Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: "Đường sắt Bắc Nam, Cảng hàng không Long Thành nếu giao cho tư nhân thì không mất 30 năm mà chỉ dưới 10 năm!"
Rất nhiều đại diện doanh nghiệp và các bộ ban ngành tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 cho rằng: nên để các tập đoàn tư nhân có tiềm lực tham gia đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông vận tải.
- 03-05-2019Doanh nghiệp Mỹ lo ngại về thuế, điện và ô nhiễm không khí tại Việt Nam
- 03-05-20195 ngày lễ, Hà Nội thu 754 tỉ đồng từ khách du lịch
- 03-05-2019Vua tôm Minh Phú: Vay lãi suất chợ đen đến 30 – 50%/năm nuôi tôm vẫn có lời!
Tổng hợp chung về các hội thảo diễn ra trong khuôn khổ diễn đàn, ông Trương Gia Bình - Trưởng ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân ban IV phát biểu: "Nhận nhiệm vụ Thủ tướng và Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giao, trong năm vừa qua chúng tôi đã tiến hành 5 hội thảo chuyên đề lớn và khoảng 100 cuộc gặp gỡ đối thoại. Chúng tôi cũng tập hợp hàng trăm kiến nghị vào trong 3 nhóm vấn đề. Đánh gia chung, 30% các kiến nghị đã được xử lý, 50% các kiến nghị đã được chỉ đạo và đang tiến hành triển khai thực thi và chỉ có hơn 10% kiến nghị là chưa chuyển dịch rõ nét".
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân cũng như quốc tế đã rất có ấn tượng về sự chuyển dịch mạnh mẽ của Việt Nam trên các lĩnh vực như: phát triển chính phủ điện tử, thúc đẩy tăng trưởng du lịch, cải cách cơ chế chính sách và cải thiện môi trường kinh doanh, nỗ lực cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam đều thăng hạng. Logistic và đổi mới sáng tạo đều tăng 25 bậc.
Ông Bình thừa nhận rằng, ở Việt Nam vẫn còn tình trạng "Trên trải thảm đỏ, dưới trải đinh", vì thế trong năm tới ban IV sẽ tiếp tục tiến hành đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, ban IV cũng đề nghị trao nhiệm vụ cho tư nhân, nhưng nhiệm vụ phải là nhiệm vụ "to". Ông Bình ví dụ: "Đường sắt Bắc Nam hay cảng hàng không Long Thành, nếu chính phủ giao cho khối tư nhân thì thực thi không phải mất 30 năm mà sẽ chỉ trong vòng dưới 10 năm. Đây là những nỗ lực mà khối doanh nghiệp tư nhân có thể sẵn sàng nhận nhiệm vụ với chính phủ!".
Bà Nguyễn Thanh Hà - chủ tịch HĐQT công ty cổ phần hàng không Vietjet cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ, cho các tập đoàn tư nhân có tiềm lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng sân bay. Bà khẳng định: "Doanh nghiệp tư nhân chúng tôi luôn đề cao trách nhiệm với xã hội, với nhiều dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế. Ví dụ như chúng tôi đề xuất được tham gia nâng cấp sân bay Điện Biên mà theo tính toán thì phải 60-70 năm mới hoàn vốn. Nhưng chúng tôi vẫn làm vì đây là địa danh mang ý nghĩa lịch sử, cần phải nâng cấp để trở thành điểm đến quốc tế".
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: "Trong Hội nghị Trung ương khóa XI, chúng ta đã ban hành nghị quyết số 13 của Ban chấp hành Trung ương là huy động các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, từ đó có hạ tầng giao thông vận tải. Thực hiện nghị quyết của Trung ương, thời gian qua chúng ta đã huy động được nguồn vốn xã hội đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn".
Thực hiện chủ trương xã hội hóa các dự án cơ sở hạ tầng, Bộ Giao thông Vận tải đang kêu gọi xây dựng sân bay Sa Pa (Lào Cai). Ông Thể cho rằng, nếu như xây dựng được sân bay này, có thể đưa du khách cả nước đến Sa Pa một cách nhanh chóng, có tiềm năng rất lớn. Bộ cũng kêu gọi xây dựng sân bay Lai Châu, sân bay Nà Sản (Sơn La) và riêng về lĩnh vực hàng không sẽ sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư. Nếu các nhà đầu tư đề xuất các giải pháp hợp lý và được chính phủ thống nhất thì có thể xây dựng sân bay để quản lý như mô hình sân bay Vân Đồn.
Về đề nghị xã hội hóa sân bay Điện Biên của Vietjet, ông Thể nói thêm: "Sân bay Điện Biên nằm trong số 21 sân bay hiện nay chính phủ giao cho doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không ACV thực hiện. Công ty này trước đây là sở hữu nhà nước 100% nhưng hiện nay đã cổ phần hóa hơn 4%, nhà nước còn hơn 95%. Theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi cũng đang thực hiện đề án để xem ACB có thể đầu tư những sân bay nào. Những sân bay mà ACV khó khăn, chúng tôi sẽ mời gọi các nhà đầu tư".