MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Minh Phú đề xuất 4 cơ chế để biến Việt Nam thành cường quốc sản xuất tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu năm 2045

06-03-2021 - 19:21 PM | Doanh nghiệp

Chủ tịch Minh Phú đề xuất 4 cơ chế để biến Việt Nam thành cường quốc sản xuất tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu năm 2045

Chủ tịch Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú đề xuất DN được tiếp cận và giải ngân vay ưu đãi các nguồn vốn hỗ trợ phát triển của Chính phủ. Các dự án triển khai được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm từ khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động và hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong các năm tiếp theo của dự án.

Chiều 6/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045”.

Đại diện cho Tập đoàn thủy sản Minh Phú, doanh nghiệp được mệnh danh là "vua tôm", ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn cho biết, hiện nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản, đặc biệt là tôm, đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn.

Bằng kinh nghiệm và tầm nhìn của mình, Minh Phú đã xây dựng kế hoạch về một chuỗi giá trị tôm thông minh xanh sạch, hữu cơ tuần hoà và cân bằng carbon, sẽ được triển khai xây dựng với các hình mô hình chính:

Khu phức hợp nuôi Tôm công nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn được quản lý bằng ứng dụng di động thông minh (Mobile app) - Khu phức họp nuôi tôm sú quảng canh tuần hoàn vừa sức tải của môi trường - Khu phức hợp nuôi tôm sú rừng đước hữu cơ, tuần hoàn vừa sức tải của môi trường - Khu phức họp nuôi tôm sú-lúa hữu cơ (2 vụ tôm sú + 1 vụ lúa chung với tôm càng) tuần hoàn vừa sức tải của môi trường.

Đặc biệt, Minh Phú đã kết hợp công nghệ AI và nền tảng Blockchain để xây dựng một ứng dụng di động thông minh (Mobile app) quản lý nuôi tôm, được thiết kế riêng cho từng đối tượng người dùng. Ứng dụng cho phép người nông dân, kỹ sư, nhà quản lý, người thu mua, nhà máy sản xuất, các đơn vị tài chính như ngân hàng, bảo hiểm,... truy cập vào cơ sở dữ liệu và nhận được thông tin về tình hình nuôi trồng theo thời gian thực; giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu chi phí sản xuất cho cả chuỗi giá trị.

Theo phân tích và đánh giá, các mô hình khu phức hợp nuôi tôm này là giải pháp tiềm năng và khả thi nhất để mang lại công ăn việc làm cho hàng triệu lao động; nâng cao GDP bình quân đầu người của khu vực; đóng góp lớn vào nguồn ngân sách Nhà nước; góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo kinh tế-xã hội, và tương lai phát triển của khu vực duyên hải các tỉnh từ Kiên Giang đến Ninh Thuận.

"Và đặc biệt là sẽ biến Việt Nam thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỷ USD vào năm 2045", ông Lê Văn Quang tin tưởng.

Để thực hiện được điều này, ông Quang cho rằng cần sự chấp thuận và ủng hộ của Nhà nước và đề xuất chính quyền các cấp tạo ra các hành lang pháp lý cũng như các cơ chế, chính sách thông thoáng để các dự án được triển khai trong thời gian nhanh nhất có thể. Cụ thể, DN được tiếp cận và giải ngân vay ưu đãi các nguồn vốn hỗ trợ phát triển của Chính phủ; được tiếp cận và vay các nguồn vốn từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính nước ngoài. Các dự án triển khai được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm từ khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động và hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong các năm tiếp theo của dự án. Cán bộ công nhân viên và dân cư trong vùng dự án hưởng thuế suất thu nhập cá nhân là 15% trên tổng thu nhập của họ. Nhà nước quy hoạch và đầu tư các công trình cấp nguồn nước biển sạch xa bờ cho các vùng nuôi tôm lớn để đảm bảo nguồn cung tôm sạch xuất khẩu.

"Nếu có được những sự hỗ trợ trên, chúng tôi tự tin rằng chuỗi giá trị tôm này sẽ thu hút được sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ từ nhiều nguồn lực khác nhau... để cùng xây dựng một hệ sinh thái tôm hoàn chỉnh, bền vững, và thành công", ông Lê Văn Quang nói.

Cuộc gặp mặt hôm nay giữa Thủ tướng Chính phủ với đại diện cho nhiều doanh nhân tiêu biểu, nhiều học giả lớn của Việt Nam để lắng nghe, thảo luận về các sáng kiến hay góc nhìn của những doanh nhân thành đạt, những học giả uyên bác với một mục tiêu cốt lõi là "đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045". Đồng thời, lắng nghe những kiến giải để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế đất nước trong bối cảnh COVID-19 hđang hoành hành trên khắp thế giới, cũng như tận dụng cơ hội để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành những thời cơ, lợi thế để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn.

Chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua. Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945-2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. Mục tiêu này là một thách thức lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta có khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu "đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045".

PV - Theo Chinhphu.vn

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên