệp chỉ tiêu tốn 15 nghìn đồng, trong khi nếu sử dụng hoá đơn giấy thì một quyển hoá đơn rơi vào khoảng 50 đến 70 nghìn đồng.
Doanh nghiệp băn khoăn có lẽ vì họ chưa sử dụng nhiều nên cảm thấy vậy thôi. Tôi sử dụng cho nhiều doanh nghiệp thì thấy bình thường. Hoá đơn điện tử đỡ tốn kém hơn hẳn.
Cũng có doanh nghiệp đặt câu hỏi trường hợp vận chuyển hàng hoá trên đường đi, doanh nghiệp gặp cơ quan chức năng kiểm tra, nếu trước đây là cầm theo hoá đơn đỏ, vậy khi sử dụng hoá đơn điện tử doanh nghiệp không biết mang cái gì ra?
Họ đang tưởng tượng ra những cái không bao giờ có. Khi sử dụng hoá đơn điện tử, toàn bộ thông tin, dữ liệu đều được nằm trong hệ thống mạng. Cơ quan quản lý thông qua các thiết bị điện tử để truy nhập kiểm tra xem hàng hoá có hoá đơn hay không.
Phía ngành thuế cũng đã cam kết xây dựng cổng dữ liệu thông tin về hoá đơn điện tử kết nối đồng bộ với các cơ quan ban ngành để tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Nói như vậy thì doanh nghiệp sẽ thuận lợi ứng dụng hoá đơn điện tử vào năm sau nếu được thông qua?
Không hoàn toàn như vậy. Trước hết, để sử dụng loại hoá đơn này, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về công nghệ, phần mềm, kế toán.
Bên cạnh đó là yêu cầu thông thoáng đường truyền của các nhà cung cấp dịch vụ kê khai thuế qua mạng Internet (T-VAN) và hệ thống mạng quản lý thuế toàn quốc gia (dung lượng lớn, kỹ thuật cao)… Ngoài ra còn là việc bảo mật thông tin doanh nghiệp, nhu cầu an toàn của toàn hệ thống.
Hiện nay có 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế - gọi là 8 nhà T-VAN. Đây là tổ chức hợp pháp kết nối giữa máy tính doanh nghiệp và hệ thống dữ liệu thuế quốc gia. Do đó, các tổ chức này cần được kiểm tra đảm bảo chắc chắn an toàn và khả năng cao về công nghệ, quản lý.
Để đảm bảo doanh nghiệp không bị ép giá - giống thời gian trước in 1 cuốn hóa đơn mất cả triệu đồng, Nhà nước cần minh bạch và thống nhất giá dịch vụ, không để các T-VAN tự do đặt ra giá cả.
Tôi cho rằng cũng cần có chính sách hỗ trợ giá phí thấp (hoặc miễn phí) 1 - 3 năm đối với DNVVN, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đi lên lên từ hộ kinh doanh cá thể phù hợp với quy định của Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ có hiệu lực từ 01/01/2018.
Bên cạnh đó, theo tôi một số qui định mới sẽ có thể có phản ứng của dư luận như việc Lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ người bán không phân biệt giá trị hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn, (tức bỏ quy định về việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ có giá trị trên 200.000 mới phải lập hóa đơn).
Hoặc là quy định về ngày lập hóa đơn: là ngày người bán và người mua làm thủ tục ghi nhận hàng hóa, dịch vụ đã được chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng. Điều này có phần khác so với qui định trước đây là có nhiều trường hợp phải lập hoá đơn ngay khi thu tiền, ví dụ: hu trước tiền cho thuê, bán tài sản hình thành trong tương lai...
Do đó, cần xem xét đối chiếu cùng một qui định trong các văn bản pháp luật khác nhau nhằm tránh xung đột về luật pháp giữa các văn bản. Mặt khác, cơ quan thuế cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích để cộng đồng doanh nghiệp hiểu, bởi vì khi sử dụng hóa đơn điện tử thì công việc xuất hóa đơn trở nên vô cùng dễ dàng, ai cũng có thể thực hiện được và chi phí hầu như không đáng kể.
Cảm ơn ông!