Chứng khoán Việt Nam giảm sâu, tổng tài sản Tundra Vietnam Fund “bay hơi” 38% chỉ sau 1 tháng
Tính tới cuối tháng 5, tổng tài sản Tundra Vietnam Fund chỉ còn 140,1 triệu USD, giảm mạnh gần 86 triệu USD so với tháng trước đó. Việc tổng tài sản Tundra Vietnam Fund giảm mạnh bên cạnh nguyên nhân danh mục đầu tư sụt giảm còn đến từ việc quỹ bị rút vốn. Theo ước tính, Tundra Vietnam Fund đã bị rút ra khoảng 65 triệu USD trong tháng vừa qua.
Tundra Vietnam Fund, một trong những quỹ ngoại đổ mạnh tiền vào TTCK Việt Nam trong thời gian gần đây vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 5/2018.
Theo báo cáo, giá trị ròng trên chứng chỉ quỹ (NAV) Tundra Vietnam Fund cuối tháng 5 đạt 22,6 USD, giảm 9,2% so với tháng trước đó và cũng là tháng thứ 2 liên tiếp sụt giảm. So với thời điểm đầu năm, NAV Tundra Vietnam Fund hiện chỉ còn tăng 5,4%.
Các cổ phiếu mang lại hiệu quả tệ nhất cho quỹ trong tháng 5 qua có thể kể tới như KDF (giảm 32,3%), HSG (giảm 28,1%), VND (giảm 26,8%)…Ngược lại, các khoản đầu tư tích cực nhất gồm có CSM (tăng 12,2%), DXG (tăng 5,4%)…
Trong tháng 5 vừa qua, TTCK Việt Nam đã trải qua đợt điều chỉnh mạnh, bắt đầu từ việc nhà đầu tư nước ngoài chốt lời mạnh và sau đó là các đợt margin call, forced selling buộc nhà đầu tư trong nước phải bán. Bên cạnh đó, những thương vụ IPO của Vinhomes, Techcombank đã dẫn đến áp lực bán mạnh của khối ngoại khiến thị trường giảm sâu.
Tổng tài sản Tundra Vietnam Fund giảm sâu trong tháng 5
Tính tới cuối tháng 5, tổng tài sản Tundra Vietnam Fund chỉ còn 140,1 triệu USD, giảm mạnh gần 86 triệu USD so với tháng trước đó. Việc tổng tài sản Tundra Vietnam Fund giảm mạnh bên cạnh nguyên nhân danh mục đầu tư sụt giảm còn đến từ việc quỹ bị rút vốn. Theo ước tính, Tundra Vietnam Fund đã bị rút ra khoảng 65 triệu USD trong tháng vừa qua.
Danh mục cổ phiếu Tundra Vietnam Fund cuối tháng 5
Về cơ cấu danh mục, DXG đã vươn lên trở thành cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục quỹ với 8,4%. Các cổ phiếu tiếp theo trong danh mục quỹ lần lượt là VIC (7,3%), HPG (6,1%), SSI (6,1%), FPT (5,7%), VNM (5,5%),…
Trước đó, Tundra Vietnam Fund nắm giữ lượng mặt nhất định để tham gia "bắt đáy". Tuy nhiên, trong báo cáo tháng 5, lượng tiền mặt của quỹ là âm 1% và nhiều khả năng Tundra Vietnam Fund đã sử dụng margin.
Định giá thị trường về mức hợp lý, áp lực điều chỉnh không còn nhiều
Trong tháng 5, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 1 tỷ USD trên TTCK Việt Nam. Trong đó bao gồm khoảng 1,25 tỷ USD vào thương vụ Vinhomes. Nếu loại trừ giao dịch này ra thì khối ngoại thực chất đã bán ròng 250 triệu USD trong tháng 5. Giá trị giao dịch bình quân ngày trong tháng 5 đạt khoảng 309 triệu USD.
Theo ước tính của Tundra Vietnam Fund, sau nhịp điều chỉnh mạnh vừa qua, dư nợ margin đã giảm 30-40% so với đỉnh và hiện ở mức hợp lý hơn.
Đánh giá về vĩ mô Việt Nam, Tundra Vietnam Fund cho rằng mọi thứ đang có vẻ tốt hơn. PMI tăng tốc lên 53,9 từ mức 52,7 trong tháng 4 báo hiệu tích cực về ngành sản xuất ở Việt Nam. Lạm phát tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do điều chỉnh giá xăng dầu và giá lương thực, tuy nhiên CPI lõi vẫn ở mức 1,34% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại ghi nhận thặng dư 3,39 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm (so với mức thâm hụt 2,6 tỷ USD cùng kỳ năm 2017), trong khi FDI giải ngân tăng lên 6,75 tỷ USD (tăng 9,8%).
Theo Tundra Vietnam Fund, TTCK Việt Nam hiện đã về mức định giá hợp lý hơn với P/E dự phóng năm 2018 khoảng 17 và ước tính P/E giảm xuống 14 trong năm 2019. Từ năm 2017 đến nay, TTCK Việt Nam đã định vị bản thân tương tự như một số thị trường trong nhóm Emerging Markets Châu Á khác như Philippines, Indonesia, Ấn Độ với dữ liệu P/E thường trong khoảng 18-25.x. So với nhóm này, định giá Việt Nam vẫn còn thấp hơn và không chịu nhiều áp lực điều chỉnh.