Chủ tịch JPMorgan Chase gióng hồi chuông cảnh báo suy thoái Mỹ: “Đây là vấn đề cực nghiêm trọng”
CEO kiêm Chủ tịch Ngân hàng JPMorgan Chase Jamie Dimon đưa ra bình luận trong bối cảnh ngày càng có nhiều nỗi lo về viễn cảnh một cuộc suy thoái kinh tế sẽ xảy ra.
- 11-10-2022Nhà kinh tế học El-Erian: Fed phạm phải 2 sai lầm "lịch sử", đẩy kinh tế Mỹ đến một cuộc suy thoái lẽ ra có thể tránh
- 06-10-20225 dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu sắp suy thoái
- 27-09-2022Bloomberg: 98% kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái
Một cuộc suy thoái tiềm tàng
Tại Hội nghị JPM Techstars ở London hôm 10/10, CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase đã có lời cảnh báo rằng sự kết hợp “cực kỳ nghiêm trọng” của những cơn gió ngược có thể đẩy cả nền kinh tế Mỹ và toàn cầu rơi vào suy thoái trong giữa năm tới.
Vị CEO của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cho biết nền kinh tế Mỹ hiện tại thực sự vẫn đang hoạt động tốt. Người tiêu dùng có thể sẽ ở trong một trạng thái tốt hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. “Nhưng bạn không thể nói về nền kinh tế mà không nói về những điều trong tương lai. Và đây là vấn đề nghiêm trọng”, ông nhấn mạnh.
Trong số những dấu hiệu gióng lên hồi chuông cảnh báo, ông Dimon chỉ ra tác động của lạm phát leo thang, lãi suất tăng vượt kỳ vọng và những ảnh hưởng không lường trước được của việc thắt chặt định lượng và xung đột tại Ukraine.
“Đây là những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Tôi nghĩ là điều đó có khả năng đẩy Mỹ và cả thế giới vào một cuộc suy thoái trong 6-9 tháng nữa”, ông Dimon nói.
Ông đưa ra bình luận khi nhiều người lo ngại về viễn cảnh suy thoái kinh tế do FED và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất để chống lạm phát tăng vọt.
Phát biểu với CNBC tháng trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Chicago Charles Evans cho biết ông cảm thấy e ngại về việc ngân hàng trung ương Mỹ đi quá xa, quá nhanh trong nỗ lực giải quyết tỷ lệ lạm phát cao.
FED đã tăng lãi suất thêm 0,75% vào tháng trước và là lần tăng thứ 3 liên tiếp với cùng một quy mô. Các quan chức FED cũng cho biết họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất cao hơn phạm vi hiện tại là từ 3% đến 3,25%.
Ông Dimon nói rằng khi FED chờ đợi quá lâu và hành động quá ít, cuối cùng để cho lạm phát nhảy vọt lên mức cao nhất trong vòng bốn thập kỷ và giờ đây ngân hàng trung ương rõ ràng là đang vội vã. Ông nói rằng mọi người hãy chúc cho FED có thể thành công và thực hiện được những dự định của họ, để họ có thể kiểm soát nền kinh tế chậm lại ở mức vừa đủ.
Mọi thứ đều khó đoán
Dimon nói rằng ông không thể chắc chắn rằng suy thoái ở Mỹ sẽ kéo dài bao lâu. Thay vào đó, ông khuyên những người tham gia thị trường nên đánh giá một loạt các kết quả.
Ông nói rằng mức độ nghiêm trọng của suy thoái còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên rất khó có thể đoán trước. Điều cần thiết là phải chuẩn bị tinh thần.
Điều Dimon có thể đảm bảo đó là các thị trường sẽ có nhiều biến động. Ông cũng cảnh báo điều này xảy ra đúng lúc các điều kiện tài chính rối loạn.
Khi được hỏi về triển vọng của S&P 500, ông Dimon cho biết chỉ số vẫn có thể giảm 20% nữa so với mức hiện tại và 20% tiếp theo sẽ “đau đớn hơn nhiều” so với mức đầu tiên.
Phát biểu trước rất nhiều nhà phân tích và nhà đầu tư vào đầu tháng 6, Dimon cho biết ông đang chuẩn bị giúp ngân hàng đối phó với “cơn bão” kinh tế do FED và cuộc xung đột ở Ukraine gây ra.
“JPMorgan đang chuẩn bị tinh thần và chúng tôi sẽ rất thận trọng với bảng cân đối kế toán của mình”, Dimon cho biết. Ông khuyên các nhà đầu tư cũng nên làm như vậy.
Những người tham gia thị trường đang mong chờ số liệu lạm phát (được dự đoán là cao) sẽ được công bố vào ngày 13/10 cũng như một loạt báo cáo kết quả kinh doanh sắp được các doanh nghiệp công bố.
JPMorgan dự kiến sẽ công bố kết quả tài chính quý 3 vào 14/10. Cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm khoảng 33% từ đầu năm đến nay.
Theo CNBC
Nhịp sống thị trường