MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines: 10 năm trước, tôi từng bị người Singapore nói vào mặt sân bay Việt Nam chỉ là điểm bus-stop, gom khách sang Singapore!

"Chúng ta hay đánh đồng các sân bay với nhau, nhưng nếu ở Việt Nam không có sân bay tầm cỡ quốc tế, được gọi là cửa ngõ thì năng lực cạnh tranh có vấn đề", ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam nhấn mạnh.

1% tăng trưởng hàng không tương đương 0,4 – 0,5% tăng trưởng GDP

"Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng dịch vụ hàng không cao nhất trong khu vực", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định tại Toạ đàm "Xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không ", chiều 16/5.

Dẫn ra số liệu, ông Lộc cho biết cứ 1% tăng trưởng hàng không, tương đương 0,4 đến 0,5% tăng trưởng GDP.

Trong những năm gần đây, ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng 14-15%, gấp đôi GDP. Đặc biệt, ông cho biết từ khi các hãng hàng không tư nhân khai thác, hàng không Việt Nam sang trang, không còn thế độc quyền trong kinh doanh hàng không. Từ phương tiện chỉ dành cho giới thu nhập cao, nay máy bay trở thành công cụ đi lại rộng cửa hơn với mọi người dân. Sự hiện diện của các hãng hàng không tư nhân là yếu tố tạo nên sự năng động hơn của thị trường hàng không Việt Nam.

Ông Hồ Quốc Cường – Trưởng phòng vận tải Hàng không -  Cục hàng không Việt Nam đồng tình với quan điểm của ông Lộc khi khẳng định thị trường hàng không đang phát triển rất mạnh.

Trong năm 2018, vận chuyển của các hãng hàng không Việt đạt gần 50 triệu hành khách, tăng 10,1% so với 2017 và trên 400 nghìn tấn hàng hóa, tăng 27,2%.

Theo đó, ông cho rằng hàng không đã đóng góp lớn vào mức tăng trưởng GDP 7,08% của cả nước. Tính cả các hãng hàng không nước ngoài, thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam năm 2018 ước gần 70 triệu khách, tăng 12,6% so năm 2017.

"Chúng ta đều biết tăng trưởng của hàng không giai đoạn vừa qua là rất cao, cho thấy nhu cầu của thị trường hàng không Việt Nam cũng như nhu cầu của thị trường hàng không quốc tế đến Việt Nam là rất lớn, nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển", ông Cường nói.

Việt Nam cần có sân bay quốc tế tầm cỡ để cạnh tranh

Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam nói rằng không quá ngạc nhiên trước sự phát triển của ngành hàng không giai đoạn 2014 – 2018.

Dẫn ra câu chuyện ở Mỹ năm 1978 khi Chính phủ Jimmy Carter quyết định mở cửa bầu trời, xoá bỏ nhiều hạn chế về vận tải hàng không, thị trường bay của nước này đã được bùng nổ với sự ra đời của South West Airlines.

Ông chủ của hãng bay giá rẻ huyền thoại này đã có câu nói nổi tiếng: "Chúng tôi không cạnh tranh với các ông (các hãng bay truyền thống), chúng tôi cạnh tranh với đường bộ. Khách của tôi là những người từ bỏ vận tải đường bộ chuyển sang hàng không".

Sự bùng nổ này tương tự với Vietjet. Hãng bay này có được sự bùng nổ nhờ vào lượng hành khách dịch chuyển này, theo ông Minh.

Theo số liệu, nửa cuối 2018 và quý I/2019, tăng trưởng hàng không nội địa lần lượt đạt 9% và gần 7%.

Tuy nhiên, 2 câu hỏi được ông Minh đặt ra là: xử lý quá tải hạ tầng cũng như điều gì tiếp theo cửa sự phát triển nóng.

Một vấn đề khác cũng cần được đặt ra, theo ông, là các yếu tố liên quan đến an toàn bay. Điều này được đặt ra không chỉ với các đơn vị cung ứng dịch vụ mà còn cả với cơ quan quản lý. Hơn thế, ông Minh cũng nhắc đến việc cạnh tranh quốc tế xung quanh các sân bay quốc tế lớn, được xem là cửa ngõ.

"Chúng ta hay đánh đồng các sân bay. Nhưng nếu Việt Nam không có sân bay quốc tế tầm cỡ thì năng lực cạnh tranh có vấn đề", ông nói. Dẫn ra ví dụ, ông đặt câu hỏi có bao nhiêu hãng hàng không xuyên lục địa bay đến Tân Sơn Nhất. "Vô cùng ít", ông nói.

"Nếu họ không bay đến Việt Nam thì đi đâu? Họ sẽ đến các sân bay cửa ngõ xung quanh như Singapore, Bangkok, Hongkong…

"Việt Nam trong tư duy của các hãng hàng không lớn, khách hàng lớn giống như người Singapore từng nói vào mặt tôi cách đây 10 năm chỉ là một bus-stop, trạm dừng chân xe bus để gom khách sang Singapore", ông Phạm Ngọc Minh nói.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên