MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia nha khoa: Nhổ răng sâu để điều trị tận gốc là một quan niệm sai lầm

26-06-2017 - 14:29 PM | Sống

Răng sâu gây khó chịu, đau nhức, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng nhổ bỏ chiếc răng hỏng không phải biện pháp tốt nhất.

Sâu răng là bệnh răng miệng phổ biến ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Ngoài việc gây đau nhức, để lại các biến chứng như viêm tủy, viêm chân răng, người bệnh có thể gặp khó khăn trong giao tiếp vì răng ngả màu, hơi thở có mùi. Vì thế, khi răng mới chớm sâu, người bệnh cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phú Hòa, giám đốc chuyên môn của Trung tâm Nha khoa Quốc tế Việt Đức, người đầu tiên được Tổ chức Nha khoa quốc Tế Invisalign trao tặng danh hiệu Platinum Elite, đã giải đáp về vấn đề phòng ngừa và điều trị dứt điểm sâu răng, trong chương trình Cùng bạn sống khỏe trên kênh Sức khỏe và an toàn thực phẩm FM89.

Cuộc điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc cho biết, khoảng 85% trẻ em từ 6 đến 12 tuổi bị sâu răng. Ở tuổi trưởng thành, trung bình mỗi người có 8 răng bị sâu. Trên cả nước có trên 60% trẻ em và trên 50% người lớn chưa từng đi khám sức khỏe răng miệng. Tỷ lệ trẻ em sâu răng ở Việt Nam hiện nay thuộc loại cao nhất trên thế giới. Số lượng người bị sâu răng của Việt Nam cao nhất trên thế giới. Sâu răng là bệnh lý thường gặp, phổ biến ở mọi lứa tuổi.

Điều kiện sống, thói quen ăn uống là nguyên nhân của bệnh sâu răng

Do nước ta là một nước đang phát triển, các điều kiện sống, thói quen sống thay đổi nhanh chóng. Nhất là thói quen và chế độ ăn uống nhiều đường, tinh bột ngày càng phổ biến, trong khi các biện pháp dự phòng cho sức khỏe răng miệng chưa phát triển theo kịp.

Nguyên nhân gây sâu răng là do vi khuẩn Lactobacillus, Streptococcus mutan... có sẵn trên răng. Khi gặp môi trường thuận lợi như thức ăn chứa đường, giàu tinh bột, chúng phát triển, tạo ra axit, phá hủy các mô răng.

Sâu răng ở giai đoạn đầu chỉ là biến đổi màu sắc như xuất hiện các đốm trắng, tạo thành lỗ bám thức ăn. Khi sâu răng phát triển, răng xuất hiện các lỗ đen, gây ra các cơn đau, gây viêm tủy răng, chân răng...

Thông thường, chúng ta không phát hiện ra sâu răng cho tới khi cảm thấy đau buốt, khó chịu. Lúc này, sâu răng đã ở giai đoạn nặng, việc điều trị phức tạp và tốn kém hơn.

Phương thức điều trị sâu răng hữu hiệu nhất là hàn răng, trám răng


Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phú Hòa (bên trái) trong một ca làm việc.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phú Hòa (bên trái) trong một ca làm việc.

Sâu răng không chỉ ảnh hưởng đến răng miệng mà còn tác động đến các bộ phận khác trên khuôn mặt, hệ thần kinh. Vì thế, bác sĩ Nguyễn Phú Hòa khuyên chúng ta nên vệ sinh răng miệng đúng cách, khám sức khỏe răng miệng định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện các dấu hiệu bất thường sớm và xử lý kịp thời.

Khi phát hiện răng bị sâu, các nha sĩ tiến hành vệ sinh răng và hàn, trám răng để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh. Nhiều người cho rằng, nhổ răng sâu là biện pháp chữa sâu răng dứt điểm. Tuy nhiên, đó là quan niệm sai lầm. Bởi hàm răng có cấu trúc chặt chẽ, nếu thiếu một chiếc răng, cơ nhai, khớp răng sẽ bị ảnh hưởng, làm giảm sức nhai và gây ra nhiều hệ lụy khác.

Khi chẩn đoán sâu răng, các nha sĩ phải dựa vào tình trạng răng sâu, sức khỏe của bệnh nhân để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp. Chỉ khi răng sâu nặng, dẫn tới viêm tủy, viêm cuống chân răng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bộ phận khác, nha sĩ mới chỉ định nhổ răng. Các trường hợp phải nhổ răng nên tiến hành cấy răng giả thay thế sớm để không ảnh hưởng đến khớp nhai nói chung và các vấn đề sức khỏe khác.

Vệ sinh răng miệng đúng cách để ngăn ngừa sâu răng: Chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày: trước khi đi ngủ và sau khi ăn sáng. Thực hiện chải tất cả các mặt của răng, dùng chỉ tơ nha khoa làm sạch kẽ răng. Chế độ ăn cần bổ sung canxi, flour để răng chắc khỏe, nhất là phụ nữ có thai và trẻ em. Ai cũng nên đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, người bệnh tham khảo nha sĩ để xử lý răng sâu kịp thời, tránh ảnh hưởng rộng hơn.

Thu Hoài

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên