Chuyện không cánh tay hồi đáp về tương lai bản thân và câu hỏi của nữ sinh muốn có lương khởi điểm 2.000 USD/tháng
Một nữ sinh nghiêm túc nghĩ về việc làm thế nào để có mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng bị “ném đá”. Một hội trường 500 sinh viên không ai biết mình sẽ là gì trong 30 năm nữa. Nếu đặt hai câu chuyện đó ở cạnh nhau, có thể thấy điều gì?
Cách đây ít lâu, TGĐ của Samsung Việt Nam bấy giờ là ông Shim Won Hwang đã có một buổi nói chuyện với hơn 500 sinh viên tại hội trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Giữa buổi, ông đột ngột đặt ra một câu hỏi với giọng nói đầy hào hứng: “Các bạn tưởng tượng mình sẽ là người như thế nào trong 30 năm nữa?”. Có thể lúc đó, ông đang chờ đợi rất nhiều cánh tay giơ lên, hào hứng như ông, chia sẻ thẳng thắn về ước mơ của mình.
Tuy nhiên, ông TGĐ đã bị thất vọng. Đáp lại ông là một sự im lặng, không một cánh tay nào giơ lên trong hội trường. Ông Shim Won Hwang vẫn kiên nhẫn, đặt lại câu hỏi một lần nữa, đầy động viên và khuyến khích. Cuối cùng, cũng có một vài cánh tay lác đác giơ lên.
Dù vậy câu trả lời cho việc tưởng tượng về 30 năm sẽ như thế nào dường như không làm cho vị TGĐ Samsung thoả mãn. Bởi lẽ, các bạn sinh viên chỉ đưa ra những hình ảnh mơ hồ, chung chung…
Sự chung chung đó, sự không rõ ràng về tương lai đó, dường như hiếm khi bị chê trách, hiếm khi bị ném đá hội đồng, có lẽ bởi nó quá quen thuộc, nó đại diện cho đám đông, nhưng chỉ cần ai đó khác đi, khao khát và thẳng thắn với ước mơ của mình, người này có thể phải hứng chịu nhiều búa rừu dư luận!
Cách đây ít ngày, tại một buổi toạ đàm kết cho sinh viên, nữ sinh Phạm Thị Thanh, sinh viên năm 3 Học viện Kỹ thuật Mật mã, đã nghiêm túc đặt câu hỏi cho các diễn giả về việc làm thế nào để đạt được mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng.
“Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?”, nữ sinh Phạm Thị Thanh hỏi rành mạch.
Và câu hỏi này đã khiến em trở thành tâm điểm dư luận trong những ngày qua. Nhiều lời lẽ bình luận khiếm nhã, công kích Phạm Thị Thanh vì cho rằng việc nghĩ về mức lương 2.000 USD/tháng đối với sinh viên mới ra trường là điều hoang đường.
Theo báo cáo của VietnamWorks, mức lương trung bình của các ứng viên mới ra trường dao động trong khoảng từ 251 – 500 USD/tháng. Phía công ty này cũng cho biết đến thời điểm hiện tại cơ sở dữ liệu của họ chưa ghi nhận một trường hợp sinh viên vừa tốt nghiệp đại học nào có được mức lương 2.000 USD/tháng.
Dù thực tế là như vậy, nhưng câu hỏi của nữ sinh này có đáng bị “ném đá” như những gì dư luận đang làm vừa qua, nhất là khi đặt vào bối cảnh, hàng trăm sinh viên Việt Nam không xác định được tương lai mình là gì.
Đối với chuyện của Thanh, ông Đào Xuân Hoàng, người sáng lập Monkey Junior, dự án duy nhất và đầu tiên của Việt Nam lọt vào vòng chung kết cuộc thi Sáng kiến toàn cầu được tổ chức tại Silicon Valley và giải nhất Nhân tài Đất Việt 2016 cho rằng Phạm Thị Thanh là người cầu tiến, tích cực và đáng hoan nghênh.
Theo ông Hoàng, dù mới chỉ học năm 3 và đứng trước hội trường đông người, Thanh đã dám nói ra suy nghĩ, ước mơ của mình. Điều này thể hiện Thanh đã nghiêm túc suy nghĩ về công việc sau khi ra trường, biết mình muốn gì, cần gì. Ông cũng cho biết mức lương khởi điểm 2.000 USD là một điều khó, nhưng không đồng nghĩa với việc không thực hiện được, miễn là ứng viên có những tố chất “hiếm có”, những người khác không làm được.
Mức lương khởi điểm mà nữ sinh Phạm Thị Thanh đặt ra có thể là “điên rồ” trong mắt của nhiều người, nhưng nó cũng có thể như Steve Jobs nói: “Trong khi một số người nhìn chúng ta như những kẻ điên, chúng ta nhìn chúng ta như những thiên tài. Bởi chỉ những người đủ điên để nghĩ rằng họ có khả năng thay đổi thế giới thì mới là những người thực sự làm được điều đó”.