MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia: CPI năm nay có tăng cao cũng không quá 4%

Nhiều chuyên gia cho rằng CPI năm nay dù có tăng cũng không quá 4%.Nguyên nhân do giá cả hàng hóa trong nước đã chạm trần và khó tạo ra những biến động trong những tháng cuối năm.Tỷ giá đồng nội tệ vẫn ổn định nhờ thặng dư thương mại và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài.Cục Quản lý giá đề xuất không điều chỉnh giá dịch vụ công và điện trong năm nay.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng đầu năm tăng 4,07%, chủ yếu do giá xăng dầu và thịt lợn tăng mạnh, nhưng nhiều chuyên gia dự báo CPI năm nay tăng cao nhất cũng vẫn dưới 4%, như chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, giá xăng dầu hồi phục chỉ mang tính kỹ thuật vì tình hình kinh tế toàn cầu vẫn trong giai đoạn suy thoái khiến sức cầu dầu thô tương đối yếu. Đồng thời, giá thịt lợn trong nước và nhập khẩu cũng đã chạm trần nên khó tăng thêm hoặc có thể xảy ra biến động trong những tháng cuối năm.

Chuyên gia kinh tế, TS Phạm Thế Anh cho rằng thu nhập của người dân có xu hướng sụt giảm. Họ sẽ thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn. Đồng thời, tỷ giá đồng nội tệ tiếp tục ổn định nhờ thặng dư thương mại và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, sản xuất trong nước suy giảm khiến hoạt động nhập khẩu cũng tăng trưởng chậm lại. Do vậy, yếu tố ngoại tệ không thể trở thành nguyên nhân gây ra lạm phát trong năm nay.

Lạm phát ở Việt Nam phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng là giá cả hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài mà xăng dầu đóng một vai trò quan trọng; và giá hàng hóa dịch vụ trong nước.

TS Trương Văn Phước, nguyên lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích: "Chúng ta đã nhìn thấy giá xăng dầu xuống thấp như thế nào trong tháng 3-4 và với tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay thì cũng không thể tăng cao được. Trong khi đó, giá trong nước không tăng lên vì tiêu dùng đang yếu. Thêm nữa, Chính phủ chưa có ý định tăng giá các hàng hoá, dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục, điện... Vì vậy, lạm phát năm nay sẽ thấp".

Trong khi đó, phân tích về yếu tố giá lợn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành lại cho rằng không nên ảo tưởng có thể hạ giá thịt lợn trong thời gian tới thông qua mệnh lệnh hành chính hay việc tăng nguồn cung từ Thái Lan. “Giá thịt lợn sẽ cao như một trạng thái bình thường mới và rất khó quay lại được giá lợn ở thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Vấn đề giá lợn tăng không phải là câu chuyện ngắn hạn, mất cân đối cung cầu do dịch bệnh mà nguyên nhân sâu xa nằm ở Luật Chăn nuôi”, ông Thành nói.

Theo đó, Luật Chăn nuôi mới là nguyên nhân chính về mặt thể chế khiến giá thịt lợn tăng cao. Những quy định về tiêu chuẩn, điều kiện chăn nuôi thay đổi theo hướng áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật và tiêu chuẩn cao hơn nên đã vô tình loại bỏ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trước đây. Một số đại doanh nghiệp chăn nuôi đang nắm được nguồn cung, giống trong chuỗi giá trị chăn nuôi. Hộ nông dân đã trở thành người làm thuê hoặc khách hàng.

Chuyên gia: CPI năm nay có tăng cao cũng không quá 4% - Ảnh 1.

Giá thịt lợn là một trong những nguyên nhân khiến CPI năm nay tăng cao.

Trước đó, chỉ số CPI 6 tháng đầu năm cũng tăng 4,19%, do giá mặt hàng lương thực và những mặt hàng ăn uống ngoài gia đình đều tăng lần lượt là 3,38% và 7,54%. Đáng chú ý, giá mặt hàng thực phẩm tăng 14,28% khiến CPI chung tăng 3,23%.

Với những phân tích như ông Thành vừa đưa ra thì giá thực phẩm mà chủ yếu là giá thịt lợn sẽ là những thách thức và tạo áp lực lên CPI năm nay. Ngoài ra, giá dịch vụ công hay thiết bị giáo dục cũng là những yếu tố sẽ tác động đến chỉ số giá cả hàng hóa cuối năm. Đặc biệt, thiên tai dịch bệnh hết sức phức tạp và sự quay trở lại của dịch Covid-19.

Vì vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đề xuất không điều chỉnh tăng giá điện và những dịch vụ công khác trong năm nay. Về giá xăng dầu, ông Tuấn cho rằng sẽ không có biến động lớn giữa giá dầu thế giới và trong nước thông qua quỹ bình ổn giá.

Khoản 2, Điều 22 Luật Chăn nuôi quy định điều kiện tổ chức sản xuất con giống vật nuôi phải đáp ứng những điều kiện như áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với giống vật nuôi.

- Cơ sở nuôi giữ giống gốc, cơ sở tạo dòng, giống vật nuôi phải có nhân viên kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học.

- Cơ sở nuôi đàn giống cấp bố mẹ đối với lợn, gia cầm, đàn nhân giống, sản xuất con giống vật nuôi phải có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học.

- Có hồ sơ giống ghi rõ tên giống, cấp giống, xuất xứ, số lượng, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật.

Theo Ngọc Hà

Theo NDH

Trở lên trên