MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện 2 người bạn học Stanford ‘muối mặt’ nhận 75 lời từ chối đầu tư vào startup nhưng nhờ kiên trì, 3 năm sau họ cùng trở thành tỷ phú đôla khi mới tròn 30 tuổi

16-05-2018 - 10:00 AM | Doanh nghiệp

Chuyện 2 người bạn học Stanford ‘muối mặt’ nhận 75 lời từ chối đầu tư vào startup nhưng nhờ kiên trì, 3 năm sau họ cùng trở thành tỷ phú đôla khi mới tròn 30 tuổi

Trong thế giới khởi nghiệp, việc tìm nguồn vốn đầu tư đã khó, còn khó hơn khi mà sản phẩm của startup đó là vô hình. Vậy mà, 2 nhà sáng lập của ứng dụng giao dịch cổ phiếu miễn phí Robinhood đã bị 75 nhà đầu tư từ chối. Mãi về sau họ mới tìm được một số nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn. Và hiện sau 3 năm kể từ khi khởi nghiệp, ứng dụng này có hơn 4 triệu người dùng và được định giá khoảng 6 tỷ USD.

"Có nhiều người không tin vào sản phẩm của chúng tôi. Dù đã tìm tới rất nhiều nhà đầu tư mà không thành công, chúng tôi vẫn không bỏ cuộc", Vlad Tenev, nhà đồng sáng lập, đồng giám đốc điều hành của Robinhood chia sẻ với tờ Business Insider.

Ứng dụng miễn phí của 2 chàng sinh viên Stanford

Vladimir Tenev, 31 tuổi, cùng gia đình nhập cư vào Mỹ từ Bulgaria năm 5 tuổi khi cha anh, một giáo sư kinh tế, tới Mỹ học. Từ nhỏ, Tenev được cha mẹ định hướng và thúc đẩy theo đuổi ngành tài chính. Nhưng cuối cùng anh lại gia nhập ngành này với vai trò một doanh nhân.

Khi theo học trường Đại học Stanford, Tenev gặp người bạn Baiju Bhatt mà sau này trở thành nhà đồng sáng lập Robinhood.

Năm 2008, khi cả hai tốt nghiệp, ngân hàng Lehman Brothers phá sản, thị trường sụp đổ, khủng hoảng tài chính bùng nổ. Tenev nhận định đây là thời điểm vô cùng "thú vị" của ngành tài chính khi mà mọi thứ thay đổi hoàn toàn.

Với sự thúc giục và kiên quyết của Baiju Bhatt, hai người đã cùng lập ra một công ty chứng khoán nhỏ và chuyển tới New York khởi nghiệp.

Trước Robinhood, Tenev và Bhatt từng mở một số công ty khác, trong đó có Chronos Research - chuyên cung cấp công cụ xây dựng chiến lược giao dịch tự động cho các quỹ đầu tư và ngân hàng. Đây là tiền thân của Robinhood.

Chuyện 2 người bạn học Stanford ‘muối mặt’ nhận 75 lời từ chối đầu tư vào startup nhưng nhờ kiên trì, 3 năm sau họ cùng trở thành tỷ phú đôla khi mới tròn 30 tuổi - Ảnh 1.

Theo Tenev, thị trường chứng khoán ngày nay chủ yếu diễn ra tại các trung tâm dữ liệu, vấn đề quan trọng nằm ở chỗ ai sở hữu hệ thống nhanh nhất, hệ thống tự động hóa cao nhất, phần mềm tốt nhất.

"Đó sẽ là những công ty có lợi thế, lượng giao dịch khổng lồ được thực hiện chỉ với nhóm nhân viên khoảng 10 người, tương đương khối lượng công việc của 300 - 500 người ở các bàn giao dịch truyền thống của một ngân hàng lớn thời điểm đó", Tenev cho biết.

"Chúng tôi nhận định di động thông minh là công cụ chủ yếu để truy cập thị trường và thực hiện giao dịch tài chính. Nhờ công nghệ, hàng triệu giao dịch được thực hiện hiệu quả mỗi ngày với chi phí thấp", Teneve nhớ lại.

Tuy vậy, Tenev và Bhatt không có kinh nghiệm gì phát triển ứng dụng di động. Do vậy, cả hai quyết định ra mắt trang web Robinhood trước với dòng quảng cáo "miễn phí hoa hồng, không phải trả 10 USD nào cả".

Chỉ trong ngày đầu tiên ra mắt, trang web đã có lượng đăng ký lên đến 10.000 người và tăng lên hơn 50.000 người sau tuần tuần tiên. Chỉ trong 1 năm, lượng đăng ký lên tới 1 triệu người.

Theo Tenev, khi đó chưa có công ty nào miễn phí giao dịch như Robinhood và đây là yếu tố giúp thu hút lượng khách hàng đến với nền tảng này.

Sau hơn 2 năm ra mắt trang web, tháng 3/2015, ứng dụng Robinhood ra đời với 1 triệu người dùng sẵn có.

Bị từ chối 75 lần trước khi thành công

Thời điểm đó, Robinhood gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm vốn đầu tư để mở rộng hoạt động. Công ty khởi nghiệp này bị 75 nhà đầu tư từ chối cấp vốn bởi khi đó Robinhood còn chưa được nhà chức trách cấp phép.

Việc cấp phép yêu cầu phải có báo cáo tình hình tài chính, trong khi lúc đó startup này chưa có gì. Trong khi đó, các nhà đầu tư lại muốn chắc chắn dự án sẽ được cấp phép.

Cuối cùng, Robinhood cũng huy động được 3 triệu USD trong vòng gọi vốn "hạt giống" từ nhóm nhà đầu tư dẫn đầu là Index, Google Ventures, Andreessen.

Tenev cho rằng những người đầu tư vào công ty thời điểm đó đã đặt cược lớn vào nhóm nhà sáng lập và ý tưởng của Robinhood.

Sau vòng gọi vốn gần đây nhất, Robinhood được định giá 6 tỷ USD. Theo các chuyên gia phân tích tại EquityZen thì và Tenev sở hữu 1/3 cổ phần công ty tương đương khoảng 1 tỷ USD mỗi người, dĩ nhiên là trên giấy tờ. Robinhood cũng tuyên bố họ giúp tiết kiệm được 1 tỷ USD tiền phí hoa hồng giao dịch cho khách hàng.

Hiện tại, Robinhood có khoảng 4,5 triệu người dùng. Robinhood Gold hiện tăng trưởng 17% một tháng và mang về doanh thu lớn cho công ty.

"Giờ đây việc mua bán cổ phiếu diễn ra nhanh như khi bạn đăng ảnh lên Instagram vậy", Tenev cho biết.

Anh cũng chia sẻ hiện tại nhiều người dùng của Robinhood là những người trẻ lần đầu tiếp cận thị trường cổ phiếu với vài trăm USD.

Robinhood đã mang đến sự thay đổi lớn trong giao dịch chứng khoán. Theo Tenev, trước đây, các công đoạn giao dịch được thực hiện thủ công và mất nhiều thời gian. Về sau, một số công ty môi giới cung cấp hình thức trực tuyến, nhưng về cơ bản mọi quy trình vẫn như cũ. Tenev kỳ vọng với ứng dụng Robinhood, mọi giao dịch có thể thực hiện tức thời.


Theo Vân Đàm

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên