Chưa bao giờ Apple và Samsung lại bị các công ty Trung Quốc đe dọa đến thế
Sự thống trị của Apple và Samsung trong lĩnh vực điện thoại thông minh đang bị thách thức hơn bao giờ hết bởi các công ty Trung Quốc, những người bán hàng rẻ nhưng không thiếu sự sáng tạo.
- 08-08-2018Apple bị cảnh báo có thể "đối mặt với sự giận dữ và tinh thần dân tộc" của người Trung Quốc
- 05-08-2018Ánh sáng cuối đường hầm dành cho Xiaomi: Đừng nhìn Apple nữa, vì Amazon mới là chân lý
- 04-08-2018Bị truyền thông Trung Quốc "dằn mặt", Apple trở thành nạn nhân của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?
- 04-08-2018Cả 2 "kỷ lục tỷ đô" của Facebook và Apple đều bị các công ty Trung Quốc làm lu mờ
- 03-08-2018[Infographic] Hành trình đến mốc 1.000 tỷ USD vốn hóa thị trường của Apple
Một trong những dấu hiệu đáng ngại với những gã khổng lồ trong thị trường công nghệ, nơi mà những chiếc iPhone và Galaxy đã thống trị trong suốt nhiều năm, là sự nổi lên của Huawei Technologies Co. Đi sau và bị đánh giá vô cùng thấp, Huawei vừa hất cẳng Apple khỏi vị trí top 2 trong thị trường trị giá 500 tỷ USD. Tuy nhiên, Huawei không phải cái tên duy nhất.
Mục đích số 1 của hãng điện thoại Trung Quốc hiện nay là lật đổ Samsung khỏi vị trí số 1. Lợi nhuận đáng thất vọng của nhà sản xuất điện thoại Hàn Quốc trong bối cảnh các thương hiệu Trung Quốc nổi lên mạnh mẽ cho thấy Samsung đang bị cạnh tranh mạnh mẽ trên khắp thế giới chứ không chỉ riêng ở thị trường hơn 1 tỷ dân này.
Mối đe dọa Huawei
Có trụ sở tại Thâm Quyến, một trong những trung tâm công nghệ cao của Trung Quốc, Huawei đang nỗ lực cho vị trí thống trị thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Họ liên tiếp ra mắt những mẫu điện thoại mới với hàng loạt công nghệ vượt trội và tỏ ra chẳng thua kém gì so với những chiếc điện thoại hàng đầu của Samsung.
Một mẫu điện thoại của Huawei.
Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật nhất của các loại điện thoại Trung Quốc là rẻ dù cấu hình chẳng thua kém gì những siêu phẩm của Apple hay Samsung. Dù gần như vắng bóng hoàn toàn ở Mỹ nhưng điện thoại Huawei đã có mặt ở 170 quốc gia. Quý vừa rồi, doanh số của Huawei đã vượt Apple, biến họ trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 2 thế giới.
Xiaomi: Kẻ đáng gườm đang nổi
Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc không chút ngần ngại khi tạo ra những chiếc điện thoại mà về hình thức, nó chẳng khác iPhone là mấy. Giống Apple, Xiaomi cũng tạo ra hệ sinh thái của riêng mình và phát triển hàng loạt ứng dụng chuyên biệt. Trong những năm gần đây, Apple thậm chí còn đi sau các công ty Trung Quốc về một số tính năng và thiết kế.
Chiếc Xiaomi MIX 2S.
Ngoài ra, điện thoại Xiaomi cũng rẻ hơn rất nhiều so với hàng Samsung và Apple. Chiếc MIX 2S cao cấp nhất của Xiaomi chỉ có giá bán 500 USD. Nó có máy ảnh kép, vỏ gốm và màn hình tràn. Xiaomi cũng dùng những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực giải trí nước này để quảng cáo cho các sản phẩm của mình.
Transsion/Tecno: Chiếc điện thoại dành cho châu Phi
Khách hàng ở Mỹ, châu Âu và ngay cả ở Trung Quốc phải thật may mắn mới nhìn thấy một chiếc điện thoại Transsion. Tuy nhiên, ở châu Phi, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này đang là vua. Được thành lập năm 2006, công ty này chọn cách đặt cược vào thị trường điện thoại thông minh ở châu Phi, nơi người dân vẫn có thu nhập khá thấp so với phần còn lại của thế giới. Bước đi đón đầu đã mang về những thành công. Hiện nay, cứ 3/10 chiếc điện thoại được bán ở châu Phi mang nhãn hiệu Tecno Mobile của Transsion.
Điện thoại của Transsion nổi tiếng ở châu Phi.
Chiếc Transsion’s Spark 2 cũng là mẫu điện thoại tràn màn hình, sở hữu công nghệ mở khóa bằng khuôn mặt và máy ảnh chất lượng cao. Tuy nhiên, giá bán của nó chỉ là 100 USD trên Jumia, trang thương mại điện tử phổ biến ở châu Phi. Vượt mặt cả Apple và Samsung, Transsion đang là nhà sản xuất điện thoại lớn nhất ở châu Phi với gần 12 triệu chiếc được bán ra trong 3 quý đầu năm ngoái.
Oppo: Vua màn hình
Oppo bắt đầu sự nghiệp kinh doanh trong vai trò một nhà sản xuất máy nghe nhạc và đầu DVD trước khi bước chân vào phân khúc thị trường điện thoại thông minh khốc liệt ở Trung Quốc. Bây giờ, hãng điện thoại này đang muốn hướng tới các thị trường châu Âu, trong đó có Vương quốc Anh.
Sau khi khẳng định được tên tuổi tại thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, Oppo chọn cách đi vào thị trường châu Âu và ra mắt chiếc điện thoại Find X trị giá 1.154 USD ở Paris hồi tháng 6. Điểm nổi bật nhất của sản phẩm này là màn hình chiếm tới 93,8% diện tích máy trong khi iPhone X chỉ là 81,5%. Máy ảnh trước của chiếc Find X cũng được đánh giá cao với độ sắc nét, phù hợp việc tự chụp của người dùng.
Vivo: Ông hoàng âm thanh
Oppo và Vivo là đối thủ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường điện thoại thông minh nhưng cả hai đều được sáng lập bởi Duan Yongping. Vivo gây tiếng vang với việc bán điện thoại chất lượng cao, pin khỏe với mức giá rất thấp. Vivo đã cạnh tranh rất tốt ở Trung Quốc và bây giờ, họ là một trong những hãng đầu tiên tiếp cận thị trường Ấn Độ, vốn còn nhiều tiềm năng để bùng nổ.
Vivo ra mắt điện thoại thông minh mỏng nhất thế giới, chiếc X1, vào năm 2012 và lắp đặt bộ âm thanh chất lượng cao trên điện thoại, tạo cho nó có lợi thế cạnh tranh ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Tận dụng hình ảnh của người nổi tiếng để gây ảnh hưởng, Vivo và Oppo nhắm tới những nhóm khách hàng trẻ. Ngoài ra, số tiền mua một chiếc iPhone X có thể dùng để mua được 4 chiếc điện thoại Vivo. Chiếc điện thoại cao cấp nhất của Vivo hiện nay là NEX, với tỷ lệ màn hình lên tới 91,2%.