MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VCCI: Trung Quốc có nhu cầu đầu tư ra bên ngoài nhằm thải loại công nghệ cũ, Việt Nam phải rất lưu ý điều này!

"Việt Nam đang đón dòng vốn FDI chảy mạnh vào, đặc biệt là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, dòng vốn này tập trung vào khâu lắp ráp", TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói.

Đánh giá về tình hình thu hút FDI, TS. Vũ Tiến Lộc nói rằng Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến của các nhà đầu tư ngoại. Ông cũng dẫn lại báo cáo của PwC cho biết trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có sức thu hút hàng đầu trong APEC.

"Tổng vốn FDI vào Việt Nam đã đạt những con số kỷ lục", ông nói. Tuy nhiên, lợi thế của Việt Nam trong thu hút vốn nước ngoài vẫn chủ yếu là do chi phí lao động tương đối rẻ, quy mô thị trường lớn, có ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng muốn tận dụng vị thế địa chính trị đặc biệt của Việt Nam.

"Thời gian gần đây nền kinh tế đang đón dòng vốn FDI chảy mạnh vào, đặc biệt là từ Trung Quốc", ông Lộc nói. Dù vậy, ông cũng lưu ý vốn hiện đang đổ tập trung vào mảng lắp ráp, gia công.

"Đây là vấn đề vô cùng quan trọng đối với chúng ta. Bởi nếu cứ lắp ráp giản đơn mà không phát triển được công nghiệp phụ trợ sẽ là một sự lãng phí lớn", ông Lộc chia sẻ với báo Trí Thức Trẻ.

Mặt khác, nguồn lực luôn là thứ có hạn, do đó, nếu Việt Nam tiếp nhận nhiều dự án về gia công, lắp ráp sẽ dẫn đến quá tải cơ sở hạ tầng, chật hẹp không gian phát triển cho các lĩnh vực khác.

"Nếu Việt Nam trở thành công xưởng giản đơn của thế giới thì không phát triển được. Chúng ta phải tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những công đoạn cao", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Chính vì vậy, nền kinh tế 95 triệu dân phải có sự chọn lọc. "Chúng ta đã nói nhiều đến một bộ lọc – một tiêu chuẩn kỹ thuật để lựa chọn những dự án đầu tư phù hợp với phát triển đất nước", ông Lộc nói và khẳng định Việt Nam đã bước qua giai đoạn phải thu hút FDI bằng mọi giá.

Theo đó, đất nước đã có quyền lựa chọn những gì cần thiết và phù hợp từ dòng vốn ngoại phục vụ cho sự phát triển bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Nói thêm về xu hướng vốn từ Trung Quốc dồn dập đổ vào Việt Nam trong thời gian qua, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết bên cạnh việc một số nhà đầu tư có sự dịch chuyển để hạn chế tác động của chiến tranh thương mại thì quốc gia này đang có nhu cầu đầu tư ra bên ngoài nhằm thải loại các công nghệ cũ.

"Trung Quốc đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới về công nghệ, tạo nên bước nhảy vọt để cạnh tranh. Do đó, họ buộc phải thay thế rất nhiều công nghệ. Các công nghệ này sẽ được đẩy sang các nước láng giềng mà Việt Nam chắc chắn là nơi được tìm đến. Các doanh nghiệp trong nước vì thế phải rất lưu ý điều này", ông cảnh báo.

Theo đó, nếu các doanh nghiệp trong nước "ôm" những dây chuyền có công nghệ lạc hậu, Việt Nam sẽ không cạnh tranh được không chỉ trong việc xuât khẩu mà còn thua ngay trên sân nhà.

"Áp lực cạnh tranh là rất lớn trong bối cảnh Trung Quốc muốn nâng cao công nghệ và áp lực của chiến tranh thương mại", ông Lộc nói thêm.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên