MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: “Tôi chưa từng gặp dự án đầu tư nào như Sông Đuống, cần kiểm toán vào cuộc”

Với mức lợi nhuận “vừa đủ để cảm thấy vui vẻ” của chủ đầu tư nhà máy nước Sông Đuống, người mua nước phải gánh chi phí hơn 2.000 đồng/m3 nước là chi phí lãi vay của dự án.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
294 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
  • Để phổ biến các vấn đề tài chính xanh, tín chỉ carbon, các nhà phát hành cần quan tâm việc sử dụng vốn ra sao, hiệu quả thế nào, khả năng trả nợ, dự án đã được thẩm định chặt chẽ...

Đặt vấn đề về tính lành mạnh của hoạt động tài chính

Hơn 2 năm trước, ngày 6/7/2017, thời điểm việc đầu tư của nhà máy thực tế triển khai ra sao chưa có kiểm toán nhưng UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch Sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này. Giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch Sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm VAT).

Lý giải mức giá tạm tính 10.246 đồng/m3, đại diện Sở Tài chính Hà Nội có đề cập đến nguyên nhân chi phí lãi vay ảnh hưởng khi nhà đầu tư nước mặt sông Đuống hiện vay 80%, tương đương gần 4.000 tỷ đồng. Chi phí lãi vay có hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là chi phí lãi vay trong giai đoạn thực hiện dự án, được tính vào trong giá thành đầu tư dự án và được vốn hóa vào tổng chi phí dự án. Còn sau khi nhà máy đi vào hoạt động, phần vốn vay công ty phải trả hàng năm, lãi vay ấy được tính vào trong giá thành.

Theo báo cáo của công ty, riêng phần chi phí lãi vay ở đây rơi vào khoảng 20%, tức rơi vào khoảng hơn 2.003 đồng trong số tạm tính 10.246 đồng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, ông chưa từng gặp trường hợp dự án đầu tư nào mà người dân “gánh” chi phí lãi vay tương đối lớn cho doanh nghiệp như dự án này. “Vấn đề đặt ra là hoạt động tài chính của họ có lành mạnh hay không, cần chứng minh giá này là hợp lý. Hiện không có ai có cơ hội, khả năng xem sổ sách của họ nên cần ban kiểm toán, kiểm toán nhà nước xem chi phí có minh bạch, có hợp lý hay không để đưa ra giá nước tạm tính này”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, nếu ở nền kinh tế thị trường thật sự giá là điểm cân bằng giữa cung và cầu nhưng mặt hàng nước ở Hà Nội không ở nền kinh tế thị trường hoàn hảo mà bị méo mó đi.

“Bù lỗ, Hà Nội lấy tiền ở đâu?”

Với mức giá bán buôn dự tính là 10.246 đồng/m3, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và CTCP Nước sạch số 2 Hà Nội đều có văn bản có ý kiến không đủ nguồn lực tài chính để thực hiện. Theo tính toán của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, nếu mua nước từ nguồn nước mặt sông Đuống sẽ tác động lớn đến nguồn vốn lưu động và tình hình khả năng thanh toán của công ty. Cụ thể, công ty này có thể lỗ đến hơn 192 tỷ đồng/năm còn CTCP Nước sạch số 2 Hà Nội cũng ước tính số lỗ lên đến 58 tỷ đồng.

Trường hợp không thể giảm giá mua nước từ Sông Đuống bởi những ràng buộc đã ký kết trong khi các doanh nghiệp bán lẻ nước “than lỗ” thì khả năng cao đề xuất “xem xét lộ trình điều chỉnh giá nước sạch tiêu thụ tới từng hộ dân phù hợp với tình hình thực tế” của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội được thông qua chỉ là chuyện ngày một, ngày hai.

Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, có vẻ như Hà Nội đã cam kết với Công ty nước sạch Sông Đuống sẽ cam kết mua lại với mức giá được 2 bên thoả thuận, chấp nhận bù lỗ để mua nước Sông Đuống. “Mà bù lỗ thì Hà Nội lấy tiền ở đâu. Cam kết này rất khó hiểu”, ông Ánh nói.

Trong trả lời báo Tuổi trẻ, bà Đỗ Thị Kim Liên - chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, chủ tịch HĐQT CTCP nước mặt Sông Đuống cho biết, Hà Nội tạm tính cho Sông Đuống hơn 10.000 đồng/m3 thì đã tính tất cả các chi phí, chỉ cho Sông Đuống lợi nhuận chút ít để trả lãi cộng với vận hành nhà máy.

“Khi kinh doanh thì đương nhiên có lợi nhuận để duy trì công ty hoạt động. Đương nhiên khi Hà Nội định ra giá tạm tính 10.246 đồng thì chúng tôi có lợi nhuận chứ không phải không có, nhưng lợi nhuận vừa đủ để chúng tôi cảm thấy vui vẻ”, bà Liên nói.

Bà Hoàng Yến (Long Biên, Hà Nội) cho biết, thật khó chấp nhận khi giá nước bán buôn dự kiến còn đắt hơn giá bán lẻ hiện hành và nếu doanh nghiệp bán lẻ phải mua mức giá đó điều tăng giá nước là chắc chắn và cuối cùng người chịu thiệt không ai khác lại là khách hàng, vốn được ví như “thượng đế”. “Chúng tôi cần được minh bạch tại sao giá nước Sông Đuống bán ra lại cao như vậy bằng những chứng cứ mắt thấy như báo cáo kiểm toán đơn vị này, hay đơn vị độc lập có thể đưa bằng chứng chất lượng nước Sông Đuống đáng với số tiền chúng tôi bỏ ra”, bà Yến nói.

Theo Bảo Vy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên