MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CHUYỆN ANH MUA: Anh Mua quay lại thị trường chứng khoán

Thời gian dưỡng thương tâm lý cũng là quãng thời gian anh Mua nghiệm lại được những lần đầu tư của mình trước đây và rút ra được rất nhiều điều. Anh MUA quay lại thị trường chứng khoán với một tâm thế mới, vững vàng hơn.

Quá trình chữa thương tâm lý là quãng thời gian hết sức có ý nghĩa với anh Mua. Anh mua học hỏi được nhiều điều và sau gần nửa năm dưỡng thương, anh Mua mang theo kiến thức học được suốt thời gian rất dài đó đi đầu tư chứng khoán trở lại.

Lúc này, anh cũng tích lũy thêm được chút vốn liếng nhờ công việc bình thường tốt lên và anh có vài thương vụ kinh doanh nho nhỏ bên cạnh công việc hàng ngày giúp anh tích lũy được thêm chút tiền.

Thời gian dưỡng thương tâm lý cũng là quãng thời gian anh Mua nghiệm lại được những lần đầu tư của mình trước đây và rút ra được rất nhiều điều.

Trước hết, việc đầu tư theo bạn thân có nên hay không. Theo anh Mua, hầu hết nhà đầu tư bắt đầu tiếp cận thị trường chứng khoán đều chưa có kiến thức, chưa có kỹ năng, họ thậm chí không biết cả cách đặt lệnh chứ chưa nói đến là biết tư duy chọn cổ phiếu. Vì thế, có người bạn thân hiểu rõ thị trường là điều cực kỳ may mắn. Nhưng, đừng kỳ vọng đầu tư theo bạn thân là có lãi. Nhìn vào bài học những lần giao dịch của mình, anh Mua nhận ra rằng:

Thứ nhất, tiêu chí đầu tư của mỗi người một khác nhau nên không thể có kết quả như nhau. Khi mua cổ phiếu A, vì mới tham gia thị trường, anh Mua mong muốn khoản đầu tư nhanh chóng sinh lợi trong khi đó anh Lãi tính đầu tư lâu dài. Vì thế, anh Mua mua theo nhưng lại bán trước còn anh Lãi mua, bán theo đúng dự kiến của bản thân nên đạt thành quả cao.

Thứ hai, thời gian và mức độ sâu sát thị trường mỗi người một khác, không thể học theo nhau đầu tư mãi. Khi mua cổ phiếu B, nếu anh Mua cũng có thời gian theo dõi thị trường sâu sát như anh Lãi thì anh Mua đã không phải chịu cảnh cắt lỗ còn anh Lãi chốt lãi.

Thứ ba, tình hình tài chính mỗi người một khác, không thể học theo nhau. Đây là điều anh Mua cho rằng rất quan trọng. Túi tiền mỗi người một khác nên cách mỗi người xử lý khoản đầu tư của mình nếu biến cố không thuận lợi xảy ra cũng là khác nhau.

Thứ tư, khi chốt lãi phải biết mình định làm gì sau đó. Nhiều người thấy khoản đầu tư có lãi và chốt nhưng ngay sau đó là ở trạng thái không biết mua gì, quay đi quay lại lại thấy cổ phiếu mình vừa chốt là tiềm năng nhất. Mua lại thì sợ không qua được ải T+3, sợ đắt, không mua thì tiền để không cũng không đúng lắm với người đang hết sức mong mỏi kiếm tiền trên thị trường chứng khoán.

Thứ năm, margin đích thị là con dao 2 lưỡi. Bài học này muôn người đã mắc phải nhưng ít ai chịu rút kinh nghiệm. Sau cú sốc tâm lý khi cổ phiếu H lao dốc không phanh, anh Mua hiểu rằng, sử dụng margin quá đà có thể khiến mọi thành quả đầu tư biến mất chỉ trong thời gian rất ngắn, thậm chí nếu không may có thể bị “cháy” tài khoản.

Thứ sáu, hoảng loạn sẽ khiến bạn sai lầm nối tiếp sai lầm, khi hoảng loạn thì điều cần thiết nhất là phải ổn định tâm lý trở lại trước khi đầu tư tiếp. Lý thuyết là vậy nhưng ít ai làm được. Thị trường chứng khoán về góc độ nhiều người chơi thì cũng như canh bạc, tâm lý đỏ đen, cố “cứu” lại tiền bị mất luôn hiện hữu. Nhưng, một khi đã “đen”, một khi lý trí không đủ khỏe để ra quyết định đầu tư đúng đắn thì tốt hơn hết là nên dừng lại.

Lúc này, anh Mua cảm thấy tự tin hơn trước đây rất nhiều. Anh bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư.

(Còn nữa)

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên