Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam: Không có siêu thị nào nói có lãi ở thời điểm này
Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam, hiện nay mỗi tỉnh đang áp dụng các chỉ thị của Chính phủ về cách ly xã hội khác nhau, gây khó khăn cho một số hệ thống siêu thị có điểm bán tại các tỉnh trong việc vận chuyển hàng hóa về các điểm đó.
- 10-04-2020Bộ Công thương nói gì về việc Trung Quốc siết chặt cửa khẩu khiến xuất khẩu hàng hoá gặp khó khăn?
- 06-04-2020Bộ Công Thương chỉ ra những vấn đề về giá thịt lợn
- 05-04-2020Bộ Công Thương yêu cầu mở thêm điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến
Số liệu thống kê cho biết chỉ số bán lẻ trong tháng 3 đã giảm xuống 1,6% từ mức 7,2% của tháng 1. Trong quý 1, ngành này tăng 5,69%, mức thấp nhất 6 năm. Theo đánh giá của giới phân tích, với việc áp dụng cách ly toàn xã hội trong tháng 4, chỉ số bán lẻ chắc chắn sẽ giảm âm trong một vài tháng của quý 2.
Chúng tôi đã liên hệ với bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) để tìm hiểu về tình hình thực tế của các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay.
Không một siêu thị nào nói có lãi thời điểm này
Hiện tại do yêu cầu cách ly toàn xã hội, hầu hết các trung tâm thương mại tạm đóng cửa, chỉ có các siêu thị bán hàng thiết yếu còn hoạt động, xin bà chia sẻ thực trạng của các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay?
Các DN bán lẻ hiện nay hầu hết đều gặp khó khăn, doanh số sụt giảm chung từ 15-20%. Mặc dù các sản phẩm thiết yếu và thực phẩm tươi sống có tăng nhưng các nhóm hàng phi thực phẩm doanh thu giảm mảnh.
Hệ thống các trung tâm thương mại và siêu thị có đồ thực phẩm tươi sống hoạt động tốt nhưng biên lợi nhuận ở thời điểm hiện tại rất thấp. Đa phần là hỗ trợ các hộ kinh doanh.
Trong khi đó, ngành hàng điện máy doanh thu giảm khoảng 30-40%, các nhóm thương mại dịch vụ, hệ thống cửa hàng ăn uống, giải khát giảm 70-80% doanh thu so với cùng kỳ năm 2019.
Các nhà hàng đóng cửa mùa Covid-19
Bà vừa chia sẻ biên lợi nhuận của các chuỗi siêu thị rất thấp, vậy các siêu thị hiện nay đang hỗ trợ các nhà sản xuất và người tiêu dùng như thế nào?
Nhìn chung các siêu thị đang khó khăn, chỉ tập trung nhập và bán mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, họ cũng phải gồng mình chống dịch bệnh, không có siêu thị nào nói có lãi cả.
Các hệ thống siêu thị với các nhà sản xuất thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản đã ký trong hợp đồng là tốt rồi. Còn việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân như được mùa mất giá, hàng không xuất khẩu được quay vì thì các siêu thị từ trước tới nay vẫn hỗ trợ chứ không phải riêng đợt Covid này.
Một số nhà cung cấp sản phẩm tươi sống yêu cầu siêu thị hỗ trợ thanh toán như trước đây thanh toán 2 tuần/lần thì đẩy nhanh thành 1 tuần/lần hoặc 10 ngày/lần thì vấn đề này hai bên đang xem xét để hỗ trợ lẫn nhau.
Các siêu thị hiện nay có đảm bảo được việc cung ứng hàng hóa và có khó khăn gì trong việc nhập hàng hóa không thưa bà?
Việc cung cấp hàng hóa và nhập hàng không khó khăn gì. Vấn đề hiện nay là mỗi tỉnh đang áp dụng các chỉ thị của Chính phủ về cách ly xã hội khác nhau, gây khó khăn cho một số hệ thống siêu thị có điểm bán tại các tỉnh trong việc vận chuyển hàng hóa về các điểm đó.
Tôi lấy ví dụ một số tỉnh kiểm tra xe vào gắt gao làm chậm trễ việc vận chuyển hàng từ các kho trung tâm của hệ thống siêu thị về các tỉnh. Có tỉnh thì chỉ cho bán đồ thực phẩm tươi sống không cho bán đồ dùng gia đình và thời trang, hoặc không được bán đồ thực phẩm chế biến sẵn mặc dù không ăn tại chỗ mà mang về cũng không cho bán, các siêu thị đang kêu về việc này.
Do đó các siêu thị tại các tỉnh bị khập khiễng trong việc áp dụng quy định của chính quyền các địa phương, còn việc cung ứng hàng hóa thì không gặp vấn đề gì.
Hàng hóa vẫn đầy ắp trong siêu thị
Chi phí lớn nhất của các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay là chi phí thuê mặt bằng, mới đây công ty Đầu tư Thế giới di động gửi thư xin các đối tác giảm 50% tiền mặt bằng, theo bà các doanh nghiệp trong hiệp hội bán lẻ có gặp khó khăn này không và giải pháp là gì?
Các DN trong hiệp hội như các TTTM hay các hệ thống siêu thị họ thuê mặt bằng của chủ đầu tư, mặt khác họ cho thuê lại các gian hàng nhỏ lẻ trên mặt bằng đó. Các siêu thị đã gửi công văn cho các đối tác thuê lại với tỷ lệ giảm nhất định, nhưng việc đàm phán với chủ đầu tư vẫn đang trong tình trạng chờ đợi để bên chủ đầu tư xem xét. Giải pháp hiện tại vẫn là xin hỗ trợ của chủ đầu tư.
Hiệp hội Các Nhà bán lẻ có đề xuất gì để giảm thiểu khó khăn cho các doanh nghiệp?
Hiệp hội Các Nhà bán lẻ gửi các đề xuất lên cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, VCCI, một trong những kiến nghị là giải quyết kịp thời các gói hỗ trợ tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi để DN dự trữ hàng hoá, đảm bảo bình ổn giá thị trường; thứ hai đề nghị có chính sách hỗ trợ giảm gánh nặng cho các khoản phải đóng như thuế, giảm giá điện nước, giảm các mặt bằng thuê. Ngoài ra như tôi đã trình bày ở trên, các doanh nghiệp bán lẻ mong muốn các tỉnh thống nhất việc áp dụng chỉ thị của Chính phủ trong việc cách ly để tạo điều kiện cho các DN trong và ngoài tỉnh.
Chúng tôi mong muốn các gói hỗ trợ của Chính Phủ sớm được thực thi và khó khăn của DN sớm được giải quyết.
Khách hàng chủ động mua sắm online
Các doanh nghiệp bán lẻ có đưa ra chương trình kích cầu tiêu dùng thời điểm này không thưa bà?
Trong thời điểm hiện tại do tránh tập trung đông người nên các hệ thống bán lẻ chưa triển khai các chương trình lớn còn các chương trình giảm giá, mua hàng giá ưu đãi vẫn áp dụng thường xuyên. Các chương trình lớn phải để sau dịch.
Theo ý kiến của bà, dịch Covid-19 đã thay đổi ngành bán lẻ Việt Nam như thế nào?
Trong thời kỳ vừa qua người dân đã đi đến các điểm bán hàng tin cẩn để mua sắm các sản phẩm thiết yếu, hệ thống siêu thị hiện đang bán hàng theo nhiều hình thức khác nhau như bán hàng qua điện thoại hay online. Các siêu thị đang tăng cường đầu tư vào việc này cả con người và công nghệ nhưng phải sử dụng chi phí rất nhiều. Chắc chắn sau mùa Covid này sẽ có nhiều đổi mới cả về thói quen mua hàng của khách hàng, cách bán hàng của hệ thống bán lẻ sẽ có nhiều tiện ích phát sinh để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Theo đánh giá của bà hệ thống bán lẻ hiện nay đáp ứng được nhu cầu mua sắm online của người dân chưa?
Các siêu thị đẩy mạnh bán hàng online nhiều hơn, và bản thân khách hàng cũng chủ động mua sắm online nhiều hơn. Trước đây việc mua sắm online chỉ tập trung vào ngành đồ khô và phi thực phẩm, điện máy, hàng gia dụng nhưng giờ các siêu thị đã đáp ứng được nhu cầu mua hàng đa dạng của các khách hàng.
Vừa qua Sở Công Thương Hà Nội có yêu cầu các điểm bán lẻ cần mở rộng thêm nhiều điểm lưu động để tránh tập trung đông người, vậy các siêu thị có đáp ứng yêu cầu này không?
Chủ trương của Sở Công Thương Hà Nội phổ biến cho các DN bán lẻ mở rộng các điểm bán bên ngoài, các siêu thị đang cố gắng làm việc đó tuy nhiên thời điểm dịch bệnh có một số khó khăn trong việc mở điểm bán hàng như việc đưa nhân viên ra ngoài phục vụ. Tuy nhiên hệ thống bán lẻ vẫn đang cố gắng mở thêm các điểm để phục vụ người tiêu dùng.
Các thành viên Hiệp hội các nhà bán lẻ có chương trình gì để giúp đỡ lẫn nhau không thưa bà?
Hiệp hội các nhà bán lẻ có những thành viên là nhà sản xuất như Vinamilk, Unilever chuyên cung cấp hàng cho hệ thống bán lẻ, các thành viên này hỗ trợ lẫn nhau, đã có sự chủ động giữa doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ ngồi đàm phán với nhau để cùng giải quyết khó khăn trong thời gian này, Hiệp hội bán lẻ không can thiệp vào những việc này.
Xin cảm ơn bà.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19