Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nói về một "khát khao" của giới doanh nhân Việt
Câu chuyện về những "vi phạm" của tập đoàn FLC gần đây lại bộc lộ một thực tế còn nhiều bất cập của môi trường kinh doanh và mong ước cấp thiết của giới doanh nhân.
- 25-07-2017Tập đoàn FLC trúng đấu giá lô đất gần 1.000 tỷ đồng tại Đại Mỗ, Hà Nội
- 23-07-2017FLC sẽ xây 15.000 căn hộ giá rẻ tại Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Định
- 17-05-2017Thủ tướng ký ngay một văn bản tại hội nghị chấn chỉnh việc thanh kiểm tra khiến doanh nghiệp bị làm khó
- 12-12-2016Thanh kiểm tra DN 1 năm/1 lần, không chồng chéo
Mới đây trên facebook cá nhân của mình, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC đã viết:
“Nhìn từ góc độ một luật sư, nếu doanh nghiệp ở Việt Nam bị thanh, kiểm tra, tôi e rằng hầu hết đều có vi phạm, không lỗi này thì lỗi khác. Một môi trường kinh doanh ngày càng giảm bớt sự chồng chéo và sức ì của thủ tục hành chính là mong ước của tất cả các doanh nhân”.
Ông Quyết là một luật sư có kinh nghiệm lâu năm, và cũng là một doanh nhân có tiếng ở Việt Nam nên điều ông viết nhận được khá nhiều ý kiến chia sẻ. Ông cũng gửi kèm link một bài báo có nội dung Chủ tịch Tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nói với báo chí về những kết luận vi phạm của chính tập đoàn FLC tại Bình Định, Thanh Hoá.
Bất ngờ ở chỗ ông Dũng nói với báo chí rằng tập đoàn FLC cũng có thể xem như là “nạn nhân” vì vướng một số thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép mà “dính” sai phạm theo kết luận của Bộ Xây dựng.
Theo đó, Tập đoàn này có một số vi phạm về mặt thủ tục tại 2 dự án đang triển khai ở Thanh Hoá và Bình Định. Cụ thể, một số số hạng mục công trình không có hồ sơ lựa chọn, tổ chức tư vấn lập quy hoạch, hồ sơ tổ chức cắm mốc giới theo đồ án quy hoạch đã được duyệt, một số hạng mục được thi công khi chưa xong giấy phép…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết ông sẵn sàng đứng ra nhận trách nhiệm và giải trình trước Thủ tướng về những “vi phạm” của FLC tại tỉnh nhà. Ông bày tỏ cảm thấy buồn khi các nhà đầu tư đôi khi trở thành “nạn nhân” chỉ vì vướng một số thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép.
Bởi lẽ, như ông nhấn mạnh, thời gian qua có nhiều dự án vi phạm một phần là do việc xin thủ tục hết sức rườm rà, quá trình thẩm tra thẩm định cho phép chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, chưa kể, các quy định về thủ tục trong xây dựng vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, để tạo thuận lợi cho 2 bên, tỉnh đã đồng ý để doanh nghiệp vừa thực hiện dự án vừa hoàn thiện thủ tục. Và cho đến thời điểm hiện tại, các giấy tờ này đã được FLC hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật và đệ trình lên cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Ông khẳng định FLC tại Bình Định đã khắc phục vấn đề trên, không gây thiệt hại gì, trong khi mang lại nhiều hiệu quả cho địa phương.
Câu chuyện này thực ra không mới, nhưng được một quan chức hàng đầu của tỉnh nói thẳng thắn như vậy trước dư luận thì ít người “dám”.
Tại cuộc Hội nghị đối thoại với Thủ tướng hồi tháng 5, doanh nghiệp hơn một lần than phiền chuyện thanh, kiểm tra của nhiều Bộ, ngành còn xảy ra chồng chéo. Báo cáo của VCCI tổng hợp trước đó cũng cho thấy sự bức xúc lớn của doanh nghiệp với vấn đề này. VCCI còn nêu rõ, cá biệt có doanh nghiệp một năm phải tiếp 6 – 7 đoàn thanh tra, kiểm toán, thậm chí trên 10 đoàn, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức. Hay một con số khác như cứ 3 doanh nghiệp thì 1 doanh nghiệp phải dành trên 10% quỹ thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Nhiều thủ tục, giấy tờ, khiến cho hoạt động doanh nghiệp chưa bao giờ thôi gánh nặng.
Bên lề của nhiều cuộc hội thảo, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã từng bức xúc mà nói với nhau rằng một số cơ chế bất cập đang khiến doanh nghiệp để tồn tại phải tìm cách “lách”. Do đó, khi thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp thì đến 9 doanh nghiệp mắc sai phạm, không cái này thì cái khác.
Trên thực tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang nỗ lực hết sức để giải quyết các vấn đề tồn đọng trên. Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp hay Chỉ thị 20 về việc chỉ thanh tra doanh nghiệp không quá 1 lần trong năm được Thủ tướng ký ngay tại Hội nghị gặp doanh nghiệp hồi tháng 5 là những minh chứng cho quyết tâm của Người đứng đầu Chính phủ.
Tuy nhiên, để Chỉ thị của Thủ tướng đi vào thực tiễn, để mong ước về một môi trường kinh doanh không chồng chéo và thủ tục hành chính không còn sức ì của giới doanh nhân trở thành hiện thực, cần nhiều hơn nữa những nỗ lực của các Bộ ban ngành, và có lẽ cần cả những người "dám" nói thẳng, nói thật như ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch Tỉnh Bình ĐỊnh và doanh nhân Trịnh Văn Quyết.
Trí Thức Trẻ