Chuỗi nhà thuốc Long Châu kỳ vọng "bùng nổ" về doanh số và có lãi từ năm 2021
Bước sang năm 2021, Long Châu chính thức bước vào giai đoạn ‘bùng nổ’ khi bắt đầu có lãi năm đầu tiên, số cửa hàng dự tăng lên 420 đơn vị với doanh thu tăng hơn 2 lần lên 4.300 tỷ đồng. Con số năm tiếp theo (2022) lần lượt 6.500 tỷ doanh thu và 86 tỷ lợi nhuận, quy mô đạt 620 cửa hàng.
Là ‘canh bạc’ của Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) trong thời buổi ngành di động dần đi vào bão hoà, chuỗi nhà thuốc Long Châu đang cho thấy sự chạy đua ngày càng tăng tốc của đơn vị chủ quản.
Manh nha vào cuối năm 2017, chính thức công bố đầu tư trong năm tiếp theo; đến nay Long Châu đã đạt con số 50 cửa hàng, tăng hơn 2 lần so với đầu năm 2019. Cùng với đó, Công ty cũng đã ký hợp đồng thuê địa điểm cho thêm 20 cửa hàng, dự kiến đến cuối năm số lượng nhà thuốc sẽ lên đến 70 đơn vị, hoàn thành kế hoạch năm cho mảng nhà thuốc.
Xác định trước mắt sẽ cạnh tranh chủ yếu với các nhà thuốc lẻ, Long Châu đã bắt đầu mở rộng về các tỉnh do hầu hết các chuỗi khác ít phát triển ở khu vực này. Tại đây, chuỗi gặp nhiều khó khăn hơn so với khu vực thành phố, bà Nguyễn Bạch Điệp – CEO FPT Retail từng chia sẻ: "Chúng tôi lại phải bắt đầu tìm hiểu các quy chế thủ tục riêng và đường đi nước bước để mở một nhà thuốc sẽ như thế nào. Tuy nhiên, sau khi nắm được vấn đề thì việc mở các nhà thuốc sau sẽ nhanh hơn".
Nhìn chung, công tác mở rộng quy mô của doanh nghiệp tính đến hiện tại đang vượt kỳ vọng, giới quan sát ghi nhận. Bản thân chuỗi cũng nâng chỉ tiêu phát triển so với trước đây. Dự kiến, FPT Retail sẽ tập trung nhiều hơn vào việc mở rộng nhà thuốc vào năm 2020 sau khi các vấn đề hợp nhất được giải quyết (chuyển đổi pháp nhân của các cửa hàng Long Châu từ hộ gia đình kinh doanh sang doanh nghiệp). Chuỗi dự kiến tăng số lượng cửa hàng hơn 3 lần so với cuối năm 2019 lên 220 đơn vị, doanh thu dự kiến tăng 500 tỷ lên 1.900 tỷ đồng.
Chính thức có lãi vào năm 2021
Bước sang năm 2021, chuỗi chính thức bước vào giai đoạn ‘bùng nổ’ khi bắt đầu có lãi năm đầu tiên, số cửa hàng dự tăng lên 420 đơn vị với doanh thu tăng hơn 2 lần lên 4.300 tỷ đồng. Con số năm tiếp theo (2022) lần lượt 6.500 tỷ doanh thu và 86 tỷ lợi nhuận, quy mô đạt 620 cửa hàng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu chuỗi đạt 496 tỷ đồng, tăng 90%; khoản lỗ trước thuế vào mức 18 tỷ đồng. Trong đó, Công ty chỉ hợp nhất 312 tỷ đồng trong số 496 tỷ đồng vào BCTC, tương đương 2,5% doanh thu (hợp nhất bắt đầu từ tháng 1/2019).
Theo kế hoạch đến cuối năm 2019, Long Châu sẽ đạt 500 tỷ doanh thu, lỗ trước thuế dự vào mức 28 tỷ đồng. Được biết, FPT Retail sẽ hợp nhất toàn bộ kết quả kinh doanh của chuỗi nhà thuốc vào cuối quý 2/2020.
Ưu thế danh mục sản phẩm, giá bán thấp hơn 20% so với thị trường
Ưu thế của Long Châu hiện tại là danh mục sản phẩm đa dạng, chuỗi hiện tập trung vào thuốc, đặc biệt là thuốc kê toa và thuốc điều trị để tăng doanh thu cửa hàng. Ghi nhận, Long Châu có số lượng SKUs vượt trội so với các nhà thuốc lẻ (6.500 so với 1.500). Lượng thuốc kê toa của Long Châu cao hơn gấp 6 – 7 lần các nhà thuốc bình thường. Đây cũng chính là lý do FPT Retail chọn Long Châu cho bước đi mới trong mảng dược của mình.
Trong đó, thuốc kê toa đem lại doanh thu cao cho chuỗi do một đơn thuốc có thể có giá trị từ vài trăm đến vài triệu đồng, trong khi thuốc không kê toa thường là thuốc cơ bản có giá trị thấp không đem lại nhiều doanh thu. Thuốc kê toa chiếm 75% tổng giá trị chi tiêu thuốc cả nước (Nguồn: BMI). Tại Long Châu, thuốc ngoại chiếm 80% doanh thu và thuốc nội chỉ chiếm 20%.
Hiện, Long Châu bán giá thấp hơn 20% so với thị trường. Tuy nhiên với việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp, giới phân tích cho rằng doanh nghiệp khó có thể duy trì mức giá thấp như trên do biên lợi nhuận gộp mảng dược cũng khá mỏng (khoảng 10%) trong khi doanh nghiệp cần đạt mức lợi nhuận cao hơn để bù đắp các chi phí phát sinh khi chuyển đổi mô hình như chi phí nhân viên, thuế TNDN…
Tương lai xa hơn, theo chia sẻ của bà Điệp, Long Châu sẽ phát triển theo xu hướng chung của thế giới, tức không chỉ bán dược phẩm mà còn bán thực phẩm chức năng – mỹ phẩm…
Tuy nhiên, Việt Nam chưa đi đến các giai đoạn đó. "Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn mà người dân chỉ quan tâm đến vấn đề về bệnh và thuốc. Trong tương lai, khi nào người dân Việt Nam giàu hơn, họ có thể bỏ thêm tiền mua mỹ phẩm làm đẹp da, mua thực phẩm chức năng nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh. Bây giờ, người dân mới trả tiền để chữa bệnh chứ chưa cho chuyện phòng bệnh", người đứng đầu chuỗi bày tỏ.
Do đó, chắc chắn Long Châu cũng sẽ đi theo xu hướng của thị trường, nhưng quan trọng vẫn là thời điểm: thời điểm nào sẽ kinh doanh cái gì thì phù hợp với thị trường Việt Nam và nhu cầu của người dân.
Trí Thức Trẻ