MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới: Giáo dục tiểu học và trung học Việt Nam được xếp hạng cao hơn Mỹ

Phát biểu tại Vietnam Summit, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, dẫn báo cáo của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) cho biết, giáo dục tiểu học và trung học của Việt Nam đang được xếp cao hơn Mỹ.

Đề cập tới tương lai của công nghiệp sản xuất ở Việt Nam, ông Eckardt nhắc tới vai trò của giáo dục đối với đào tạo nhân lực kỹ thuật cao trong bối cảnh Việt Nam có vị thế tốt để chuyển mình thành cường quốc sản xuất toàn cầu.

Theo Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, PISA từng đánh giá giáo dục Tiểu học và Trung học ở Việt Nam cao hơn so với Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, khi lên bậc Phổ thông và đại học, Việt Nam bộc lộ những yếu điểm cần khắc phục để hoàn thiện bộ máy giáo dục.

PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và chỉ đạo, nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá tính hiệu quả - chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia, qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông. Quy mô của PISA có tính toàn cầu.

Trong khuôn khổ phiên thảo luận, ông Võ Quang Huệ, Phó chủ tịch EuroCham Việt Nam và Giám đốc điều hành công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam, nhận định, giáo dục Việt Nam thiếu thực tế, cần có sự liên kết giữa giáo dục với các cơ sở nghiên cứu để học sinh có cơ hội tiếp xúc thực tế với những gì họ được đào tạo.

Vấn đề về giáo dục Việt Nam được ông Eckardt nêu ra trong phiên thảo luận thứ 2 của Vietnam Summit, nơi các diễn giả tìm kiếm giải pháp cho tương lai công nghiệp sản xuất của Việt Nam trong bối cảnh những phát minh về công nghệ tự động hoá, số hoá và trí tuệ nhân tạo đang định hình lại ngành sản xuất trên toàn thế giới một cách toàn diện. Các nhà máy trong tương lai sẽ không cần nhiều nhân công như trước đây, do đó, công nghiệp sản xuất mới sẽ không thể tạo ra nhiều cơ hội về việc làm.

Phiên thảo luận nhằm trả lời cho loạt câu hỏi Việt Nam đã thực sự sẵn sàng cho những thay đổi chung của thế giới cũng như tìm giải pháp để giúp Việt Nam đón đầu cuộc cách mạng công nghệ sản xuất tập trung. Phiên thảo luận cũng nghiên cứu những tác động của chính sách mới tới lực lượng lao động Việt Nam.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên