MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia đề xuất hình thức đánh thuế mới thay VAT để tránh doanh nghiệp lách luật

Cho rằng Thuế Giá trị gia tăng (VAT) còn nhiều bất cập, PGS.TS. Tạ Lợi, Trưởng bộ môn Kinh doanh quốc tế, ĐH KTQD, đã đề xuất nghiên cứu, vận dụng Thuế Chi phí gia tăng (CAT) để thay thế.

Nhiều kẽ hở của VAT khiến thuế bị thất thu

Góp ý kiến cho toạ đàm khoa học về Thuế do ĐH Kinh tế Quốc dân (KTQD) vừa tổ chức sáng nay 9/5, PGS.TS. Tạ Lợi, Trưởng bộ môn Kinh doanh quốc tế, ĐH KTQD đã đề xuất thay thế thuế giá trị gia tăng (VAT) bằng một loại thuế khác.

Nguyên nhân của đề xuất là VAT có nhiều bất cập khiến xảy ra hiện tượng gian lận thuế. Đơn cử, châu Âu đã mất 107 tỷ euro, tương đương 12% tiềm năng thu thuế năm 2006. 

Ở Việt Nam, sau khi Luật VAT có hiệu lực, đã có 607 doanh nghiệp bị xử lý vi phạm, truy thu và phạt trên 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Lợi, vẫn còn nhiều cá nhân, doanh nghiệp có hành vi đối phó để không phải xuất hoá đơn cho khách hàng. Nhiều doanh nghiệp có hành vi lập khống chứng từ để được hoàn VAT. Điều này thường diễn ra đối với mặt hàng nông – lâm – hải sản.

Minh hoạ kỹ hơn về gian lận khi khai báo thuế, ông Lợi đưa ra ví dụ về một doanh nghiệp giả định, gọi là A kinh doanh bàn ghế gỗ.

Theo đó, doanh nghiệp này sản xuất bàn ghế gỗ với 6 triệu đồng tiền chi phí nguyên liệu gỗ; 2 triệu đồng giá trị gia tăng và thu về 2 triệu đồng lợi nhuận.

Doanh nghiệp A mua nguyên liệu gỗ có đầy đủ hoá đơn tài chính và không phải doanh nghiệp khai thác nên không chịu thuế tài nguyên. Doanh nghiệp bán hàng cũng xuất hoá đơn tài chính đúng giá cho khách hàng.

Các hoạt động kinh doanh của A từ 1/1/1991 chịu điều tiết của luật VAT thay cho luật thuế doanh thu và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thay cho lợi tức.

Mức thuế doanh thu và thuế lợi tức lần lượt là 4% và 35% được chuyển thành 10% VAT và 20% đối với thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng thực tế doanh nghiệp sẽ không khai báo đúng giá thành phẩm của bộ bàn ghế gỗ là 8 triệu mà sẽ khai tăng lên 9 triệu để giảm mức lợi nhuận phải nộp thuế từ 2 triệu xuống còn 1 triệu. Do đó, Nhà nước sẽ không quản lý được.

Bên cạnh đó, khoản trị giá 2 triệu đồng lợi nhuận sẽ chịu 2 lần tính thuế, gồm VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp khiến việc thuế chồng thuế không được giải quyết hoàn toàn.

Đề xuất nghiên cứu thay VAT bằng thuế Chi phí gia tăng

PGS. TS. Tạ Lợi cho rằng có thể thay thế VAT bằng thuế Chi phí gia tăng (CAT). CAT theo ông cũng áp dụng đánh vào chi phí tăng thêm nên có ưu điểm tránh được việc thuế chồng lên thuế.

Thuế suất của CAT có ít loại, ở mức trung bình với thuế suất thu nhập doanh nghiệp (có thể bằng thuế suất thu nhập doanh nghiệp). Đối tượng chịu thuế là tất cả những người tiêu dùng hàng hoá, không phân biệt là dùng vào mục đích gì.

Cơ quan quản lý thuế và thu thuế theo chế độ tự nguyện, độc lập và chế độ tự giám sát thông qua quyền lợi kinh tế.

Theo vị chuyên gia này, áp dụng CAT sẽ mang lại rất nhiều hiệu quả. Cụ thể, việc áp dụng cùng thuế suất với thuế thu nhập doanh nghiệp nên các doanh nghiệp không thể khai gian chi phí hay lợi nhuận bản thân.

Chính phủ vẫn duy trì được mức huy động thuế vào Ngân sách. Đồng thời, không tốn kém chi phí kiểm tra, giám sát, kiểm toán thuế. Tình trạng thuế chồng lên thuế cũng được khắc phục…

Tuy nhiên, ông Lợi cũng chỉ ra nếu dùng CAT có thể dẫn đến tập trung lợi thế của một hay một số ít nhà sản xuất kinh doanh chuyên về một mặt hàng hay lĩnh vực nào đó, dẫn đến sự độc quyền. Do đó, Nhà nước để áp dụng CAT thay cho VAT cần phải nghiên cứu kỹ tình hình kinh tế và điều kiện áp dụng của từng mặt hàng. Có thể sử dụng ngay những mức thuế suất của VAT để áp dụng cho CAT.

Mặt khác, ông cũng cho rằng có thể áp dụng luật thuế CAT đồng bộ với luật khác như luật chống độc quyền, luật bảo hộ bản quyền… nhằm tránh được những nhược điểm của luật thuế này vì kích thích sự cạnh tranh mãnh liệt hơn và dễ phân hoá giàu nghèo.

Cuối cùng, ông Lợi nhấn mạnh phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức sử dụng hoá đơn chứng từ, cũng như việc áp dụng những biện pháp thừa nhận các hoá đơn như một phiếu bảo hành về mặt pháp luật.

              

T.Công

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên