Chuyên gia tài chính tiết lộ 3 câu hỏi về tiền bạc được quan tâm nhất sau 1 năm "đảo điên" vì Covid-19: Chuẩn bị cho tương lai bao nhiêu cũng là không đủ
Việc bạn chi tiêu và tiết kiệm như thế nào bây giờ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai sau này.
- 11-04-2021Tôi đã đưa ra 5 quyết định cải tạo, trang trí nhà sai lầm, phí tiền mà giờ hối hận đến phát khóc
- 09-04-2021'Có 2 bằng đại học, làm ở Thung lũng Silicon, tôi xấu hổ khi kiếm tiền chỉ bằng 1/2 người quét dọn ở ga tàu'
- 09-04-2021Người nghèo liều mạng tích góp tiền, người giàu nhàn nhã kiếm tiền: Như thế nào?
Đại dịch Covid-19 đã khiến cho hàng tỷ người trên thế giới lâm vào cảnh khốn khó vì giảm lương và mất việc. Chính lúc này, mọi người mới nhận ra tầm quan trọng của quỹ tiết kiệm dự phòng để dùng trong trường hợp nguy cấp.
Chỉ khi gặp căng thẳng về mặt tài chính, mọi người mới tự hỏi làm thế nào để quản lý tiền bạc và chuẩn bị cho tương lai.
Lorna Kapusta - trưởng phòng bộ phận tương tác khách hàng của Fidelity Investment - đã tiết lộ 3 câu hỏi phổ biến nhất về tiền bạc mà bà nhận được từ khách hàng của mình trong vòng 12 tháng qua.
1. Tôi nên tiết kiệm bao nhiêu tiền trong tài khoản?
Theo Kapusta, mọi người nên tiết kiệm khoảng 3-6 tháng chi tiêu cho các trường hợp dự phòng.
Điều quan trọng là kế hoạch tài chính của bạn phải phù hợp với bạn và nhu cầu của bạn. Nếu bạn cảm thấy cần tiết kiệm hơn cho các trường hợp dự phòng khẩn cấp và có đủ điều kiện để làm vậy, đừng ngại ngần làm vậy.
“Cái bạn cần là một con số phù hợp giúp bạn có thể ngủ ngon mỗi đêm”, Kapusta lưu ý. Số tiền này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái khi biết rằng mình có thể sống được cho dù có chuyện gì xảy ra.
Thậm chí, có những người cẩn thận còn tiết kiệm một số tiền mặt đủ để chi tiêu trong 1 năm. Dù vậy, giữ tiền quá lâu trong tài khoản ngân hàng không phải là quyết định khôn ngoan nhất. Trong một số trường hợp, các chuyên gia tài chính sẽ khuyên bạn nên đầu tư để thu về khoản lợi nhuận lớn hơn.
2. Làm thế nào để kiểm soát chi tiêu và đảm bảo mình tiết kiệm đủ tiền?
Theo Kapusta, quy luật 50-10-5 là cách đơn giản nhất để quản lý thu nhập. Nhờ vậy, bạn có thể phân bổ khoản tiền mình kiếm được ngay khi vừa cầm trên tay. Một kế hoạch tiết kiệm chuẩn sẽ gồm các bước sau:
- 50% thu nhập nên được dành cho các khoản chi tiêu thiết, ví dụ như tiền nhà, đồ ăn, chăm sóc y tế, trả nợ và chăm sóc con cái,...
Đây là khoản để dành quan trọng nhất, nhưng không phải trong trường hợp nào chúng ta cũng có thể chi trả hết các khoản thiết yếu chỉ với 50% thu nhập. Ở một số thành phố lớn, người dân phải để dành nhiều tiền hơn.
- 15% thu nhập nên để dành để đóng lương hưu.
Tại Việt Nam, tất cả những hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên thì đều thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Người lao động, cán bộ, công chức khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu.
Số tiền đóng BHXH sẽ được trích 17,5% từ chi phí doanh nghiệp và 8% từ lương của người lao động.
- 5% thu nhập nên để dành để xây dựng quỹ dự phòng
Sau khi trừ đi mọi khoản tiền đã để dành, bạn sẽ còn lại khoảng 30% thu nhập. Đây là khoản chi tiêu bạn có thể tùy ý sử dụng sao cho phù hợp với nhu cầu của mình.
Bạn có thể tận dụng thêm khoản 30% này nếu các các chi tiêu thiết yếu chiếm hơn một nửa ngân sách mà bạn đề ra. Ngoài ra, bạn có thể dùng để xây dựng quỹ dự phòng nhanh hơn, đầu tư hoặc tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn hạn khác.
3. Tôi nên làm gì với số tiền dư ra sau khi đã trừ đi các khoản chi tiêu thiết yếu và tiết kiệm hưu trí?
Sau khi chi trả các khoản phí cơ bản và tiết kiệm đủ cho tương lai, có những người may mắn còn dư ra một khoản tiền đủ lớn.
Nếu ở trong trường hợp đó, bạn sẽ tự hỏi mình nên làm gì với số tiền còn thừa? “Liệu mình có nên mang tiền đi đầu tư?”, “Liệu mình có nên tiết kiệm thêm cho lúc về già?”
Thật không may, chẳng có giải pháp nào là toàn vẹn đối với tất cả mọi người. Việc làm gì với khoản tiền dư ra phụ thuộc vào ưu tiên của mỗi người. Theo Kapusta, bạn nên dùng tiền sao cho phù hợp với các kế hoạch trong tương lai của bạn, dù đó là tương lai gần hay xa.
Khi cân nhắc về các ưu tiên của mình, hãy thử nghĩ xem mình sẽ tiêu gì trong vòng 5, 10 hay 20 năm nữa. Điều này sẽ thay đổi thói quen tài chính của mọi người. Mục tiêu của bạn có thể là mua nhà, tổ chức đám cưới lớn, hoặc chi trả tiền học phí đại học cho con cái.
Ngoài ra, Kapusta cho biết, nhờ chuyên gia tài chính tư vấn cũng sẽ giúp bạn ít nhiều. Một người hiểu rõ về tiền bạc sẽ giúp bạn cân bằng ngân sách để đạt được mục tiêu đề ra, dù đó là gì đi chăng nữa.
(Theo CNBC)