Chưa miễn dịch cộng đồng, Việt Nam có lỡ mục tiêu tăng trưởng kinh tế?
Trao đổi với Trí Thức Trẻ về việc liệu hoàn tất tiêm vaccine Covid-19 trên diện rộng sớm có phải là yếu tố quyết định đến việc đạt hay không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm hay không, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam khẳng định: “Vaccine không phải “viên đạn bạc" có thể giải quyết mọi vấn đề của dịch bệnh”.
Các quốc gia phát triển, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ đang đẩy rất mạnh việc tiêm vaccine cho toàn dân và bắt đầu tính đến chuyện mở cửa lại nền kinh tế. Theo ông, điều này sẽ tác động thế nào đến cơ hội phục hồi của kinh tế Việt Nam?
Chắc chắn, việc các nền kinh tế này mở cửa trở lại sẽ có tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam, ở một số góc độ như sau.
Thứ nhất, tác động đã được thể hiện ngay trong 5 tháng đầu năm vừa qua. Chúng ta đã chứng kiến sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu, Nhật Bản và một số quốc gia khác như Hàn Quốc – những nơi hiện nay đang triển khai tiêm vaccine rất mạnh và khả năng phục hồi nền kinh tế của họ đã được khẳng định một cách rất rõ nét nhờ chiến dịch tiêm chủng này.
Mỹ, khu vực EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cùng nhau đã chiếm tới hơn 70% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Như vậy, sự phục hồi của họ sẽ tác động trực tiếp tới cầu đối với hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam. Quả thực, ta đã thấy, xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đã tăng đến hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng trưởng mà chúng tôi đánh giá là khá ngoạn mục trong bối cảnh hiện nay.
Thứ hai, sự phục hồi của các nền kinh tế này đã kích thích được nhiều hơn và tạo thuận lợi hơn cho các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ các thị trường này. 5 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đạt 14 tỷ USD, đặc biệt là vốn đầu tư thực hiện tăng rất mạnh so với cùng kỳ.
Một điểm nữa, là sự phục hồi này cũng "le lói" hy vọng cho Việt Nam, rằng nếu chiến dịch tiêm chủng tại các khu vực nói trên được thực hiện tốt, cùng với việc Việt Nam cũng làm tốt chiến dịch tiêm chủng của mình, thì có thể sẽ có tác động tích cực tới sự phục hồi của ngành du lịch và các ngành liên quan đến du lịch như giao thông, hàng không và các ngành hậu cần cho du lịch.
Tất nhiên đây mới chỉ là một niềm hy vọng, nhưng có thể khẳng định là chiến dịch tiêm chủng thành công tại các nước sẽ tác động rất tích cực đến khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Việc tiếp cận vaccine của chúng ta, theo ông đã đủ kịp thời hay chưa? Có ý kiến lo ngại rằng nếu chậm trễ trong việc tiêm vaccine trên diện rộng, Việt Nam sẽ có nguy cơ thua thiệt trong cuộc đua hồi phục kinh tế. Ông nghĩ thế nào về nhận định này?
Chúng ta không nên quá bi quan như vậy. Vaccine không phải "viên đạn bạc" có thể giải quyết mọi vấn đề của dịch bệnh.
Trong thời gian vừa qua, ở một góc độ nào đó, việc tiếp cận vaccine của Việt Nam không đến nỗi quá chậm. Tiếp cận vaccine không phải là một vấn đề đơn giản, chúng ta phải thừa nhận điều đó để có thể đánh giá một cách công bằng.
Thứ nhất, việc mua vaccine thì ngay từ tháng 2, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã có ý kiến cơ bản đồng ý chủ trương mua vaccine và ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vaccine phòng Covid-19. Quá trình triển khai cũng đã bắt đầu từ sớm, và được đẩy mạnh hơn khi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 này xảy ra.
Như vậy chúng ta cũng có chậm một chút, khoảng một vài tháng, tuy nhiên đó là do cách tiếp cận của chúng ta. Chúng ta muốn đảm bảo một cách thận trọng, vì vaccine là một loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Về góc độ y tế, chắc chắn có lý do chính đáng để Việt Nam thận trọng khi quyết định việc tiêm vaccine diện rộng cho toàn dân.
Thứ hai, việc tiếp cận vaccine cũng không đơn giản. Ngay sau khi một số loại vaccine được phê duyệt, hiển nhiên sẽ có rất nhiều quốc gia tiếp cận, sức cạnh tranh lớn. Phần lớn các quốc gia này cũng là các quốc gia có điều kiện về kinh tế, nguồn lực và quan hệ… Thậm chí, có những quốc gia tiếp cận bằng được vaccine bằng cách chấp nhận tất cả các loại vaccine, kể cả những loại vaccine chưa được WHO phê chuẩn hoặc những vaccine chưa khẳng định được vai trò phòng chống dịch về mặt khoa học.
Trên thực tế, có một số quốc gia đã tiêm một số loại vaccine trên diện rất rộng nhưng họ vẫn tiếp tục hứng chịu làn sóng dịch bệnh. Chắc chắn, Việt Nam không đi theo cách tiếp cận như vậy.
Chúng ta đã sử dụng biện pháp khác để đảm bảo an toàn, giãn cách có chọn lọc và nâng cao ý thức của người dân, thực hiện 5K. Đó là cách mà chúng ta vẫn đang đảm bảo để vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.
Nếu cho rằng chúng ta sẽ thua thiệt trong cuộc đua phục hồi về kinh tế, tôi cho là hơi bi quan. Chúng ta vẫn còn đủ thời gian, đủ cơ hội để duy trì vị trí trong cuộc đua phục hồi kinh tế này.
Sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào quỹ vaccine vào thời điểm này mới chỉ dừng lại ở hoạt động ủng hộ về vốn. Theo ông, có nên để doanh nghiệp chủ động tham gia tìm kiếm, đàm phán nguồn vaccine cho mình, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều lao động?
Mở cửa cho khu vực doanh nghiệp đàm phán để có thêm các nguồn vaccine cũng là một điều rất tốt. Hiện nay Chính phủ cũng rất ủng hộ và Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ không có một rào cản hay khó khăn nào cho doanh nghiệp khi mua được vaccine về cho Việt Nam để tiêm cho công nhân và các đối tượng khác.
Vậy việc mở cơ chế cho doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, đàm phán vaccine cần lưu ý điều gì?
Thứ nhất, phải nhắc lại, vaccine không phải là một loại hàng hóa thông thường để chúng ta có thể mua về và tự tổ chức tiêm được. Việc tiêm vaccine cần phải có đội ngũ có chuyên môn về y tế ở một mức độ nào đó do vậy phải có một hướng dẫn rất rõ ràng trong việc tiêm vaccine.
Khu vực doanh nghiệp và tư nhân rất được đón chào trong việc mua vaccine, nhưng cần có sự phối hợp với các cơ quan y tế, các cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo việc tổ chức tiêm vaccine an toàn. Vì chỉ cần vài trường hợp sốc phản vệ không xử lý được đã có thể gây ra sự lo lắng, nghi ngờ vaccine trong người dân và có thể có những hệ lụy.
Thứ hai, việc mua vaccine hiện nay không phải dễ dàng. Các nhà cung cấp giờ cũng rất "cành cao", vì đó quyền là của người bán. Nếu như chúng ta có quá nhiều đầu mối đi đàm phán, đúng là có thể tạo thêm nguồn lực, nhưng sẽ không tạo ra sức đàm phán mang tính chất tổng hợp của một quốc gia khi mua vaccine. Đó cũng là một điểm chúng ta cần phải cân nhắc và có sự phối hợp, nhiều đầu mối đàm phán quá chưa chắc đã tạo ra được sự đàm phán tốt nhất.
Hiện nay, nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong nước đã lên tiếng cầu cứu Thủ tướng, Chính phủ trước những khó khăn của dịch bệnh (Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ, Hiệp hội taxi, Hiệp hội dệt may…). Theo ông, cách hỗ trợ tốt nhất mà chính phủ có thể cung cấp cho các doanh nghiệp trong thời điểm này sẽ là gì?
Sự hỗ trợ của nhà nước phải cân đối trong bối cảnh tình hình nền kinh tế hiện nay. Chúng ta đang rất khó khăn, dư địa về chính sách tài khóa, dư địa về chính sách tiền tệ không còn nhiều và ngân sách nhà nước không còn dư dả để có thể tung ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp như trước đây nữa.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp phải thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo nguồn lực chung của toàn xã hội. Vì vậy, có lẽ, phương thức hỗ trợ tốt nhất hiện nay không phải bằng tiền mặt nữa, mà sẽ là sự hỗ trợ về khả năng tiếp cận nguồn vaccine cho những người lao động trong ngành nghề đó một cách tốt nhất. Đó là cách hỗ trợ rất hiệu quả, có hợp tác công – tư, cả doanh nghiệp nhà nước cùng làm.
Ví dụ hiệp hội gỗ cũng sẵn sàng cùng Chính phủ bỏ tiền mua vaccine cho tất cả công nhân trong ngành gỗ, hiệp hội dệt may cũng vậy. Nếu làm được điều đó cũng sẽ là sự hỗ trợ trực tiếp với doanh nghiệp.
Thứ hai, có những giải pháp hỗ trợ Chính phủ đã làm rồi, như giãn thời hạn nộp các loại thuế, phí…. Tuy nhiên, những biện pháp giảm phí có thể chưa chạm đến được tất cả đối tượng doanh nghiệp.
Theo tôi, quan trọng hơn cả là việc giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm bớt các quy định về thuế, phí mới cho doanh nghiệp hoặc thậm chí kiên quyết không đưa ra các loại thuế, phí mới, các chi phí thủ tục hành chính mới trong thời điểm này. Việc này quan trọng hơn là thiết kế các hỗ trợ bằng tiền mặt. Chúng ta đều thấy, cách tiếp cận này trong thời gian vừa qua đã được chứng minh là không thực sự hiệu quả.
Theo ông, việc hoàn tất tiêm vaccine Covid-19 trên diện rộng sớm có phải là yếu tố quyết định đến việc đạt hay không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm hay không?
Việc tiêm vaccine Covid-19 trên diện rộng sẽ là nền tảng để có sự tăng trưởng kinh tế tốt hơn cho năm sau và những năm tới.
Tuy nhiên, vaccine không phải là con đường duy nhất để phát triển kinh tế, mà sẽ cần phải kết hợp các yếu tố khác, vì thực ra vaccine không phải là yếu tố duy nhất để đảm bảo cho chúng ta sự an toàn trong dịch bệnh.
Trong năm nay, khả năng chúng ta hoàn thành việc tiêm chủng trong diện rộng là rất khó. Nếu cuối năm chúng ta mới tiếp cận đủ lượng vaccine thì tác động kinh tế tất nhiên sẽ không thể hiện trong kết quả của năm nay được.
Yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong năm nay sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ ứng xử như thế nào trước dịch bệnh trong điều kiện không có vaccine, hoặc chưa có vaccine. Tức là chúng ta buộc phải phòng chống và khống chế được các tâm dịch hiện nay, là Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác trong tháng 6 này và trong các tháng sau.
Nếu chúng ta thành công, chúng ta có thể hy vọng đạt được mức tăng trưởng cao hơn. Còn nếu ngược lại, không chống dịch thành công thì rõ ràng mục tiêu tăng trưởng năm nay sẽ là áp lực nặng nề.
Tóm lại, không nên cho rằng phải đạt được tiêm chủng vaccine mở rộng thì chúng ta mới đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Mục tiêu tăng trưởng vẫn có thể đạt được, với điều kiện quan trọng nhất là chúng ta có thể thành công khống chế dịch bệnh trong bối cảnh chưa có vaccine trên toàn quốc. Chúng ta cần thực tế và chuẩn bị tâm thế và biện pháp cho các nỗ lực phát triển kinh tế trong bối cảnh chưa thể tiêm chủng mở rộng vaccine trong những tháng và thậm chí một, hai quý tới.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!