MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm mới?

Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu, là nhiệt kế của nền kinh tế. Với nền tảng vĩ mô hiện tại, 2024 được dự báo là năm rất thuận lợi của đầu tư chứng khoán

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS)

VN-Index có thể lên 1.500 điểm

Chứng khoán Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm mới?- Ảnh 1.

Ông Huỳnh Anh Tuấn

Năm 2024, tôi cho rằng tình hình kinh tế trong và ngoài nước sẽ có những tích cực và tiêu cực đan xen.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa rõ ràng về thời điểm giảm lãi suất nên rủi ro kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc suy giảm mạnh hay rơi vào suy thoái là vẫn có. Hay rủi ro địa chính trị tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến giá dầu, chi phí logistics gia tăng làm gián đoạn vận chuyển hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát...

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang có nhiều điểm sáng. Bất động sản đã dần thoát đáy; lãi suất tiết kiệm tiếp tục duy trì mức thấp; tín hiệu xuất khẩu đã hồi phục trong quý I/2024, hàng hóa tồn kho đang giảm dần. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang tăng tốt, đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh khi Chính phủ đặt quyết tâm giải ngân nhanh vốn đầu tư công chắc chắn dòng tiền sẽ được lưu thông tích cực….

Đặc biệt, niềm tin của nhà đầu tư về thị trường trái phiếu đang được cũng cố. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phát hành thanh công trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp cũng đã cơ cấu lại nợ trái phiếu và bắt đầu có sản phẩm tung ra thị trường trong năm 2024.

Dự kiến năm 2024 tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp bình quân 18- 20%, do đó chỉ số P/E (chỉ số giá đầu tư trên lợi nhuận kiếm được) của thị trường hiện tại quanh 11 lần được cho là khá hấp dẫn cho việc đầu tư vào cổ phiếu.

Chứng khoán Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm mới?- Ảnh 2.

Các chuyên viên môi giới tích cực hỗ trợ nhà đầu tư tham gia thị trường. (Ảnh: Hoàng Triều)

Riêng về thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang đẩy mạnh các giải pháp thực hiện chiến lược phát triển thị trường đến năm 2030 theo để án của Chính phủ. Việc đưa Hệ thống giao dịch KRX vào vận hành sẽ gia tăng thêm nhiều sản phẩm và tăng tính thanh khoản cho thị trường. Kế hoạch đến tháng 9, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách nhóm thị trường mới nổi để sang năm 2025 chính thức được nâng hạng lên nhóm thị trường cận biên.

Khi đó, dòng vốn của các quỹ đầu tư ngoại tự động gia tăng từ đó kích thích các dòng vốn đang bị "nén" của nhà đầu tư khác.

Thực tế, khối ngoại gần đây đã phát tín hiệu tích cực khi mua ròng sau thời gian dài bán ròng liên tục. Những nhà đầu tư "nội" đang còn phân vân chắc chắn sẽ tham gia thị trường trong thời gian tới.

Hiện tại, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng là bệ đỡ khá tốt cho VN-Index. Dòng tiền của các tổ chức đã dồi dào hơn nên thanh khoản thị trường quý I/2024 sẽ tăng mạnh. Từ đó, kích thích dòng tiền lớn trở lại, nhất là dòng tiền tiết kiệm của nhà đầu tư cá nhân sẽ dịch chuyển vào thị trường nhiều hơn.

Với những cơ sở đó, tôi dự báo VN-Index sẽ khó rớt khỏi ngưỡng 1.100 điểm và có thể chạy lên mức 1.500 điểm nếu thị trường có thêm nhiều tín hiệu tích cực.

TS Nguyễn Anh Vũ - Trưởng Khoa Tài Chính, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM:

Tiền lớn đang chờ rót vào chứng khoán

Chứng khoán Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm mới?- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Anh Vũ

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, tôi cho rằng có vài yếu tố để chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tiềm năng, ổn định nhất so với những kênh đầu tư khác.

Quan sát tiền gửi tại các ngân hàng đang ở mức kỷ lục. Điều này chứng tỏ các kênh đầu tư đều chưa rõ ràng. Trong đó, bất động sản khó sốt, nguồn cung căn hộ vẫn hạn chế, đất nền vùng ven cần thêm thời gian để hồi phục; giá vàng tăng nhưng bị kiểm soát chặt nên không có nhiều cơ hội; các loại tiền số chưa phổ biến và chưa hợp pháp tại Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, vì vậy 2024 là năm bản lề, sẽ có nhiều chính sách minh bạch, chuyên nghiệp được đẩy mạnh để hiện thực hóa mục tiêu này.

  • Chờ đón phiên giao dịch chứng khoán đầu năm mới

  • Yếu tố nào hỗ trợ thị trường chứng khoán khởi sắc trong năm 2024?

Tuy vậy, về rủi ro theo tôi vẫn có, trong đó rủi ro đến từ nợ xấu ngân hàng. Các hoạt động hợp tác phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng cũng sẽ siết lại ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng và nhóm cổ phiếu này.

Tôi đánh giá thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ tiếp tục có sự phân hóa giữa các nhóm nhiều ngành. Những doanh nghiệp niêm yết thiếu minh bạch, đầu cơ, thao túng giá chứng khoán sẽ bị thanh lọc. Những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt, đẩy mạnh về chuyển đổi số, tài chính xanh, có trách nhiệm môi trường, xã hội… sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Ông Vũ Trần Vĩnh Thụy – Giám đốc Đầu tư Công ty Tài chính Việt Long:

Chứng khoán vẫn là kênh tiềm năng nhất

Chứng khoán Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm mới?- Ảnh 4.

Ông Vũ Trần Vĩnh Thụy

Tôi cho rằng kinh tế Việt Nam đã ở qua vùng đáy và tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Với những động thái quyết liệt của Chính phủ, việc lãi suất liên tục giảm và đang ở mức khá thấp, tôi tin rằng chỉ một vài tháng nữa thôi, kinh tế sẽ hồi phục rõ hơn, có thể là trong quý III hoặc quý IV.

Bao giờ cũng vậy, là "hàn thử biểu" của nền kinh tế nên thị trường chứng khoán sẽ luôn đi đầu. Vì vậy, ngay từ đầu năm, thị trường đã có nhiều tín hiệu tích cực, dòng tiền lớn, lành mạnh đang gia tăng.

Và nhìn tổng thể, các kênh đầu tư như bất động sản còn khó, nguồn cung vẫn còn khan hiếm, các hoạt động thúc đẩy thị trường, gia tăng nguồn cung phải chờ thêm 2025 khi các luật liên quan bất động sản có hiệu lực, thực thi. Trong khi đó, giá vàng khó tăng mạnh trong ngắn hạn nên chứng khoán đang là kênh hấp dẫn nhất.

Đặc biệt, các nhà đầu tư sẽ bớt lo lắng về câu chuyện chọn cổ phiếu bị thao túng hay cổ phiếu bị làm giá vì cơ bản cơ quan chức năng đã dần làm sạch thị trường.

Về việc chọn ngành để đầu tư, theo tôi nhóm cổ phiếu liên tục đầu tư công đang có nhiều lợi thế khi Chính phủ thúc đẩy đầu tư công quyết liệt. Hay tiêu dùng cũng đang được thúc đẩy để lan tỏa sang các ngành sản xuất, kinh doanh khác. Với ngành ngân hàng, dù còn lo lắng nợ xấu nhưng việc cân đối giữa huy động và cho vay vẫn được tính toán tốt nên lợi nhuận nhóm này vẫn cao.

Trong quá khứ, khi thị trường chứng khoán mới vào sóng tăng thì nhóm cổ phiếu lớn, đầu ngành thường "chạy" trước, thu hút sự tham gia của các quỹ đầu tư, sau đó lan tỏa sang các ngành khác.

Theo Sơn Nhung ghi

Người Lao Động

Từ Khóa:
Trở lên trên