MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chứng khoán Việt Nam gần như chưa thể hiện một cách rõ rệt tương quan với nền kinh tế”

“Chứng khoán Việt Nam gần như chưa thể hiện một cách rõ rệt tương quan với nền kinh tế”

“Rất nhiều khi thị trường chứng khoán không phản ánh được mức độ lạc quan hay thậm chí là tăng trưởng, phát triển rất tốt của nền kinh tế và ngược lại”, ông Vũ Đình Ánh, Nguyên Viện phó Viện Quản lý giá Bộ Tài chính nhận xét.

Chứng khoán Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, TS. Vũ Đình Ánh, Nguyên Viện phó Viện Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết, có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới khả năng sẽ bước vào đợt suy thoái và kinh tế Việt Nam cũng khó tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, với các chỉ tiêu vĩ mô vẫn duy trì ở mức ổn định, lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt, các cân đối lớn vẫn được đảm bảo, ông Ánh đánh giá, kinh tế Việt Nam đang có tiền đề, nội lực, nếu biết tận dụng cơ hội với các chính sách hợp lý, thì sẽ vẫn tăng trưởng và vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới.

BTV Mùi Khánh Ly: Kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn lãi suất tăng và Việt Nam cũng vậy, theo ông nền kinh tế toàn cầu nói chung đang bị ảnh hưởng như thế nào trong giai đoạn này?

TS.Vũ Đình Ánh, Nguyên Viện phó Viện Quản lý giá Bộ Tài chính: Như chúng ta thấy kinh tế toàn cầu đang có những biến động rất lớn. Vấn đề về lạm phát xảy ra ở hầu hết các nước phát triển dẫn đến hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất mà dẫn đầu là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) với việc liên tục tăng lãi suất và ở mức cao. Thậm chí họ chấp nhận có thể xảy ra suy thoái kinh tế. Hệ quả, đã xảy ra một cuộc chạy đua tăng lãi suất trên thế giới, gắn với đó là việc đồng USD lên giá rất cao trong thời gian vừa qua, khiến cho tỷ giá hối đoái của một loạt các đồng tiền trên thế giới đã biến động theo xu hướng mất giá so với đồng USD.

Một dự báo về kinh tế cho những tháng cuối của năm 2022 và sang đến năm 2023, bên cạnh các vấn đề về lạm phát, vấn đề về tỷ giá hối đoái, vấn đề về tăng lãi suất, thì một nguy cơ lớn đối với kinh tế thế giới là khả năng về suy thoái đang gia tăng rất cao.

Bên cạnh đó, những biến động về địa chính trị, gây ra những cuộc khủng hoảng mà điển hình nhất là khủng hoảng năng lượng ở khu vực châu Âu hay khủng hoảng về lương thực ở những nước đang phát triển ví dụ như châu Phi.

Nói tóm lại, diễn biến kinh tế thế giới được dự báo trong thời gian tới có thể là sẽ sụt giảm hay thậm chí là có thể suy thoái.

Vậy theo ông giai đoạn tăng lãi suất này sẽ kéo dài đến bao lâu?

Có mấy điểm mà chúng ta cũng cần phải lưu ý. Thứ nhất, không phải tất cả các nước đều tăng lãi suất. Đơn cử như Trung Quốc, họ vẫn duy trì một mức lãi suất thấp, hay trường hợp của Nhật Bản vẫn khẳng định chính sách lãi suất thấp và chính sách nới lòng tiền tệ để giúp cho phục hồi kinh tế. Như vậy, rõ ràng đó là một xu thế nhưng không nhất thiết là tất cả các nền kinh tế thế giới đều sử dụng biện pháp tăng lãi suất để làm đối sách hay biện pháp.

Vấn đề thứ hai, ngay từ khi FED bắt đầu khởi động việc tăng lãi suất cơ bản thì rõ ràng cũng có rất nhiều những ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng lạm phát ở Mỹ hiện nay không phải nguyên nhân cơ bản là do từ lạm phát tiền tệ mà nó do khủng hoảng về vấn đề về năng lượng, giá năng lượng, do các yếu tố về địa chính trị.

Như vậy chỉ dựa vào chính sách tăng lãi suất thậm chí là không ngăn được lạm phát. Và thực tế mức lạm phát mà lên tới xấp xỉ 10% như hiện nay của Mỹ so với mức lạm phát mục tiêu của họ thường xuyên đặt ra chỉ mức khoảng 2% thì rõ ràng họ cũng đã không đạt được mục tiêu của mình. Trong khi họ lại đẩy nền kinh tế của Mỹ vào suy thoái. Rõ ràng đã tới thời điểm mà FED cũng như rất nhiều các ngân hàng trung ương khác sẽ phải cân nhắc nhiều hơn tác động của vấn đề chưa kiểm soát được lạm phát trong khi lại đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Vấn đề thứ ba, dòng vốn có thể dịch chuyển nếu chúng ta sử dụng một chính sách lãi suất mà tạo ra chênh lệch giữa lãi suất của FED hay một số các đồng tiền mạnh khác của nền kinh tế thế giới với lãi suất của đồng Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dòng vốn đi ra đó là các khoản đầu tư tài chính chứ không phải là các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2022 và kể cả một số năm trước, chúng ta đang chứng kiến việc tốc độ giải ngân dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá tốt. Như vậy tôi cho rằng cũng đã đến lúc mà các ngân hàng trung ương sẽ phải thận trọng hơn trong việc điều chỉnh lãi suất, khi họ đã đánh giá được tác động thực sự của nó đến vấn đề kiểm soát lạm phát.

Một điểm nữa mà tôi cũng rất lưu ý, đó là tính chất ngược chiều của nền kinh tế Việt Nam. Khi mà người ta tăng trưởng cao thì chúng ta tăng trưởng thấp, khi người ta đang tăng trưởng thấp thậm chí suy thoái, thì chúng ta lại đang có tăng trưởng rất tốt. Do đó, lựa chọn chính xác của chúng ta ngoài việc phải căn cứ vào độ mở của nền kinh tế, rõ ràng vấn đề lựa chọn phụ thuộc vào thực trạng tình hình kinh tế của Việt Nam mới là những lựa chọn thận trọng và khôn ngoan.

Một số nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu hiệu của suy thoái, theo ông liệu điều này có xảy ra và ở mức độ nào?

Hiện nay có rất nhiều các đánh giá khác nhau. Tuy nhiên hầu hết các đánh giá bây giờ nghiêng về phía sẽ xảy ra suy thoái. Thứ hai là họ sử dụng một số mô hình kinh tế lượng để tính toán xác suất về xảy ra suy thoái, hầu hết các mô hình đánh giá nếu như ở giữa năm chỉ khoảng tầm 50%-60% xác suất, hiện nay đã đều lên tới trên 90%. Thậm chí như Bloomberg, họ đã xác định xác suất tới 100%, tức là chắc chắn sẽ xảy ra suy thoái.

Chúng ta có thể điểm qua một vài các yếu tố có thể gây ra câu chuyện về suy thoái. Thứ nhất là từ phía cung. Rõ ràng việc đứt gãy các nguồn cung, các chuỗi giá trị, chúng ta thấy nó chịu tác động đầu tiên của dịch Covid 19 suốt những năm 2020, 2021 và đến sang nửa cuối của năm 2021 đã có những hàn gắn nhất định, kết nối lại các chuỗi cung này. Tuy nhiên cung này hiện nay vẫn đang tiếp tục có những nguy cơ ví dụ như là các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong các lĩnh vực về công nghệ hay là những hoạt động về vận tải trong thời gian vừa qua. Những tồn đọng của những container và thậm chí chở những mặt hàng rất thiết yếu đến các thị trường phát triển cũng đang bị tồn đọng, hay một loạt những các yếu tố liên quan đến thị trường tài chính cũng có thể gây ra những vấn đề về suy thoái.

Vấn đề thứ hai là nguồn cầu. Điển hình như là thị trường Mỹ, lạm phát nên các hộ gia đình, người dân thu hẹp các tiêu dùng do đó các đơn hàng đã không thể thực hiện. Như vậy nguy cơ suy thoái đấy là nguy cơ thực. Ví dụ những năm 1997-1998, chúng ta có khủng hoảng tiền tệ ở khu vực chẳng hạn, nó bắt đầu từ khu vực tài chính. Hay năm 2008 cũng bắt đầu từ khu vực tài chính trên một khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, mà nguyên nhân cũng bắt đầu từ Mỹ. Rõ ràng ở đây nếu cuộc suy thoái xảy ra thì xảy ra ở nền kinh tế thực chứ không phải bắt nguồn từ khu vực tài chính như các cuộc khủng hoảng trước đây. Và các biện pháp để đối phó với nó sẽ mất thời gian hơn, mất nhiều nguồn lực hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là chúng ta nhận ra được bản chất của suy thoái kinh tế lần này nếu xảy ra. Như vậy trên cơ sở đánh giá, nhận định sẽ có những đối sách hay những kịch bản phù hợp hơn.

Với bối cảnh kinh tế toàn cầu như vậy thì kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Trong kỳ họp Quốc hội thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra một thông điệp khá là rõ rệt. Thứ nhất là tăng trưởng cho năm 2022 thậm chí có thể đạt tới 8%. Sau khi hết 9 tháng, chúng ta đã tăng trưởng được 8,83%. Sang quý IV, có mặc dù có một số khó khăn, gần như đến thời điểm này chúng ta có thể khẳng định là mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2022 sẽ vượt xa so với mục tiêu 6% -6,5% mà chúng ta đã đặt ra.

Vấn đề thứ hai, liên quan tới lạm phát, sau 9 tháng chúng ta mới có lạm phát bình quân khoảng 2,73%. So sánh với bối cảnh lạm phát của rất nhiều nước trên thế giới chúng ta kiểm soát rất tốt lạm phát cho đến thời điểm này; và kỳ vọng cho cả năm 2022, thì gần như khẳng định là chúng ta vẫn kiểm soát tốt lạm phát dưới mức 4% như Quốc hội đã yêu cầu.

Vấn đề thứ ba liên quan tới tốc độ tăng của các yếu tố, thì cả ba khu vực đều có tốc độ tăng trưởng khá tốt về đầu tư, cả khu vực kinh tế trong nước cũng như khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó đảm bảo cung ứng nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế của chúng ta. Và vấn đề liên quan đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn xã hội hiện nay vẫn đang ở tốc độ trên hai con số. Như vậy kỳ vọng trong năm 2022, chúng ta cũng đạt được kết quả tốt liên quan đến vấn đề này.

Chỉ có một điểm mắc trong tăng trưởng của Việt Nam chúng ta liên quan đến vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, chính nhờ việc chúng ta tiếp tục duy trì xuất khẩu nên tổng kim ngạch xuất khẩu sau 9 tháng tăng tới trên 17% và thặng dư về cán cân thương mại lên tới khoảng gần 7 tỷ USD.

Như vậy chúng ta đã đạt được cả hai mục tiêu tăng trưởng cao và ổn định được kinh tế vĩ mô. Nếu như chúng ta xác định rằng năm 2022 này tốc độ tăng trưởng và vấn đề kiểm soát lạm phát, một tiền đề cho một chu kỳ tăng trưởng mới. Nếu chúng ta tận dụng tốt, thì tôi cho rằng bất kể tình hình kinh tế thế giới có suy thoái, Việt Nam chúng ta vẫn có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, thậm chí là trên 8%/năm, giống như giai đoạn năm 1991- 1995.

Vấn đề thứ hai là cũng trong giai đoạn năm 1991- 1995 đó, chúng ta cũng duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt do các yếu tố cầu, và đặc biệt liên quan tới một cái mà chúng ta sẽ rất thận trọng nếu như trong năm 2023 chúng ta xử lý được. Đó là câu chuyện nhập khẩu lạm phát. Tôi đơn cử như đối với chính sách lãi suất, chúng ta sẽ không tham gia vào cuộc chạy đua tăng lãi suất trong bối cảnh chúng ta cần duy trì một lãi suất hợp lý, giúp cho khu vực kinh tế trong nước nói chung bước vào một giai đoạn là tăng trưởng chứ không phải là giai đoạn suy thoái hay là phải đối phó với vấn đề về lạm phát cao.

Bên cạnh đó, chúng ta hoàn toàn có những dư địa để điều chỉnh tỷ giá hối đoái.... Khi chúng ta định hướng lại nền kinh tế thông qua việc thay thế nhập khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ hay là phát triển khu vực kinh tế trong nước.

Và vấn đề thứ ba, nếu chúng ta hướng nền kinh tế của chúng ta vào trong nước, những áp lực đối với chính sách lãi suất hay chính sách tỷ giá hối đoái, hay việc kiểm soát dòng vốn hay đầu tư trực tiếp nước ngoài, chúng ta sẽ có những thay đổi rất lớn.

Nếu chúng ta lựa chọn như vậy thì tôi hoàn toàn mạnh dạn có thể dự đoán rằng năm 2023 tới đây, có thể đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn 7,5%, thậm chí 8% và lạm phát chúng ta vẫn được duy trì ở mức khoảng dưới 4%.

Vừa rồi chúng ta đã bàn về kinh tế vĩ mô, còn về thị trường chứng khoán luôn được cho là phản ánh trước nền kinh tế, vậy trong những quý tới thị trường sẽ như thế nào, thưa ông?

Riêng thị trường chứng khoán Việt Nam tôi quan sát trong thời gian vừa qua, có mấy điểm khá khác biệt so với các thị trường trên thế giới. Thứ nhất, chúng ta hay nói rằng thị trường chứng khoán là kim chỉ nam hay là hàn thử biểu của nền kinh tế nhưng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam gần như chưa thể hiện một cách rõ rệt tương quan này. Rất nhiều khi thị trường không phản ánh được mức độ lạc quan hay thậm chí là tăng trưởng, phát triển rất tốt của nền kinh tế và ngược lại. Khi họ nghe chúng tôi phân tích về kinh tế vĩ mô, ý kiến rất tốt nhưng mà đến khi họ quay ra thị trường, thị trường lại phản ánh ngược lại.

Vấn đề thứ hai tính chất đám đông của chúng ta khá rõ rệt. Và tác động của một số những nhóm mà chúng ta hay gọi là "đội lái" trên thị trường chứng khoán, đặc biệt không dựa trên những căn cứ hay những cơ sở phân tích một cách khoa học mà chủ yếu là dựa vào những tin đồn, thậm chí kể cả những thông tin không chính xác, không lành mạnh.

Vậy nhà đầu tư nên làm gì vào thời điểm này?

Đặc biệt tôi lưu ý các nhà đầu tư vẫn là nâng cao năng lực và trình độ của họ, đối mặt với câu chuyện lúc thị trường tốt cũng như lúc thị trường xấu. Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tốt bởi vì dù thế nào chúng ta vẫn buộc phải phát triển thị trường chứng khoán để trở thành một kênh cung cấp nguồn lực cho các doanh nghiệp, cho nền kinh tế, giảm gánh nặng cho thị trường tín dụng ngân hàng, do đó triển vọng rất tốt, tuy nhiên, tôi cho rằng nhà đầu tư cũng hết sức lưu ý những điểm khác biệt đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo Cẩm Thạch

Nhịp sống kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên