Chứng khoán 2019: Ra đời nhiều chính sách hỗ trợ nhưng là một năm đầy khó khăn với nhà đầu tư
Năm 2019, chỉ số VN-Index chủ yếu dao động trong biên độ hẹp 950 – 1.000 điểm nhưng là một năm đầy khó khăn cho nhà đầu tư bởi mức độ phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành.
Thị trường chứng khoán (TTCK) chuẩn bị khép lại năm 2019 đầy biến động. Mặc dù năm qua không có nhiều con sóng lớn nhưng thị trường đã ra đời nhiều chính sách hỗ trợ tích cực như bỏ sàn phí giao dịch chứng khoán, thông qua Luật chứng khoán sửa đổi, ra đời các sản phẩm mới…Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của chứng khoán Việt Nam trong năm 2019:
VN-Index không vượt qua 1.000 điểm
Từ mức thấp nhất 861,85 điểm, chỉ số VN-Index đã có nhịp hồi phục ấn tượng và có thời điểm lên sát mốc 1.030 điểm trong năm 2019. Tuy vậy, diễn biến chung của thị trường trong năm qua khá lình xình khi chỉ số VN-Index chủ yếu dao động trong biên độ 950 – 1.000 điểm.
Thị trường sideway trong biên độ hẹp khiến việc "lướt sóng" là không hề dễ dàng. Mức độ phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề nếu chọn sai cổ phiếu, dù thị trường chung không có nhiều biến động.
Tính tới hết phiên giao dịch 20/12, chỉ số VN-Index dừng tại 956,41 điểm, tăng 7,2% so với năm trước và nhiều khả năng sẽ đóng cửa dưới mốc 1.000 trong năm 2019.
VN-Index chủ yếu biến động trong vùng 950 - 1.000 điểm trong năm 2019
Dòng tiền khối ngoại suy yếu
Sau 2 năm mua ròng kỷ lục với giá trị lần lượt 27.000 tỷ đồng (năm 2017) và 43.000 tỷ đồng (năm 2018) thì đến năm 2019, giá trị mua ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam chỉ còn hơn 7.000 tỷ đồng.
Nếu loại đi một số giao dịch thỏa thuận đột biến, tiêu biểu như SK Group mua cổ phiếu VIC trị giá hơn 5.800 tỷ đồng trong tháng 5 thì lượng mua ròng của khối ngoại trong năm qua là không đáng kể. Sự suy yếu của dòng vốn ngoại là một phần nguyên nhân khiến thị trường ảm đạm trong năm 2019.
Chứng chỉ quỹ E1VFVN30 trở thành điểm sáng thu hút dòng vốn ngoại trong năm 2019 với giá trị mua ròng lên tới hơn 2.400 tỷ đồng. Dòng vốn ngoại đổ vào E1VFVN30 năm qua có dấu ấn không nhỏ từ Thái Lan khi CTCK hàng đầu nước này là Bualuang Securities đã niêm yết chứng chỉ lưu ký trên thị trường Thái Lan với tài sản cơ sở là ETF VFMVN30 (E1VFVN30).
Dòng tiền khối ngoại suy yếu trong năm 2019
Lỡ hẹn nâng hạng thị trường mới nổi (Emerging Markets)
Trong năm 2019, Việt Nam vẫn chưa lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi của MSCI cũng như chưa thể nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE Russell do chưa đáp ứng được đầy đủ tiêu chí của các tổ chức xếp hạng này.
Dù vậy, nhiều dự báo cho rằng Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE Russell vào kỳ đánh giá tháng 9/2020 cũng như lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI trong năm 2021. Nếu điều này diễn ra sẽ giúp thị trường Việt Nam thu hút dòng vốn khổng lồ từ các quỹ Emerging Markets.
Dù vậy, trong ngắn hạn, thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ được gia tăng tỷ trọng và trở thành thị trường lớn nhất trong các rổ chỉ số Frontier Markets (thị trường cận biên) khi Kuwait chính thức được nâng hạng trong năm 2020. Việc được tăng tỷ trọng trong rổ Frontier cũng giúp dòng vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường Việt Nam, dù quy mô khó có thể so sánh với Emerging Markets.
30 phiên giảm sàn liên tiếp của FTM vì vấn đề margin
Xét về câu chuyện tiêu cực trong năm 2019 phải kể tới chuỗi 30 phiên giảm sàn liên tiếp của cổ phiếu FTM (CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân). Chuỗi giảm sàn của FTM gắn liền với câu chuyện margin, gây ảnh hưởng không chỉ tới nhà đầu tư mà còn cả CTCK.
Sự cố liên tục giảm sàn và mất hơn 90% giá trị của FTM diễn ra sau thông tin không được giao dịch ký quỹ (margin), buộc các công ty chứng khoán phải bán giải chấp cổ phiếu.
13 công ty chứng khoán sau đó đã họp và cho biết có dư nợ margin cao bất thường tại FTM, đồng thời nghi vấn một số cá nhân mở tài khoản và vay margin nhằm thực hiện giao dịch chéo, làm giá cổ phiếu đều đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường, chủ tịch FTM.
Chuỗi 30 phiên giảm sàn liên tiếp của FTM
Bỏ sàn phí giao dịch 0,15%
Ngày 15/2, Thông tư 128/2018/TT-BTC (Thông tư 128), thay thế cho Thông tư số 242/2016/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào TTCK Việt Nam đã chính thức có hiệu lực.
Một điểm đáng chú ý trong thông tư 128 là giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm (áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch) chỉ áp dụng mức tối đa 0,5% giá trị giao dịch. Trước đó, theo thông tư 242/2016/TT-BTC, biểu giá tối thiểu được áp dụng là 0,15% và tối đa 0,5%.
Thay đổi này đồng nghĩa với việc sẽ không còn mức giá sàn dịch vụ mua, bán chứng khoán 0,15%, hay các CTCK có thể cạnh tranh lẫn nhau từ việc giảm phí dịch vụ. Kể từ khi ra đời thông tư 128, một số CTCK đã tiến hành hạ phí giao dịch, thậm chí miễn phí giao dịch chứng khoán và đã thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư.
CTCK vốn Hàn Quốc "phả hơi nóng" vào CTCK trong nước
Những năm gần đây đã xuất hiện làn sóng đổ bộ của các CTCK vốn Hàn Quốc vào Việt Nam. Riêng trong năm 2019, dấu ấn các CTCK vốn Hàn Quốc trên thị trường càng trở nên rõ nét với những thương vụ như Hanwha mua lại Chứng khoán HFT và đổi tên thành Pinetree, JB Financial Group chuẩn bị mua lại Chứng khoán Morgan Stanley Gateway (MSGS) hay nổi bật nhất là việc Mirae Asset tăng vốn điều lệ lên gần 5.500 tỷ đồng, vượt qua SSI trở thành CTCK vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Với tiềm lực tài chính hùng hậu từ công ty mẹ, các CTCK vốn Hàn Quốc mau chóng trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm với các tên tuổi trong nước, từ chất lượng dịch vụ cho tới số lượng chi nhánh và đặc biệt ở khả năng cung cấp nguồn vốn cho vay (margin).
Mirae Asset thậm chí đã có dư nợ margin vượt qua SSI (quý 3/2019), hay các CTCK vốn Hàn khác như KBSV, KIS…cũng có dư nợ ngang ngửa với các CTCK lớn trong nước như VNDirect, MBS, VCSC…Sự hiện diện của các CTCK vốn Hàn trong top 10 thị phần môi giới đã phản ánh áp lực cạnh tranh mạnh mẽ mà các CTCK trong nước đang gặp phải.
Không những vậy, thông tư 128 ra đời cho phép gỡ bỏ mức phí sàn giao dịch 0,15% đã giúp một số CTCK vốn Hàn giảm phí, thậm chí miễn phí giao dịch, qua đó tạo nên áp lực lớn với CTCK nội.
Dư nợ margin các CTCK vốn Hàn Quốc tăng mạnh trong năm 2019
Ra đời 3 bộ chỉ số VNDiamond, VNFin Lead, VNFin Select
Trong tháng 11, HoSE đã công bố 3 bộ chỉ số VNDiamond, VNFin Lead, VNFin Select, tạo tiền đề cho sự ra đời của các quỹ mô phỏng chỉ số (ETFs), qua đó giúp thu hút dòng tiền vào thị trường, đặc biệt tại các cổ phiếu đã hết room ngoại.
Hiện SSIAM đã được cấp giấy chứng nhận thành lập quỹ ETF SSIAM VNFin Lead. Theo giới thiệu, quy mô huy động ban đầu của ETF SSIAM VNFin Lead vào khoảng 25-30 triệu USD, sử dụng benchmark là chỉ số VNFin Lead.
Trước đó, thị trường Việt Nam đã có 2 quỹ ETFs, bao gồm quỹ VFMVN30 ETF do VFM quản lý, sử dụng benchmark là chỉ số VN30 và SSIAM VNX50 ETF do SSIAM quản lý, sử dụng benchmark là chỉ số VNX50. Trong đó, quỹ VFMVN30 ETF với quy mô gần 6.500 tỷ đồng đang là quỹ ETF lớn thứ 2 hiện diện trên thị trường Việt Nam.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ
Trong khoảng 2 năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã có sự bùng nổ trong bối cảnh tín dụng bị siết chặt hơn với các ngành nghề rủi ro; Các ngân hàng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Lãi suất trái phiếu các doanh nghiệp huy động thường từ 11-12%/năm, có trường hợp lên tới 20%/năm. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cũng đẩy mạnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường cổ phiếu ảm đạm.
Theo số liệu từ HNX, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tính tới hết tháng 11 lên tới 233,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 6% so với tổng lượng phát hành trong cả năm 2018. Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu đến từ lĩnh vực ngân hàng, bất động sản.
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, nhiều rủi ro đã được cảnh báo cho cả tổ chức phát hành lẫn nhà đầu tư. Thậm chí NHNN đã có những động thái yêu cầu các Ngân hàng thương mại kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Chứng quyền bảo đảm, HĐTL Trái phiếu Chính phủ chính thức ra đời
Ngày 28/6, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã đưa vào vận hành chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) với sản phẩm đầu tiên là chứng quyền mua. CW ra đời được kỳ vọng giúp nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các cổ phiếu hết room, cũng như cơ hội kiếm lời nhờ đòn bẩy cao.
Tuy vậy thị trường CW vẫn chưa thực sự sôi động dù số lượng CW niêm yết, cũng như số lượng CTCK phát hành ngày càng nhiều. Một phần lý do khiến CW chưa thực sự bùng nổ bởi diễn biến thị trường chung trong năm 2019 không thực sự thuận lợi.
Sau CW, ngày 4/7, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã khai trương giao dịch Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ (HĐTL TPCP). Sau 2 năm thị trường phái sinh đi vào hoạt động, việc ra mắt sản phẩm mới này cung cấp cho nhà đầu tư thêm một lựa chọn đầu tư và công cụ phòng ngừa rủi ro hữu hiệu trên thị trường trái phiếu, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức.
Sản phẩm phái sinh được lựa chọn ra mắt thị trường lần này là HĐTL TPCP có tài sản cơ sở là trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm. Việc ra mắt sản phẩm thứ 2 trên TTCK Phái sinh được coi là bước phát triển tiếp theo nhằm hoàn thiện cơ cấu sản phẩm cho TTCK phái sinh, hỗ trợ sự phát triển bền vững của thị trường TPCP tại Việt Nam. Dù vậy, hoạt động giao dịch HĐTL TPCP trong những tháng qua diễn ra chưa thực sự sôi động.
Quốc hội thông qua Luật chứng khoán sửa đổi
Ngày 26/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi với những thay đổi được kỳ vọng giúp TTCK Việt Nam nâng cao chất lượng và là tiền đề cho việc nâng hạng thị trường trong thời gian tới. Tuy vậy, một trong những vấn đề được giới đầu tư quan tâm lớn là giới hạn sở hữu của NĐT nước ngoài vẫn chưa có quy định cụ thể.
Luật Chứng khoán sửa đổi cũng quy định lại chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE). Tuy nhiên, việc sáp nhập chưa được được tiến hành ở thời điểm hiện tại mà sẽ theo hướng phân định lại chức năng, nhiệm vụ của từng sở.
Theo kế hoạch dự kiến, toàn bộ giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh sẽ được thực hiện tại HNX, toàn bộ giao dịch cổ phiếu sẽ được thực hiện tại HoSE, trên cơ sở đó sẽ tiến tới thống nhất 1 hệ thống chỉ số giao dịch.