Chuyên gia: Cần công bố kết quả xếp hạng ngân hàng
Nếu cho rằng việc xếp hạng TCTD là nhằm mục đích để cho từng TCTD biết được thứ hạng của mình để từ đó có giải pháp tương ứng nhằm cải thiện hoạt động thì điều này là không cần thiết vì từng TCTD phải biết là họ đang trong tình trạng như thế nào, căn cứ vào các tiêu chuẩn hoạt động mà NHNN ban hành.
- 29-01-2019Bắt đầu chấm điểm các ngân hàng thương mại Việt Nam
- 28-01-2019Tuần cận Tết, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hơn 47.500 tỷ đồng ra thị trường
- 28-01-2019Bỏ nội dung ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD), bắt đầu áp dụng từ 1/4/2019. Thông tư này thay thế Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN ban hành quy định xếp loại ngân hàng thương mại cổ phần (NHTM). Căn cứ vào mức điểm xếp hạng đạt được, TCTD được xếp vào một trong các hạng sau: Tốt (A), Khá (B), Trung bình (C), Yếu (D) hoặc Yếu kém (E).
Điều đáng chú ý trong thông tư trên là kết quả xếp hạng sẽ chỉ được thông báo cho TCTD và NHNN chi nhánh tỉnh và thành phố mà không được công bố rộng rãi. Thậm chí, thông tư còn quy định việc thực hiện lưu trữ và sử dụng kết quả xếp hạng phải theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng. Đây là một thay đổi lớn của Thông tư 52 so với Quyết định 06, bởi theo Quyết định 06 thì kết quả xếp hạng này được công bố trên trang web của NHNN.
Về lý do không công bố kết quả này, khi dự thảo thông tư, NHNN có giải thích rằng, do mục đích khác nhau, nên ngân hàng trung ương, cơ quan giám sát tài chính tại nhiều nước trên thế giới đều không công bố rộng rãi kết quả xếp hạng các ngân hàng như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế thực hiện định kỳ. Một lý do khác nữa là việc công bố này "có tính nhạy cảm cao".
Trên thực tế, việc đánh giá, phân loại và công bố thông tin về tình hình hoạt động và sức khỏe của TCTD không phải là hiếm trên thế giới. Điển hình nhất là việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phối hợp với các cơ quan giám sát của các quốc gia thành viên định kỳ và bất thường tiến hành đánh giá sức khỏe của các ngân hàng các nước thành viên mà ECB trực tiếp giám sát. Kết quả đánh giá sức khỏe được công bố rộng rãi, tuy chứa đựng những thông tin rất "nhạy cảm", có thể ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của một NHTM nào đó (và cả hệ thống) nếu NHTM này bị đánh giá không tốt. Với ECB, sự công bố kết quả này là cần thiết bởi một trong những mục đích của việc đánh giá và công bố này là để tăng cường chất lượng thông tin hiện có về tình hình của NHTM.
Như vậy, việc đánh giá và xếp hạng TCTD về bản chất chính là, cần phải là nhằm đáp ứng yêu cầu xác đáng của tất cả các bên có liên quan, từ dân chúng đến Chính phủ và nhà đầu tư trong, ngoài nước về thông tin minh bạch liên quan đến tình hình của TCTD mà chỉ có thể có được một cách chất lượng và khách quan từ NHNN. Việc không công bố kết quả xếp hạng TCTD có nghĩa là sự minh bạch về chất lượng hoạt động của TCTD sẽ không được đảm bảo, và công luận không được biết đầy đủ những tồn tại và yếu kém của TCTD để gây áp lực đòi hỏi không chỉ TCTD liên quan mà cả NHNN phải có những biện pháp cải thiện ngay chất lượng hoạt động.
Hơn nữa, việc không công bố kết quả xếp hạng còn gây ra tình trạng bất đối xứng thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các bên có liên quan. Cụ thể hơn, do NHNN chỉ gửi kết quả đánh giá và xếp hạng đến TCTD nên sẽ chỉ có một số người, nhờ cách nào đó, mới biết được các thông tin này. Tình trạng thông tin bất đối xứng sẽ làm lợi cho những người biết thông tin trong khi làm hại toàn bộ những người có liên quan khác. Chẳng hạn, một nhà đầu tư nào đó nhờ biết được thông tin ngân hàng X bị NHNN xếp loại yếu nên âm thầm bán ra cổ phiếu ngân hàng này, trong khi những nhà đầu tư khác vẫn cứ nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng X vì tin tưởng nó đang hoạt động lành mạnh, bình thường, một phần do không thấy có thông tin liên đới được NHNN công bố.
Quan trọng hơn, nếu sau khi đánh giá và xếp hạng xong mà NHNN không công bố kết quả thì công luận sẽ đặt câu hỏi là việc xếp hạng TCTD của NHNN là để nhằm mục đích gì, và phục vụ ai?
Trong văn bản thuyết minh cho dự thảo thông tư này của NHNN cũng như trong Thông tư 52, đã không có bất cứ thông tin nào về mục đích của Thông tư 52, ngoài việc NHNN trích dẫn Luật các TCTD về nhiệm vụ của NHNN hàng năm phải thực hiện xếp hạng các TCTD để phục vụ công tác thanh tra, giám sát các TCTD. Nhưng cho dù mục đích của việc xếp hạng là để phục vụ công tác thanh tra, giám sát TCTD của NHNN thì đây là một điều khó hiểu. Bởi việc thanh tra, giám sát cần phải được tiến hành trước rồi sau đó mới có thể xếp hạng TCTD, nếu muốn. Nói cách khác, có thanh tra, giám sát thì mới ra được bảng xếp hạng TCTD.
Nếu cho rằng việc xếp hạng TCTD là nhằm mục đích để cho từng TCTD biết được thứ hạng của mình để từ đó có giải pháp tương ứng nhằm cải thiện hoạt động thì điều này là không cần thiết vì từng TCTD phải biết là họ đang trong tình trạng như thế nào, căn cứ vào các tiêu chuẩn hoạt động mà NHNN ban hành. Ngoài ra, trong quá trình thanh tra, giám sát TCTD của NHNN, các vấn đề tồn tại và yếu kém sẽ (cần) được NHNN chỉ ra cho TCTD liên đới nên chắc chắn họ biết sẽ phải làm gì mà không cần phải đợi đến khi có kết quả xếp hạng cho mình thì mới thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng hoạt động.
Tóm lại, điểm đáng lưu tâm của Thông tư 52 là đã không nêu rõ mục đích và tính cần thiết của việc xếp hạng TCTD và việc không công bố kết quả xếp hạng. Do đó, cần có những điều khoản sửa đổi, bổ sung phù hợp về việc xếp hạng TCTD và công bố kết quả.