MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chưa bao giờ Chính phủ lắng nghe doanh nghiệp như bây giờ!”

Sáng nay (5/12) Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2016 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Chủ đề năm nay là “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân: Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hoà của kinh tế Việt Nam”.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã bày tỏ sự lạc quan quan về môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể trong thời gian vừa qua.

Theo đó, năm 2016 vừa qua là năm đầu tiên của Chính phủ mới. Dù thời gian chưa được 1 năm nhưng cộng đồng kinh doanh đã thấy rõ những định hướng, cam kết của Chính phủ.

Cụ thể, hàng loạt các giải pháp đã được Chính phủ thực hiện như trình Quốc hội nhiều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Trong đó, hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, đồng thời, nhiều điều kiện cũng được rà soát lại nghiêm túc, có sửa đổi, thay thế.

“Một khối lượng công việc rất lớn đã được thực hiện trong thời gian rất ngắn, đảm bảo được mốc thời gian 1/7/2016 là các điều kiện kinh doanh tại thông tư phải bãi bỏ như luật quy định, nhưng cũng đảm bảo chất lượng các điều kiện kinh doanh này”, ông Lộc cho biết.

Cũng theo ông, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 được ban hành trong năm nay. Bởi lẽ, 2 nghị quyết này đều đưa ra được những mục tiêu rõ ràng, cụ thể về các lĩnh vực cần thay đổi, so sánh được với các quốc gia khác trong khu vực và có lộ trình thực hiện chi tiết.

Nhờ những nỗ lực của Chính phủ, dù thời gian chưa dài nhưng đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, được cụ thể hoá bằng số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt mốc kỷ lục, vượt con số 100.000.

Điều này cũng được Ngân hàng Thế giới ghi nhận khi tăng hạng 9 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh ở Việt Nam, xếp Việt Nam vào nhóm 5 quốc qia đứng đầu ASEAN.

Đặc biệt, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh việc ít có thời điểm nào Chính phủ và các bộ ngành lại dành nhiều thời gian, ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế, sửa đổi, ban hành pháp luật như thời gian vừa rồi. Và cũng ít có thời điểm nào Chính phủ lại dành nhiều thời gian lắng nghe và đối thoại với doanh nghiệp như những tháng qua.

“Cộng đồng doanh nghiệp rất ấn tượng với những giải quyết cụ thể của người đứng đầu Chính phủ, mà việc giải quyết rốt ráo vụ quán Cà phê Xin chào trong TP HCM là một ví dụ”, ông Lộc cho biết.

Có cùng cảm nhận với ông Vũ Tiến Lộc, ông Ryu Hang Ha, đồng chủ tịch VBF cho biết năm 2016 là năm quan trọng với phát triển kinh tế Việt Nam. Thông qua những chỉ số phát triển kinh tế, có thể thấy kinh tế Việt Nam đang ổn định.

"Tôi có cảm nhận là Chính phủ mới của Việt Nam đang có những quyết tâm mạnh mẽ và động thái cụ thể thông qua các chế tài để phát triển kinh tế", vị doanh nhân người Hàn nói.

Đặc biệt, ông cho biết, ông bị ấn tượng bởi việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi đến từng tỉnh và tổ chức diễn đàn đầu tư. Đó là hành động thể hiện sự quan tâm cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng đối với phát triển kinh tế tại các địa phương.

Dù vậy, nếu thẳng thắn đánh giá và so sánh với các quốc gia khác, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn, mà so sánh với mong muốn của doanh nghiệp còn xa.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, từ vay vốn, lãi suất, thiếu nhân lực, chất lượng hạ tầng kém… đến việc bị vướng mắc thủ tục hành chính hay bị các cơ quan chức năng nhũng nhiễu.

Trước tình trạng đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng thông điệp đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, do đó, giải pháp lúc này là hành động, là rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xoá bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi.

“Những tinh thần cải cách của Nghị quyết Chính phủ cần được đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc nhất trên thực tế”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên