Chủ tịch VCCI: Đã đi trước trong cuộc chiến chống Covid-19, thì hy vọng chúng ta cũng sẽ đi đầu trong mở cửa thị trường, mở cửa biên giới quốc gia
Trao đổi với Trí thức trẻ về việc mở cửa giữa các nước đã đẩy lùi được dịch để đẩy nhanh việc phục hồi lại nền kinh tế, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, thế giới bước lên phía trước thì Việt Nam cũng không nên tụt lại phía sau.
- 09-06-2020Chủ tịch VCCI: Chỉ gia công lắp ráp thì sẽ mãi “làm thuê cho thiên hạ”, không có cách nào vượt được bẫy thu nhập trung bình!
- 06-06-2020Chuyên gia The Economist Intelligence Unit: Mỹ đe dọa rút khỏi WTO, tình hình Trung Quốc phức tạp, đối thủ số 1 và nguy cơ hàng đầu của Việt Nam là gì?
Ông đánh giá ra sao về sự phục hồi của ngành du lịch trong những tháng vừa qua sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng gần như hoàn toàn?
Tất nhiên lĩnh vực du lịch vẫn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn để có thể phục hồi. Hiện nay chúng ta đang mở cửa, khuyến khích du lịch trong nước. Nhưng phải nói là nhu cầu của người dân, cũng như ngân sách dành cho du lịch của các gia đình cũng hạn chế.
Trong bối cảnh kinh tế còn đang có nhiều rủi ro, bệnh dịch có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, xu hướng tiết kiệm, an toàn đang gia tăng. Người dân sẽ không sẵn sàng "dốc hầu bao" để đi du lịch như trước đây. Thứ nhất là họ cần tích trữ, thứ hai là họ cũng cần tranh thủ làm việc, triển vọng tương lai chưa chắc chắn, nên hoạt động du lịch nội địa cũng không quá lạc quan. Dù hiện tại, đây vẫn đang là thị trường "cứu cánh" cho doanh nghiệp, nhưng cũng không thể kỳ vọng quá nhiều vào điều đó. Nỗ lực lắm thì cũng chỉ đạt được khoảng 50-60% so với trước dịch.
Còn du lịch nước ngoài, luồng khách quốc tế còn tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh và chính sách của các nước xung quanh. Biên giới các quốc gia sẽ mở cửa một cách thận trọng. Các thị trường khách du lịch hàng đầu của chúng ta hiện nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các thị trường khách chất lượng cao, chi tiêu nhiều.
Chúng ta cũng chưa thể chắc chắn diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu sẽ thế nào, chính sách mở cửa của họ ra sao. Thế nên việc mở cửa của bản thân chúng ta là việc cần thiết nhưng phải hết sức thận trọng, tùy thuộc vào tình hình đại dịch chung trên thế giới và chính sách của các nước.
Chúng ta không thể kỳ vọng rằng luồng khách du lịch quốc tế có thể sớm quay trở lại. Chúng ta chỉ có thể chuẩn bị từng bước để đón nhận dòng khách nước ngoài. Du lịch sẽ phục hồi chậm hơn các ngành khác, đây cũng là vấn đề nan giải. Mong Chính phủ và các địa phương xem xét để hỗ trợ cho lĩnh vực này.
Đồng thời doanh nghiệp cũng phải năng động trong việc tái cấu trúc lại, cải tiến hệ thống quản lý để giảm chi phí xuống mức tối thiểu, tăng cường các biện pháp tiếp thị số một cách tối đa, sáng tạo ra những mô hình dịch vụ mới, có sức hấp dẫn.
Nhiều quốc gia đang có kế hoạch và từng bước triển khai "bong bóng du lịch", cho phép mở cửa giữa các nước cùng đẩy lùi được Covid-19. Theo ông, chiến lược này có khả thi cho Việt Nam?
Hiện nay cũng đang có nhiều kiến nghị về việc đó. Việc mở cửa biên giới sẽ được thực hiện trước hết cho các nhà đầu tư, kinh doanh, các chuyên gia kỹ thuật. Các nước đang đàm phán để tạo điều kiện cho nhau trong lĩnh vực này theo quy chế thận trọng nhưng không được chậm chân. Đây sẽ là cách thức để chúng ta có thể hồi phục lại nền kinh tế.
Tôi đề nghị chúng ta cũng tính đến những cách thức này, để sớm khai thông, thúc đẩy trở lại luồng di chuyển của nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật và sau đó là khách du lịch… để tranh thủ cơ hội phục hồi kinh tế.
Chúng ta đã kiềm chế tốt Covid-19 và vượt ra khỏi tình trạng lây nhiễm Covid-19 sớm, chúng ta cũng có cơ hội để đi tiên phong trong việc mở cửa với thị trường quốc tế trước hết là với các quốc gia giống như ta đã kiềm chế tốt dịch bệnh. Chúng ta đã đi trước trong cuộc chiến chống Covid-19 thì hy vọng chúng ta cũng sẽ đi đầu trong mở cửa thị trường, mở cửa biên giới quốc gia.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!