MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Việt Nam tăng trưởng phi mã, xu hướng tích cực liệu còn tiếp diễn?

Xu hướng thị trường chứng khoán năm 2018 vẫn đang được đánh giá khả quan, nhưng có lẽ giới đầu tư cũng cần thận trọng bởi những biến động xấu có thể ập đến bất kỳ lúc nào trong ngắn hạn.

Trái với những biến động phức tạp từ TTCK Thế giới, TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục "một mình một đường" và có tuần giao dịch đầy hứng khởi. Kết thúc tuần giao dịch mở màn quý 2, chỉ số VnIndex leo lên 1.199,96 điểm, mức cao nhất từ trước tới nay và thực sự bứt phá khỏi vùng đỉnh lịch sử 1.170 – 1.180 điểm.

Cùng với sự bứt phá về điểm số, thanh khoản thị trường cũng được cải thiện đáng kể. Giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE tuần qua đạt 6.203 tỷ đồng, tăng 27% so với tuần trước đó.

Một điểm đáng chú ý, dòng tiền trên thị trường tuần qua đã có sự lan tỏa khá rộng. Không chỉ nhóm Bluechips, ngân hàng mà các cổ phiếu ngành bất động sản, chứng khoán cũng thu hút dòng tiền và tăng điểm khá tốt. Đây là yếu tố tích cực, cho thấy tâm lý giới đầu tư đã bớt đi sự thận trọng và điều này củng cố vững chắc đà tăng của thị trường.

Chứng khoán Việt Nam tăng trưởng phi mã, xu hướng tích cực liệu còn tiếp diễn? - Ảnh 1.

Xu hướng tích cực liệu còn tiếp diễn?

Mặc dù thời gian gần đây, chứng khoán Việt Nam không còn phụ thuộc quá nhiều vào xu hướng TTCK Thế giới nói chung và thị trường Mỹ nói riêng, tuy nhiên điều này có thể chỉ đúng nếu TTCK Mỹ không tiếp tục giảm sâu hơn nữa (các chỉ số giảm dưới đường MA200). Trong trường hợp TTCK Mỹ tiếp tục sụt giảm sâu, tâm lý bán tháo sẽ diễn ra trên toàn cầu và Việt Nam có lẽ cũng không ngoại lệ và điều này đã được chứng minh nhiều lần trong quá khứ.

Chứng khoán Việt Nam tăng trưởng phi mã, xu hướng tích cực liệu còn tiếp diễn? - Ảnh 2.

VnIndex ngược chiều xu hướng thế giới

Dù vậy, trong ngắn hạn, TTCK Việt Nam vẫn được hưởng lợi với nhiều thông tin hỗ trợ tích cực. Theo đánh giá của CTCK HSC, dòng vốn từ các NĐT trong khu vực vẫn không ngừng đổ vào thị trường Việt Nam và điều này có vẻ không bị ảnh hưởng từ những biến động ngắn hạn tại các thị trường khác. Vì dòng vốn đầu tư này hướng tới câu chuyện tăng trưởng không phụ thuộc chu kỳ trong 10 năm tới tại Việt Nam.

Trong khi đó sự căng thẳng về thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chỉ có thể khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn cho cả dòng vốn FDI và FII. Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng quá tiêu cực từ xu hướng tăng lên của chủ nghĩa bảo hộ nhờ vị trí chiến lược của mình. Cụ thể ở đây là việc hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có thể sẽ dịch chuyển tiếp sang Việt Nam.

Những thương vụ lớn như bán riêng lẻ cổ phần của Techcombank và Vinhomes sẽ tiếp tục giữ cho thị trường chứng khoán sôi động. GDP quý 1 tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng cộng với lạm phát thấp cũng sẽ giúp kỳ vọng năm 2018 tiếp tục là năm kinh tế tăng trưởng tốt.

Hiện cũng là thời gian mà tin đồn về khả năng được thêm vào danh sách theo dõi nâng hàng của MSCI nở rộ. Vào cùng thời gian này năm ngoái thị trường đã chịu ảnh hưởng từ những tin đồn liên quan đến vấn đề này. Kể từ đó, một số công ty đã nới room trong khi nhiều công ty khác cũng đang trong quá trình này. Tuy nhiên những câu hỏi như làm thế nào để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường (của NĐTNN) vẫn chưa có câu trả lời đầy đủ, do đó HSC vẫn thận trọng một chút về cơ hội Việt Nam có thể được thêm vào danh sách theo dõi của MSCI trong năm nay. Nhưng đồng thời Việt Nam cũng không còn cách xa đích đến này.

Thận trọng trước rủi ro ngắn hạn

Xu hướng TTCK năm 2018 vẫn đang được đánh giá khả quan, nhưng có lẽ giới đầu tư cũng cần thận trọng bởi những biến động xấu có thể ập đến bất kỳ lúc nào trong ngắn hạn.

Theo CTCK HSC, mặt bằng định giá trên thị trường hiện đã khá đắt trong khi tiền từ các quỹ đầu tư theo xu hướng (thường rút ra khá nhanh nếu xu hướng đảo chiều) chiếm một tỷ trọng cao trong dòng vốn ngoại chảy vào thị trường Việt Nam trong 12 tháng qua. Điều này hàm ý thị trường dù đang tích cực, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đảo chiều bất ngờ.

Ước tính của CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết, lợi nhuận kế hoạch các doanh nghiệp niêm yết năm 2018 tăng khoảng 20% so với năm trước. Từ đầu năm tới nay, chỉ số VnIndex đã tăng khoảng 22% và là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới. Mức tăng khá "nóng" từ đầu năm tới nay có lẽ đã phản ánh phần nào bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong tháng 6 tới đây các CTCK có thể sẽ phải nâng tỷ lệ ký quỹ margin lên 60%, điều này có thể khiến thị trường có những phản ứng trước như những gì đã diễn ra vào đầu năm nay.  

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên