Vì đâu chứng khoán Việt Nam “một mình một chợ” trong khi Trung Quốc tăng 30%, Dow Jones tiến về đỉnh cũ?
Trong khi thị trường chứng khoán thế giới tăng ầm ầm, giao dịch tại TTCK Việt Nam ảm đạm với những cú sập mạnh trong phiên.
- 18-04-2019Sắc đỏ bao trùm thị trường, VN-Index mất gần 10 điểm trong ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh
- 25-02-2019Phí phái sinh mới: Gửi tiền cũng mất phí có vô lý?
- 21-02-2019Phái sinh ‘nguội’ sau 4 ngày áp phí mới
- 23-01-2019UBCK lên tiếng về thông tin cho vay ký quỹ phái sinh
Chứng khoán Trung Quốc tăng 30% kể từ đầu năm
Sau một năm giảm sâu vì ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại, chứng khoán Trung Quốc đã có mức tăng "ngỡ ngàng" kể từ đầu năm 2018. Đóng cửa phiên giao dịch thứ Ba, chỉ số Shanghai Composite tăng 30% so với đầu năm, chỉ số chứng khoán Thẩm Quyến tăng 40% trong khi chỉ số CSI300, bao gồm các công ty lớn nhất niêm yết tại đại lục có mức tăng 35%. Năm ngoái, chỉ số Shanghai Composite giảm 24,6%.
Diễn biến Shanghai Composite 1 năm qua
Báo cáo của Bắc Kinh cho thấy chỉ số tăng trưởng kinh tế quý 1/2019 của Trung Quốc vượt kỳ vọng, đạt 6,4% so với mức 6,3% của giới phân tích đưa ra trước đó.
Quản lý danh mục của JP Morgan, ông Tai Hui cho rằng "Chúng ta đang nhìn thấy các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã lạc quan hơn nhưng họ vẫn đang tìm lại lợi nhuận đã mất năm trước. Tôi nghĩ rằng các dữ liệu kinh tế và khu vực doanh nghiệp sẽ khá quan trọng để thuyết phục các nhà đầu tư Trung Quốc quay trở lại thị trường".
Bên kia bán cầu, chỉ số Dow Jones và S&P500 tăng lần lượt 13% và 15%. Thị trường khởi sắc sau một loạt bản báo cáo tài chính và số liệu bán lẻ khả quan được công bố.
Chứng khoán Việt Nam: vì đầu nên nỗi?
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, từ được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày qua là "short". Ngày 18/4/2019, thứ năm tuần thứ ba của tháng là ngày chốt hợp đồng tương lai phái sinh. Phiên thứ tư, VN-Index giảm 5 điểm. Chỉ số này đã giảm 4 phiên liên tiếp từ 986 điểm xuống 962 điểm (mất hơn 24 điểm trong chưa đầy 1 tuần). Thanh khoản trên thị trường giảm mạnh so với thời điểm đầu năm. Tiền đã không còn sốt sắng tìm kiếm các cổ phiếu mới, thông tin về kết quả kinh doanh, kế hoạch kinh doanh tăng trưởng của năm 2019 hoàn toàn không còn tác động. Nhà đầu tư trên thị trường cơ sở ngồi im chịu trận không hiểu điều gì đang xảy ra.
VN-Index (xanh da trời đậm) đi xuống trong khi Shanghai Composite (vàng), S&P500 (xanh lục), DJ (cam) tăng liên tục từ đầu năm
Đơn cử như cổ phiếu SAB của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn. Năm 2019, Sabeco kỳ vọng doanh thu 38.871 tỷ, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 4.717 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 8% và 7% so với thực hiện năm 2018. Mức cổ tức dự kiến năm nay ở mức 35%. Tăng tỷ lệ cổ tức năm 2018 từ 35% lên 50%. Vậy mà trong phiên giao dịch 18/4, chỉ trong 15 phút ATC cuối cùng, SAB bị bán gần sàn từ 246.800 đồng/cp xuống 231.000 đồng/cp (giảm 15.800 đồng/cp), với khối lượng 24.500 đơn vị, chiếm 50% tổng khối lượng giao dịch của SAB cả phiên.
Như vậy chỉ cần nắm giữ giá trị cổ phiếu chưa đến 6 tỷ đồng có thể khiến vốn hóa của SAB "bay" hơn 10.100 tỷ đồng, tác động mạnh đến Vn-Index và chỉ số Vn30, đơn vị làm chỉ số cơ sở cho hợp đồng phái sinh.
"Không phải là can thiệp lộ liễu nữa mà là thô bạo", một nhà đầu tư đã phải thốt lên khi nhìn bảng điện tử cuối phiên hôm qua.
Khi Vn-Index và Vn30-Index giảm 4 phiên liên tiếp, khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng, với sức mua đều tay hơn 150 tỷ đồng/phiên.
Không có một thước đo chính xác nào cho thấy chứng khoán phái sinh đang bị tác động và tác động ngược lại đến thị trường cơ sở. Bản thân các cơ quan quản lý khi được hỏi về vấn đề này đều cho rằng không thể có chuyện chứng khoán phái sinh tác động đến thị trường cơ sở, và bản thân thị trường cơ sở vận động theo kì vọng của các nhà đầu tư. Tuy nhiên khi VN30 có thể bị tác động dễ dàng như trường hợp của SAB ở trên cần phải đặt ra một dấu hỏi về kẽ hở của TTCK phái sinh.
Rõ ràng thị trường phát triển không thể không phát triển các sản phẩm mới. Chứng khoán phái sinh ưu việt hơn cổ phiếu cơ sở bởi không bị giới hạn T+3, có thể trading trong ngày và quay vòng, cũng như tỷ lệ đòn bẩy cao, thậm chí một số CTCK cho phép "margin của margin", tức là cho nhà đầu tư giao dịch phái sinh với giá thấp hơn nhiều giá quy định của Sở, phần chênh lệch CTCK hoặc môi giới ở giữa cho vay. Ưu việt là vậy, với kỳ vọng trở thành sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhưng khi vào TTCK Việt Nam phái sinh lại biến tướng thành một sản phẩm đầu cơ. Rất cần thiết phải có sự quản lý và theo dõi chặt chẽ từ các cơ quan chủ quản để thị trường phái sinh về đúng vai trò của nó.
Trí Thức Trẻ