Chứng khoán toàn cầu sẽ tệ tới mức nào?
Các cuộc bán tháo vẫn đang diễn ra nhưng người ta chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy nó sắp đến hồi kết.
- 21-12-2018Toàn cảnh chứng khoán thế giới năm 2018: Trắng tay
- 20-12-2018Fed chính thức tăng lãi suất, chứng khoán Mỹ đỏ lửa
- 19-12-2018Chứng khoán Mỹ hồi phục nhẹ, S&P 500 ở sát mức thấp nhất năm 2018
- 18-12-2018Thị trường chứng khoán vừa có một tháng 12 tồi tệ nhất kể từ Đại Suy Thoái
- 18-12-2018Cú bán tháo trên thị trường chứng khoán đang dập tắt mọi hy vọng
Để tìm đáy cho cuộc khủng hoảng này, các nhà phân tích và giới đầu tư đang dùng mọi thứ, từ định giá tới phân tích kỹ thuật và cả những bài học trong lịch sử. Ngay lúc này, người ta đang cố lục tìm những tín hiệu lạc quan với thị trường.
Những điều này thực chất là một bộ môn khoa học không chính xác, đặc biệt là khi có hàng loạt những diễn biến xấu bao vây kinh tế thế giới. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, Brexit gặp nhiều cản trở hay cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ cùng với đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ đang bị đảo ngược khiến tình hình trở nên khó đoán.
"Thị trường đang trong tình trạng bán tháo quá mức. Điều đó có nghĩa là nó đã chạm đáy? Câu trả lời là không. Rất khó để nói chính xác đâu là đáy trong bối cảnh ngày nay", Joseph Tanious, chiến lược gia đầu tư cấp cao của Bessemer Trust – đang giám sát hơn 100 tỷ USD, nhận định.
Thành quả của năm 2018 đã bị thổi bay.
Trong khi đó, biểu đồ phân tích kỹ thuật đang cho thấy một thông điệp nghiệt ngã. Quyết định tăng lãi suất lần thứ 4 của FED trong năm 2018 đã xóa xổ mọi nỗ lực phục hồi của chứng khoán Mỹ từ tháng 10 đến nay. Thậm chí, S&P 500 còn rơi xuống mức thấp nhất trong cùng giai đoạn. Chỉ số quan trọng này đã nhanh chóng thủng mốc 2.500 điểm rơi xuống 2.450 điểm chỉ trong vài giờ ngày 20/12.
Michael Shaoul, giám đốc điều hành tại Marketfield Asset Management LLC, nghĩ đến một kịch bản khủng khiếp hơn. Khi S&P 500 không còn giữ được mốc kháng cự 2.500 điểm, nó có nguy cơ thủng xuống 2.400 điểm, thổi bay mọi thành quả đạt được kể từ mùa hè năm 2017. Tuy nhiên, Shaoul tin rằng làn sóng bán tháo có thể sẽ dừng lại trong thời gian tới, khi nhu cầu bán giảm xuống vì định giá cổ phiếu trở nên hợp lý hơn. Nếu không, S&P 500 sẽ rơi vào thị trường gấu một cách toàn diện khi thủng mức 2.344,6 điểm.
Tuy nhiên, người ta có thể nhìn vào lịch sử để cảm thấy yên tâm hơn. Kể từ sau Thế chiến II, S&P 500 đã có 27 lần điều chỉnh với mức giảm 16% nhưng đều phục hồi trở lại và tránh được việc rơi vào thị trường gấu.
Dẫu vậy, lịch sử không đủ làm các nhà đầu tư hiện tại cảm thấy an lòng. So với đỉnh kỷ lục hồi tháng 9, S&P 500 đã mất 16% giá trị. Chỉ cần giảm thêm 130 điểm nữa, ngưỡng 20% của thị trường gấu sẽ bị xuyên thủng. Mức giảm hiện nay là nhanh hơn bình thường, chỉ vẻn vẹn trong 91 ngày, tương đương ¾ thời gian của một đợt điều chỉnh trung bình.
Tháng 12 tồi tệ với S&p 500.
Laurence Benedict, nhà sáng lập của Opportunistic Trader, tin rằng chứng khoán Mỹ sẽ rơi vào thị trường gấu vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. "Tôi không nghĩ mọi người ý thức được hết những thiệt hại mà nó sẽ gây ra. Dường như bức tranh phía trước bị lấn áp bởi những mảng màu tối", Benedict nhận định.
Trên thực tế, thị trường chứng khoán đang phải đối mặt với một thực tế đáng sợ hơn: Dữ liệu tốt nhưng giá vẫn tiếp tục giảm. Các chuyên gia kinh tế dự báo rằng GDP có thể tăng 3,1% trong quý 4/2018 nhưng S&P 500 đang mất 16% giá trị kể từ tháng 9. Điều này xảy ra lần gần nhất vào năm 2010 và là lần thứ 7 kể từ năm 1969.
Nhiều mô hình phân tích cho thấy S&P 500 đang được định giá rẻ và có thể trở thành món hời khi tâm lý các nhà đầu tư trở nên ổn định hơn. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để ngăn chặn đợt bán tháo tồi tệ đang diễn ra.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích khuyên giới đầu tư nên để mắt tới các thị trường mới nổi sau khi nó trải qua những diễn biến tồi tệ trong thời gian qua. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã "ngừng bắn" để tìm tiếng nói chung, điều khiến các thị trường mới nổi trở nên dễ thở hơn.