Chuyên gia Hàn khen Việt Nam tăng trưởng tốt: Hàn Quốc có "kỳ tích sông Hán" thì Việt Nam có "kỳ tích sông Hồng"
Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, cùng trải qua nhiều khắc nghiệt, có thương tổn về chiến tranh, nét văn hóa trọng tình... Trong phát triển kinh tế, Hàn Quốc từ một nước nghèo đã tạo nên kỳ tích sông Hán. Và Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế vừa qua, có thể được kể đến như một "kỳ tích sông Hồng", Phó Chủ tịch cấp cao Viện Giám sát Tài chính Hàn Quốc nhìn nhận.
- 21-03-2018Kinh tế Việt Nam: Nhìn 2018, lo 2019
- 20-03-2018“Kinh tế Việt Nam đang bước vào quỹ đạo phát triển mới”
- 20-03-2018Sắp diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia về Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018
Hội nghị Tài chính Quốc tế (IFC) lần thứ 7 tổ chức tại Việt Nam lấy chủ đề "Xu hướng hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam – Trục kinh tế mới nổi toàn cầu vượt ra khỏi khuôn khổ châu Á".
Không thể đến dự, nhưng Phó Chủ tịch cấp cao Viện Giám sát Tài chính Hàn Quốc nhờ ông Lim Se Hee – Giám đốc Ủy ban Giám sát Tài chính Hàn Quốc chuyển lời của ông về mối quan hệ của Hàn Quốc và Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính.
Theo nhận định của Viện Giám sát Tài chính Hàn Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng.
"Trong lịch sử, chúng ta đã trải qua nhiều khắc nghiệt, có thương tổn về chiến tranh, chịu ách đô hộ… Nhưng từ quá khứ đau thương ấy, cả Hàn Quốc và Việt Nam đã vượt lên với ý chí mạnh mẽ và tạo ra thành quả kinh tế làm ngạc nhiên cả thế giới".
"Hàn Quốc từ một nước nghèo tạo nên kỳ tích sông Hán. Và cũng như vậy, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6% trong nhiều năm - đó có thể được kể đến như một "kỳ tích sông Hồng". Tính đến 2017, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,8%", Phó Chủ tịch cấp cao Viện Giám sát Tài chính Hàn Quốc trong khẳng định.
Về văn hóa, ông Lim cho biết cả 2 nước đều có điểm tương đồng về văn hóa gắn với tư tưởng trọng tình, với giá trị cao về gia đình, tôn trọng người lớn tuổi do ảnh hưởng từ Nho giáo. Theo một khảo sát của tạp chí Korea Times và Nhật báo Hàn Quốc, cứ 10 người Việt Nam được hỏi thì có đến 6 người cảm thấy gần gũi và đồng cảm với những yếu tố văn hóa Hàn Quốc.
Về thương mại, vào năm 1992, khi mới thiết lập quan hệ ngoại giao, giao thương của 2 nước chỉ đạt 500 triệu USD. Tính đến năm 2017, con số này đã đạt tới 63,9 tỷ USD.
Trong 25 năm, Việt Nam đã trở thành một trong 4 đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.
Theo thống kê, hiện số lượng công ty tài chính đầu tư vào Việt Nam là 47 công ty, đứng thứ 3 sau Trung Quốc (65 công ty) và Mỹ (54 công ty).
"Những công ty tài chính Hàn Quốc đã bị thu hút bởi tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam và đang bắt đầu gõ cửa thị trường tài chính Việt Nam".
"Đặc biệt, Hàn Quốc là một trong những nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Sắp tới những hoạt động trao đổi tài chính song phương giữa hai nước sẽ là bức tranh phản chiếu thú vị về giao thương của hai nước", ông này cho biết.
Mới hôm qua, ngày 22/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân đã đặt chân đến Việt Nam, bắt đầu chuyến thăm chính thức theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
"Tổng thống Moon Jae-in đến thăm Việt Nam chỉ 4 tháng sau khi nhậm chức. Chính sách "làn gió mới phương nam" của Chính phủ hiện tại sẽ tạo nên mối quan hệ vượt trội giữa 2 nước", lãnh đạo Viện Giám sát Tài chính Hàn Quốc nhận định.
Theo ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam (NFSC), Hàn Quốc đứng đầu về đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2017. Hàn Quốc cũng là đối tác lớn thứ 2 về cung cấp ODA cho Việt Nam.
Hiện có 5.600 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động đầu tư tại Việt Nam, trong đó các ngân hàng và công tài chính đang hoạt động đầu tư tốt, ông Tuấn cho biết.
Trí Thức Trẻ