Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến: 3-4 tỷ USD chi cho du học là thứ "đáng thất thoát nhất"
Có khoảng cách lớn giữa những nhà trường ở Việt Nam và các cơ sở giáo dục trên thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách sẽ ngày càng thu hẹp lại với sự tham gia cạnh tranh của những trường 100% vốn nước ngoài. Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng, việc đầu tư vào Việt Nam của những tổ chức giáo dục quốc tế là điều đáng mừng.
- 06-06-2018Mỗi năm người Việt chi 3 đến 4 tỷ USD đi du học
- 06-06-2018Bộ trưởng Giáo dục đăng đàn, hệ thống máy tính bị treo vì quá nhiều đại biểu chất vấn
- 06-06-2018Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ tạo điều kiện cho các tập đoàn tư nhân đầu tư mạnh vào giáo dục
Có nên về nước sau khi du học?
3-4 tỷ USD hằng năm chi trả cho việc du học là con số được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong phiên chất vấn trước Quốc hội, sáng 06/6. Số tiền này chỉ là ước đoán vì mức chi trả có sự khác biệt giữa từng người trong số gần 150.000 du học sinh Việt Nam trên toàn thế giới.
Bình luận về những con số trên, Chủ tịch FPT Software cho rằng, số tiền chi trả cho việc du học là khoản đầu tư xứng đáng. Ông Hoàng Nam Tiến cũng cho con mình du học ngay từ khi còn học THCS.
"Cá nhân tôi cho rằng, đây là một sự đầu tư rất xứng đáng. Nếu dùng từ "thất thoát", tôi cho rằng trong những thứ thất thoát thì đây là thứ "đáng thất thoát nhất". Đây là một sự đầu tư vào tương của mỗi một gia đình, với mỗi bạn trẻ và thực sự là đầu tư cho cả đất nước nữa. Tôi ủng hộ việc chi tiền như thế này" – ông Hoàng Nam Tiến nói.
Theo ông Hoàng Nam Tiến, du học giúp con trẻ tự lập hơn. Các bạn nhỏ phải tự tìm trường, thi giành học bổng, làm hồ sơ thỏa mãn yêu cầu của nhà trường. Những điều đó đòi hỏi sự nỗ lực lớn và con trẻ thực sự trưởng thành hơn dù chỉ vừa hoàn thiện được hồ sơ.
Không những thế, chỉ sau 2 năm du học, học sinh Việt Nam cũng trở nên tự tin hơn. Thậm chí, ông Hoàng Nam Tiến nhận thấy, con trẻ còn có thể tranh luận với bố mẹ, ông bà trên cơ sở khoa học và có phương pháp, thay vì hờn dỗi như trước đó.
"Tôi muốn nói kinh nghiệm của con tôi, mới ra trường, kể cả những trường hàng đầu quốc tế thì kinh nghiệm vẫn rất non nớt. Các em đấy quay về Việt Nam gần như không phát huy được hết năng lực của mình. Nhưng giá như các em có 5 năm, 10 năm làm việc ở những tập đoàn hàng đầu trên thế giới, tại những nước văn minh nhất thế giới, sau đó các em quay về Việt Nam thì với kinh nghiệm của mình, các em sẽ đóng góp được rất rất nhiều cho đất nước. Vì vậy, tôi không ủng hộ ý kiến nói rằng các con, các cháu đi học rồi quay về. Hãy ở lại, làm việc 5 năm, 10 năm và sau đó quay lại" – ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.
Thu hẹp khoảng cách về văn hóa
Tuy nhiên, du học cũng có mặt trái. Du học sinh Việt Nam đi sang những nước tiên tiến từ luc 15-17 tuổi. Họ tiếp thu nhanh văn hóa bản địa, trong khi văn hóa Việt Nam trong mỗi cá nhân mới chỉ ở mức sơ khai. Điều này tạo nên khoảng cách về văn hóa giữa người đã đi du học với chính gia đình của mình. Đây cũng là một lý do khiến một bộ phận du học sinh Việt Nam không muốn về nước.
Nhiều tổ chức giáo dục quốc tế đã và đang đầu tư vào Việt Nam để phục vụ nhu cầu học tập trong môi trường giáo dục tiên tiến, nhưng không phải xa gia đình. Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh việc hợp tác đào tạo, sau những chuyến công du tới những nền giáo dục hàng đầu thế giới.
"Ngoài vấn đề kinh tế, còn vấn đề văn hóa. Khi con em được học theo quy trình kết hợp với những trường học tốt của nước ngoài, họ được gần gia đình, kết nối sẽ được tốt hơn" – ông Phùng Xuân Nhạ nói.
Đánh giá nền giáo dục Việt Nam không thể dựa vào một số vụ việc tiêu cực gần đây. 5 trường đại học Việt Nam đã có tên trong nhóm 400 của châu Á, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Đại học Huế. Trường Đại học Quốc gia Hà Nội còn tiệm cận được nhóm 150 đại học châu Á.
Xét trên bình diện thế giới, 2 trường Đại học Quốc gia đã lọt vào nhóm 1.000 trường tốt nhất thế giới. Trong đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp cận vị trí 700-800.
Ngoài nỗ lực của các cơ sở giáo dục trong nước và sự phát triển của những nhà trường 100% vốn nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đẩy mạnh việc liên kết giáo dục. Đây được coi là biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
"Trong những năm tới, số tiền bỏ ra cho du học sẽ ngày càng lớn hơn. Đấy là điều chắc chắn. Còn việc nhiều trường đại học lớn có uy tín tại nước ngoài, mở cửa, liên kết ở Việt Nam là điều đáng mừng. Tôi thấy rất nhiều gia đình đang coi việc gửi con mình ra nước ngoài như đi học lớp mẫu giáo lớn. Họ nghĩ rằng, con mình đi học ở một nước phương Tây nào đấy thì sẽ tốt hơn và gần như không có trách nhiệm dạy dỗ con cái nữa. Điều đấy rất đáng buồn. Tôi cũng muốn nói thêm, rất rất nhiều bố mẹ đang gửi con cái mình đi học những trường đại học ở nước ngoài còn kém xa về trình độ so với những trường đại học hàng đầu trong nước" – Chủ tịch FPT Software nhận định.