MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch đại học FPT: Người Việt chi 3 tỷ USD cho con đi du học, cũng chỉ ngang tiền uống bia 1 năm mà thôi!

10-03-2017 - 21:05 PM | Sống

Việt Nam được xem là nước "xuất siêu" trong lĩnh vực giáo dục khi chi phí du học mỗi năm lên tới 3 tỷ USD. Song đây là một dấu hiệu đáng mừng, phù hợp với xu hướng toàn cầu và khi số tiền trên cũng chỉ ngang với tiền uống bia của người Việt trong một năm.

Theo một báo cáo của HSBC, năm 2015, có hơn 110.000 du học sinh Việt Nam tại 47 quốc gia trên thế giới. Ước tính, chi phí du học của họ vào khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. Như vậy, trung bình mỗi du học sinh Việt chi tiêu khoảng 30.000 – 40.000 USD/năm cho học phí và sinh hoạt phí.

Song một thực tế, dù là nước “xuất siêu” trong lĩnh vực giáo dục, thuộc top 10 quốc gia có số sinh viên đi du học đông nhất thế giới nhưng ở chiều “nhập siêu” gần như không đáng kể - sinh viên các nước hiếm khi sang Việt Nam du học.

Con số 3 tỷ USD mà người Việt chi cho du học mỗi năm gấp gần 3 lần tổng kim ngạch xuất khẩu gạo và tương đương với số tiền bán dầu thô. Cụ thể hơn, theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch trường đại học FPT, số tiền trên đủ để xây 5 cây cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng đem vào sử dụng.

Tuy nói thế, ông Tùng cho đây cũng là một dấu hiệu đáng mừng, phù hợp với xu hướng thị trường. Bởi vì, cách đây khoảng độ 10 năm, số gia đình có điều kiện cho con em du học ở nước ngoài không phải là nhiều. Và bây giờ, đi du học không phải là ước mơ quá xa vời.

Cũng theo kết quả khảo sát trên, Việt Nam xếp thứ 6 (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi và Canada) trong số các quốc gia có số lượng du học sinh tại Mỹ cao nhất. Úc và Canada cũng là hai quốc gia được nhiều người Việt lựa chọn để du học.

Tuy nhiên, cũng có cách thức khác để sinh viên không tốn kém thời gian, và tiền bạc là du học bán thời gian. Tức là học ở trong nước trước, sau đó những năm cuối học ở nước ngoài. Hoặc họ có thể học ở một số nước có chính sách rất ưu đãi như khu vực Tây Âu: Hà Lan, Phần Lan, Đức….

Sắp tới con số hơn 3 tỷ USD có thể tăng cao hơn nữa, khi các chính sách giáo dục còn nhiều bất cập, khiến Việt Nam hoàn toàn suất siêu trong lĩnh vực vô cùng quan trọng này. Đối với những nước nền giáo dục chưa phát triển thì việc xuất siêu (thực tế vẫn là nhập siêu – bởi mình mang một số tiền ra nước ngoài để thụ hưởng dịch vụ) là xu thế chung của nhiều quốc gia.

3 tỷ USD là con số lớn. Song tính một hồi, nó cũng chỉ tương đương với giá trị tiêu thụ bia của Việt Nam trong một năm mà thôi. Năm 2015, Việt Nam tiêu thụ 4,5 tỷ lít bia, quy đổi ra cũng tương đương 3 tỷ USD”, ông Tùng cho hay.

Hiện nay có một xu hướng giúp Việt Nam thu hút sinh viên quốc tế đến du học là tạo điều kiện cho các sinh viên đại học trên toàn cầu có thể trải nghiệm trong thời gian ngắn từ 3 – 6 tháng. Trong bối cảnh như hiện nay, Việt Nam có thể là một điểm đến rất tốt, thu hút sinh viên ở các nước tiên tiến đến trải nghiệm.

Bí quyết du học thành công từ cha đẻ “Nhật ký 300 ngày ở Harvard”

Theo Hồng Minh

Trí thức trẻ

Trở lên trên