Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh nhờ tin đàm phán Mỹ-Trung
Giới đầu tư giờ đây cũng đang bàn tới khả năng FED giảm lãi suất trong năm nay, thay vì tiếp tục tăng...
- 28-12-2018Chứng khoán Trung Quốc giảm tệ nhất thế giới năm 2018
- 22-11-2018Bong bóng mới trên thị trường chứng khoán Trung Quốc
- 03-11-2018Tình trạng tồi tệ của chứng khoán Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu đáng báo động đối với nền kinh tế
Giới đầu tư chứng khoán tại nhiều thị trường chủ chốt của khu vực châu Á cảm thấy bớt lo ngại hơn trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, sau khi Trung Quốc tuyên bố sắp có vòng đàm phán thương mại tiếp theo với Mỹ. Tuy nhiên, nỗi lo suy thoái kinh tế vẫn phủ bóng lên thị trường, đặt ra những đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp tới có thể sẽ giảm lãi suất.
Theo tin từ Reuters, bất chấp những thất vọng và lo lắng trong những phiên giao dịch trước, các nhà đầu tư dành phản ứng tích cực cho thông tin Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành vòng đàm phán thương mại tiếp theo tại Bắc Kinh vào tuần tới. Ngoài ra, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tuyên bố sẽ có thêm các biện pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ của nước này.
Chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu blue-chip niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải tăng 2,1%, trong khi chỉ số Shanghai Composite Index chốt phiên với mức tăng 2,05%.
Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc tăng 0,83%. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông tăng 2,04%.
Mặc dù vậy, tâm trạng của nhà đầu tư chứng khoán khu vực vẫn còn khá mong manh, thể hiện qua việc chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản sụt 2,26% trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2019 trên sàn chứng khoán Tokyo. Không chỉ lo ngại vấn đề tăng trưởng kinh tế, giới đầu tư chứng khoán Nhật còn bi quan về việc đồng Yên tăng giá.
Đồng Yên Nhật tăng giá mạnh so với đồng USD trong những phiên gần đây, khi nhà đầu tư mạnh tay mua vào đồng tiền được xem là "vịnh tránh bão" hàng đầu này để tìm kiếm sự an toàn. Đồng Yên tăng giá gây bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, đồng thời khiến lợi nhuận của các công ty Nhật chuyển từ nước ngoài về nước suy giảm.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,4%, nhưng vẫn giảm 1,8% trong tuần này.
Nỗi lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã khiến các tài sản rủi ro giảm giá sâu trong năm 2018, đẩy các thị trường chứng khoán chủ chốt trên toàn cầu chìm sâu trong sắc đỏ.
Giới phân tích giờ đây cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm ra giải pháp cho tranh chấp giữa hai bên, với một động lực là thị trường chứng khoán của cả hai nước đều đã giảm sâu.
Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc thời hạn "đình chiến" thương mại Mỹ-Trung, trong khi các số liệu gần đây cho thấy cuộc chiến này đã có ảnh hưởng tiêu cực ngày càng lớn đến nền kinh tế hai nước.
Một báo cáo của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) công bố ngày 3/1 cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Mỹ đã đột ngột yếu đi do lượng đơn hàng giảm mạnh. Tương tự, số liệu của Trung Quốc công bố hôm thứ Hai cho thấy ngành sản xuất của nước này trong tháng 12 lần đầu tiên suy giảm trong hơn 2 năm.
Bức tranh kinh tế thêm phần u ám khi hãng công nghệ Mỹ Apple hôm thứ Tư có động thái cắt giảm dự báo doanh thu lần đầu tiên trong gần 12 năm do doanh số iPhone yếu đi ở thị trường Trung Quốc. Giá cổ phiếu Apple "bốc hơi" gần 10% trong phiên ngày thứ Năm.
"Đây là bằng chứng cho thấy chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump đang gây thiệt hại nhiều cho Mỹ cũng giống như cho Trung Quốc, thay vì là một trò chơi có tổng bằng 0 mà ở đó Mỹ hưởng lợi từ sự thiệt hại của đối phương", ông Ray Attrill, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối của National Australia Bank, nhận định.
Vì vậy, ông Attrill cho rằng "có thêm lý do để tin rằng Mỹ và Trung Quốc tiến tới một thỏa thuận thương mại trong vài tuần tới".
Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, nỗi lo suy thoái kinh tế đã gây ra một phiên "rực lửa" ở Phố Wall, với chỉ số Dow Jones mất 2,8%, S&P 500 sụt 2,5% và Nasdaq giảm 3%.
Nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ, thậm chí là suy thoái, đã dẫn tới sự dịch chuyển mạnh trong kỳ vọng về lãi suất của FED. Giới đầu tư giờ đây đang bàn tới khả năng FED giảm lãi suất. Trong cuộc họp hồi tháng 12, FED dự kiến có hai lần nâng lãi suất trong năm nay, nhưng thị trường tương lai ở Phố Wall hiện cho rằng FED có thể chỉ nâng lãi suất một lần trong năm 2019, và khả năng nâng lãi suất này cũng chỉ ở mức 40%.
Dự báo trên đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 2,55% trong phiên ngày thứ Năm, từ mức cao tới 3,25% hồi tháng 11 năm ngoái.
Đồng USD cũng mất giá mạnh so với đồng Yên, có lúc chạm đáy 9 tháng là 105,25 Yên đổi 1 USD trong phiên giao dịch ở Mỹ.
Vàng cũng được giới đầu tư mua mạnh để phòng ngừa rủi ro. Nhờ đó, giá vàng được đẩy lên gần 1.300 USD/oz, mức cao nhất trong 6 tháng rưỡi.
VnEconomy