MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia "vạch mặt" nhiều thói quen xấu của người trẻ khiến ung thư gõ cửa

16-04-2018 - 16:01 PM | Sống

Mỗi năm tại Việt Nam có 126.000 ca mắc mới ung thư và cướp đi sinh mạng của 94.000 người. Đặc biệt, ngày càng nhiều đối tượng trẻ tuổi mắc bệnh khiến gánh nặng ung thư tăng lên.

Bệnh ngày càng phổ biến ở người trẻ

Trẻ hóa ung thư đang là thực tế đáng lo ngại, tỷ lệ mắc cao, chi phí điều trị tốn kém kéo dài. Độ tuổi trung bình mắc ung thư ở TP.HCM là 55 tuổi, trẻ hơn thế giới rất nhiều. Thực tế các bác sĩ cho biết trong lúc khám họ còn gặp các ca trẻ hơn rất nhiều.

Chị Nguyễn Thị M. 27 tuổi, trú tại Mỹ Đình, Hà Nội đến Bệnh viện K trung ương khám vì thấy có dấu hiệu bất thường ở ngực. Dù gia đình không có ai có tiền sử ung thư vú nhưng vì đọc báo đài, xem tin tức về các ca bệnh ung thư nên chị M. mạnh dạn đi kiểm tra ngực.

Kết quả, khối u nhỏ bằng hạt lạc, rắn như đanh ở hõm nách của chị sinh thiết có tế bào ác tính , bác sĩ chẩn đoán đó là ung thư vú. Sau đó, chị M. được phẫu thuật và hiện đang tiến hành hóa trị. Vì bệnh ở giai đoạn sớm nên các bác sĩ cho biết tiên lượng chữa thành công cao. Chị M. cũng yên tâm hơn.

Chuyên gia vạch mặt nhiều thói quen xấu của người trẻ khiến ung thư gõ cửa - Ảnh 1.

Người dân đến khám tại Bệnh viện K

Nhưng tỷ lệ may mắn như chị M. rất hiếm, em Nguyễn Văn Tr. sinh năm 1989, Thường Tín, Hà Nội bị K đại trực tràng được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Tr. thường xuyên bị đau bụng kèm theo rối loạn tiêu hóa nên em đã mua thuốc về uống rồi sống chung với bệnh hơn 2 tháng trời. Đến khi không chịu được, giảm cân nghiêm trọng đi em mới vào bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán K đại trực tràng giai đoạn 3 A.

Em được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức mổ, sau đó về Bệnh viện K trung ương để hóa trị. Sau 4 lần hóa trị, Tr cười "mỗi lần hóa trị là một lần em chết đi sống lại. Em ân hận vì mình không đi bệnh viện sớm hơn để có thể phát hiện bệnh sớm".

Điều Tr trăn trở nhất đó là em chưa có gia đình, giờ bố mẹ già phải đi lại bệnh viện chăm sóc em. Kinh tế gia đình vốn eo hẹp nay lại gánh nặng điều trị bệnh khiến có lúc Tr rơi vào trầm cảm muốn buông xuôi.

Nhưng em cũng nhận được sự động viên từ mẹ: "ở quê thì sợ ung thư chứ lên bệnh viện người ta đi chữa ung thư đông như đi hội nên chẳng có gì phải sợ". Nhờ đó, Tr. an tâm hơn.

Trường hợp của bạn Vũ Văn Đ, 25 tuổi, trú tại Cao Lộc, Lạng Sơn bị ung thư dạ dày. Cách đây 1 năm Đ. đi nội soi dạ dày được chẩn đoán viêm dạ dày mãn tính nhưng Đ không điều trị mà để tự nhiên. Đến năm nay, Đ thấy thường xuyên đau vùng thượng vị, ăn uống khó tiêu mới xuống Hà Nội kiểm tra.

Qua nội soi bác sĩ phát hiện ổ viêm loét to, có sùi và bấm sinh thiết mô bệnh học bác sĩ chẩn đoán ung thư dạ dày biểu mô tuyến.

Vì sao ung thư ngày càng trẻ hoá?

Chuyên gia vạch mặt nhiều thói quen xấu của người trẻ khiến ung thư gõ cửa - Ảnh 2.

Nguyên nhân ung thư vú chủ yếu đến từ lối sống và môi trường. (Ảnh minh họa)

TS Nguyễn Văn Bình – Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K trung ương cho xu hướng chung các bệnh ung thư hiện nay đều trẻ hóa. Trước đây ung thư xuất hiện ở người trên 50 tuổi và 60 -70 tuổi cao hơn nhưng gần đây thực tế lâm sàng các ca bệnh xuất hiện rất nhiều ở người trẻ.

Bệnh viện K đang nghiên cứu và thống kê trong thời gian tới Bệnh viện K sẽ có những kết quả nghiên cứu cụ thể về sự dịch chuyển độ tuổi trẻ hóa trong các bệnh ung thư.

TS Lê Hồng Quang – Trưởng khoa Ngoại Vú, Bệnh viện K cho biết, nguyên nhân ung thư vú chủ yếu đến từ lối sống và môi trường.

Hiện nay, lối sống của người trẻ ngày càng thay đổi kéo theo những thói quen xấu ngày một nhiều lên, điều này khiến cho căn bệnh ung thư ngày càng nguy hiểm và khó kiểm soát. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn cùng với chiều hướng trẻ hóa. Với ung thư vú chủ yếu từ lối sống hàng ngày còn yếu tố gia đình thì ít hơn.

Lối sống ít vận động, ăn uống không lành mạnh, sử dụng thuốc nội tiết, thuốc tránh thai bừa bãi đã và đang khiến ung thư vú gia tăng.

Trong khi đó, ung thư vú ở người trẻ việc chữa bệnh khó hơn nhiều, đáp ứng điều trị khó khăn. Thời gian phụ nữ phục hồi sau điều trị đem lại gánh nặng cho người bệnh vì điều trị ung thư vú rất dài không phải kết thúc khi bệnh nhân ra khỏi bệnh viện.

Theo GS Mai Trọng Khoa – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua thực tế lâm sàng thì hầu như bệnh ung thư nào ở Việt Nam cũng đang trẻ hóa đặc biệt là ung thư vú ở nữ, ung thư phổi ở nam.

Trước kia, các bệnh ung thư xuất hiện ở những năm nửa sau cuộc đời thì nay nó xuất hiện ở tuổi trẻ - lứa tuổi mọi người đang học tập và đi làm. Tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu đang điều trị cho các cháu còn chưa đến tuổi 18 đã mắc các bệnh ung thư trước đây là của người cao tuổi.

5 yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư đại trực tràng

Theo Ngọc Anh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên