MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VCCI phát biểu tại họp báo VBF: APEC 2018 không ra được tuyên bố chung nhưng Việt Nam lại có thu hoạch khiến các thành viên phải chúc mừng

Cuộc khảo sát do PwC thực hiện với 1.189 lãnh đạo doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế thuộc Diễn dàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cho thấy Việt Nam giữ vị trí hàng đầu 2 năm liên tiếp về địa điểm dự kiến thu hút FDI. Trung Quốc, Mỹ, Úc… lần lượt ở các vị thứ tiếp theo.

Họp báo trước thềm Diễn đàn VBF 2018 chiều nay (3/12), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, đồng thời là đồng chủ tịch VBF, đã dẫn lại báo cáo của PwC như một tin vui đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Thông tin này được công bố trong khuôn khổ Hội nghị APEC vừa diễn ra trong tháng 11 tại Papua New Guinea. Theo ông, mặc dù lần họp APEC này các nền kinh tế đã không đạt được đồng thuận để có được thông báo chung nhưng Việt Nam trong kỳ họp này cũng có thu hoạch. 

Đó là kết quả khảo sát của PwC, thực hiện với 1.189 lãnh đạo doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế thuộc APEC cho thấy Việt Nam, năm thứ 2 liên tiếp, dẫn đầu APEC trong thu hút vốn đầu tư xuyên biên giới.

Như vậy, Việt Nam đã "vượt mặt" lần lượt Trung Quốc, Mỹ, Úc…

Chủ tịch VCCI phát biểu tại họp báo VBF: APEC 2018 không ra được tuyên bố chung nhưng Việt Nam lại có thu hoạch khiến các thành viên phải chúc mừng - Ảnh 1.

"Các nền kinh tế thành viên đều chúc mừng Việt Nam", ông Lộc kể lại và cho biết một trong những lý do khiến đất nước hơn 90 triệu dân trở thành điểm đến hàng đầu là bởi niềm tin, sức sống của các hiệp định thương mại tự do.

Ông khẳng định, bên cạnh thể chế, nỗ lực mở cửa là điều đặc biệt quan trọng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam ngoài những thách thức từ căng thẳng thương mại thì cũng có những cơ hội lớn nhờ vào sự dịch chuyển đầu tư toàn cầu.

"Hơn 1/3 nhà đầu tư Mỹ đã hoặc đang có ý định chuyển ra khỏi Trung Quốc và tìm các địa điểm lân cận, trong đó có Việt Nam", ông nói và nhấn mạnh đến cơ hội để đất nước tái cấu trúc chuỗi giá trị.

Dù vậy, ông Lộc khẳng định những kết quả này cũng chỉ cho thấy ý định của các nhà đầu tư. Do vậy, để biến ý tưởng, dự định thành thực tế, Việt Nam cần phải hành động. Chìa khoá cơ hội nằm ở những nỗ lực cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Tomaso Andreatta  - đồng chủ tịch VBF cho biết Việt Nam đang trong quá trình thích ứng với sự thay đổi của thương mại toàn cầu. Theo đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc tập trung nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề mới, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề môi trường, chỉ số thương mại bền vững...

"Việt Nam đang có triển vọng tốt nhưng phải tính đến yếu tố bền vững", ông Tomaso lưu ý.

Tham nhũng cũng là một vấn đề quan trọng được vị này đặt ra. Theo quan sát của ông, Chính phủ Việt Nam đã xử lý tốt vấn nạn tham nhũng, tuy nhiên, ông cũng kỳ vọng nạn này sớm bị loại bỏ hoàn toàn.

Ngoài ra, đồng chủ tịch VBF cũng đề cập đến các vấn đề liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ, môi trường kinh doanh... tại Việt Nam. Ông cho biết những vấn đề này đều được đặt lên bàn nghị sự của VBF sáng mai, 4/12, với chủ đề Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu. 

N.Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên