MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa Brexit, kinh tế Anh đã lao đao

19-07-2017 - 15:30 PM | Tài chính quốc tế

Dù nước Anh còn chưa ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), những nền móng của nền kinh tế nước này đã bắt đầu lung lay...

Dù nước Anh còn chưa ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), cuộc ra đi được biết đến với tên gọi Brexit, những nền móng của nền kinh tế nước này đã bắt đầu lung lay, theo CNN.

Hãng tin này dẫn một báo cáo ra ngày 18/7 của tổ chức nghiên cứu Centre of London nói rằng số lượng việc làm mới được tạo ra đã giảm xuống và thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu chuyển “lạnh” ở London, trong bối cảnh cuộc đàm phán Brexit bắt đầu diễn ra giữa Anh và EU.

“Không ai biết Brexit sẽ diễn ra như thế nào, nhưng phân tích mới này cho thấy nền kinh tế London đã bắt đầu loạng choạng”, ông Ben Rogers, Giám đốc Centre of London, phát biểu.

London chiếm khoảng 13% nền kinh tế Anh và là một thỏi nam châm thu hút lao động nhập cư làm việc trong các ngành tài chính và công nghệ. Trong khi đó, Brexit được dự báo sẽ đe dọa đến hầu hết những lĩnh vực giúp London trở thành một đầu tàu kinh tế của xứ sương mù.

Tỷ lệ thất nghiệp của London hiện mức thấp kỷ lục 5,5%, nhưng bản báo cáo nói rằng tốc độ tạo việc làm mới đã giảm xuống, “cho thấy sự phục hồi hậu suy thoái của London có thể đã đi đến hồi kết”.

Ngoài ra, số lượng người nước ngoài đăng ký làm việc ở London cũng giảm mạnh. Trong quý 2, số người đăng ký mã số Bảo hiểm Quốc gia - mã số cần phải có để được làm việc tại Anh - đã giảm 15% tại London.

“Đây là dữ liệu chắc chắn đầu tiên cho thấy dòng người nhập cư vào Anh vì mục đích công việc đang chậm lại”, giáo sư Jonathan Portes thuộc trường King’s College ở London phát biểu.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản luôn nóng của London đã bắt đầu nguội đi. Tốc độ tăng giá nhà ở London so với cùng kỳ năm trước đã đạt đỉnh ở mức 14% vào đầu năm 2016. Trong quý 2 vừa qua, tốc độ tăng chỉ còn 1,2%, mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Nhưng điều tồi tệ nhất có thể còn chưa đến.

Nhiều công ty tài chính lớn như JPMorgan Chase, UBS, HSBC, và Goldman Sachs đều nói sẽ chuyển nhân sự, vốn đầu tư, hoặc cả hai khỏi Anh vì Brexit.

Thị trưởng London, ông Sadiq Khan, người từng vận động chống Brexit, nói ông hiểu rằng các doanh nghiệp muốn sự chắc chắn và ổn định. Tuy nhiên, ông Khan nhấn mạnh rằng một số công ty lớn vẫn đang đầu tư vào London, như Snapchat và Google công bố kế hoạch mở văn phòng mới ở London vài tháng sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit.

Thống kê công bố hồi cuối tháng 6 cho thấy nền kinh tế Anh chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý 1, củng cố vị trí của nước Anh là nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất trong EU.

Tỷ lệ tiết kiệm trong thu nhập khả dụng của người Anh đang ở mức thấp nhất trong hơn 50 năm. Vay nợ thẻ tín dụng đang ở mức cao chưa từng thấy, trong khi tiền lương trì trệ và niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm.

Một báo cáo mới đây của hãng thẻ Visa cho thấy tiêu dùng của người Anh trong tháng 6 đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp, khép lại tháng tồi tệ nhất từ năm 2013.

Trong khi đó, giá cả gia tăng đang tác động đến sức mua của người dân Anh. Lạm phát tại nước này đã tăng mạnh lên mức 2,9% vào tháng 5 trước khi giảm nhẹ trong tháng 6.

Mặc dù vậy, đối với London, ngành du lịch đang là một điểm sáng. Lượng du khách đến London đã tăng mạnh nhờ đồng Bảng mất giá sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit. Trong quý 1/2017, có khoảng 4,5 triệu du khách đến London, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước.

Theo An Huy

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên