MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện chiến tranh chưa kể ở trụ sở NHNN tỉnh Thừa Thiên Huế

27-07-2017 - 12:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Khi xây dựng lại trụ sở làm việc năm 1976 phát hiện 2 bộ hài cốt liệt sỹ và trong lần tu bổ năm 2007 phát hiện thêm 3 bộ hài cốt liệt sỹ nữa trong khuôn viên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Thừa Thiên Huế gắn với câu chuyện đặc biệt của chiến tranh.

Cuộc chiến 21 ngày đêm bảo vệ kho ngân khố năm 1968

Khi xây dựng lại trụ sở làm việc năm 1976 phát hiện 2 bộ hài cốt liệt sỹ và trong lần tu bổ năm 2007 phát hiện thêm 3 bộ hài cốt liệt sỹ nữa trong khuôn viên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Thừa Thiên Huế gắn với câu chuyện đặc biệt của chiến tranh.

Đây là địa danh gắn với các chiến tích lịch sử. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng quê hương, vào Tết mậu thân 1968 và chiến dịch giải phóng Huế tháng 3 năm 1975, tại khuôn viên trụ sở NHNN tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nhiều cuộc giao tranh quyết liệt giữa ta và địch, nhiều đơn vị đã chiến đấu và có chiến sỹ hy sinh anh dũng tại đây.

Hình ảnh Ty Ngân khố Thừa Thiên năm 1968 (nay là NHNN chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế)

Hình ảnh NHNN chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay (Nguồn: HueS.vn)

Trong chiến dịch mậu thân năm 1968 một tiểu đội của tiểu đoàn 804 (K4) trực thuộc tỉnh đội Thừa Thiên Huê đã anh dũng chiến đấu bám trụ từng góc tường, nóc nhà để bảo vệ ngân khố, kìm chân địch, đẩy lùi các cuộc tấn công đánh chiếm của địch và đã có 4 đồng chí đã anh dũng ngã xuống nơi đây.

Theo bác Nguyễn Xuân Tư ở Vĩnh Phúc, Tiểu đoàn K4 người đã trực tiếp tham gia chiến đấu 21 ngày đêm bảo vệ kho ngân khố. “Chúng tôi thì ở tầng 2 dựa vào lan can để bắn xuống, còn ở dưới thì lựu đạn ném lên. Rất nhiều anh em bị thương và hy sinh.” Còn bác Đào Văn Mùa cũng ở Vĩnh Phúc tâm sự: “Chúng tôi chỉ biết chiến đấu, vì quê hương từng tấc đất phải bảo vệ, không sợ chết. Tôi còn nhớ sảnh Ti Ngân khố Thừa Thiên là nơi để các thương binh, bị thương rồi vẫn đọc bài thơ chúc Tết của Bác Hồ. Các tử sỹ thì có người dân địa phương hoặc đơn vị khác lo liệu.”

Còn theo bác Lại Văn Bán- Tiểu đoàn trưởng K4: Trong thời chiến có lẽ khi đồng đội hy sinh, anh em an táng ngay tại địa điểm ngã xuống. Có thể đó là điều lý giải tại sao đồng đội chúng tôi nằm trong khuôn viên trụ sở NHNN tỉnh Thừa Thiên Huế”. Tiểu đoàn K4 đến từ 25 tỉnh thành trong cả nước và đã có hơn 1000 liệt sỹ ngã xuống trong cuộc triến tranh với tuổi đời còn rất trẻ, có người chỉ 17 tuổi.

Trong giấc mơ đồng đội vẫn gọi tên

Các đồng chí K4 thắp hương đồng đội tại Bia tưởng niệm trong khuôn viên NHNN chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế

Hôm nay 27/7, tưởng nhớ đồng đội các đồng chí tiểu đoàn K4 đã thăm lại chiến trường xưa, ôn lại một thời trai trẻ đã chiến đấu quên mình vì tổ quốc, đến thắp nén nhang cho các đồng đội đã ngã xuống ở những địa danh đã chiến đấu trong đó có trụ sở NHNN tỉnh Thừa Thiên Huế. Dẫu chỉ còn 1 cánh tay và mang trên mình nhiều thương tật bác Nguyễn Xuân Tư ở Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc cho rằng mình may mắn hơn nhiều đồng đội.

“Điều trăn trở nhất chúng tôi gồm 7 anh em ở Vĩnh Phúc cùng nhập ngũ vào K4, cùng nhau chiến đấu nhưng bây giờ chúng tôi chỉ còn 3 anh em còn 4 đồng đội đã hy sinh và bây giờ cũng không biết nằm ở nơi đâu”. Với bác Lại Văn Bán thì ám ảnh bởi những giấc mơ về đồng đội: “Trong trận chiến ác liệt, đồng đội của tôi bị thương cạnh sườn. Máu chảy giữ dội. Đồng đội gọi tên tôi và cầu cứu. Anh ấy kêu đau, nhưng tôi vô vọng không biết làm cách nào để cứu được, rồi đồng đội tôi hy sinh do mất máu nhiều quá. Bây giờ trong giấc mơ đồng đội vẫn gọi tôi và kêu đau, mà mơ nhiều lần chứ không phải 1 lần. Thương nhớ đồng đội, chúng tôi gặp nhau ở đây dẫu người còn người mất. Chúng tôi đã tự hào về một thời tuổi trẻ vượt qua gian khổ để bảo vệ tổ quốc”.

“Chúng tôi gặp nhau là mừng nhưng những khuôn mặt thân quen của đồng đội giờ không còn nữa là điều thật sự day dứt”, bác Nguyễn Văn Xuân ở Việt Trì- Phú Thọ trầm ngâm.

Đồng đội về bên nhau bằng tấm lòng tri ân

Ngành Ngân hàng tri ân các anh hùng liệt sĩ

“Chúng tôi những người còn sống khi cuộc chiến đi qua, mong muốn anh em đồng đội hy sinh được về bên nhau, để chúng tôi đến thắp hương gặp lại anh em. Đấy là lý do tại sao chúng tôi vận động xây dựng bia tưởng niệm ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế để tưởng nhớ đồng đội”, Bác Lại Văn Bán chia sẻ.

Những người lính K4 năm xưa vẫn miệt mài trở lại chiến trường xưa để tìm lại hài cốt của đồng đội đã hy sinh. Đất nước khải hoàn, họ thương nhớ đồng đội vô bờ bến. Hành trình tìm kiếm ấy có người tìm thấy có người không. Bao nhiêu đồng đội của họ vẫn nằm lại lòng đất mẹ là bấy nhiêu nỗi đau, sự day dứt của những người còn sống. Có lẽ vậy, khi biết 4 đồng đội được tìm thấy trong khuôn viên trụ sở NHNN tỉnh Thừa Thiên Huế đã xoa dịu bớt nỗi đau cho họ. Các chiến sỹ K4 năm xưa vui mừng và ấm áp khi biết ngành ngân hàng đã xây dựng bia tưởng niệm các đồng chí đã hy sinh ngay tại khuôn viên trụ sở NHNN tỉnh Thừa Thiên Huế và hôm nay họ đã đến thắp hương tại chính nơi đồng đội đã ngã xuống.

Thể hiện tình cảm với đồng đội, những đồng chí của K4 năm xưa đã huy động nguồn lực và được sự hỗ trợ tích cực của tỉnh Thừa thiên Huế đã xây dựng được khu tưởng niệm ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khi được biết việc xây dựng khu tưởng niệm, Thống đốc NHNN VN đã đến thắp hương tưởng nhớ anh linh các liệt sỹ tại trụ sở NHNN tỉnh Thừa Thiên Huế, vận động cán bộ viên chức ngành ngân hàng hỗ trợ 300 triệu đồng để thể hiện tấm lòng tri ân của ngành đối với các chiến sỹ K4 đã hy sinh với tấm lòng biết ơn sâu sắc.

“Chúng tôi rất cảm động sự hỗ trợ của tỉnh Thừa Thiên Huế, các cơ quan tổ chức liên quan, của ngành ngân hàng để đồng đội chúng tôi cùng được trở về đây, để cha mẹ, vợ con, cháu chắt của các liệt sỹ được nhìn thấy tên người thân của mình được khắc trên tấm bia chung Tổ quốc ghi công”.

Theo Lê Thị Thuý Sen

SBV

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên