Chuyện má con thằng khờ bán hàng rong ở phố đi bộ Sài Gòn: 19 năm một mình đi tìm nụ cười cho con
Ngày chú quyết định ra đi vì không thể cùng hai mẹ con bước tiếp trên con đường đầy gian khó, cô một mình lặng lẽ ôm con ra khỏi bệnh viện để kiếm kế mưu sinh. Nắng mưa mẹ con lúc nào cũng có nhau, hạnh phúc với họ đôi khi chỉ gói gọn trong ổ bánh mỳ nguội lạnh.
- 07-03-2018Hình ảnh lạ trong viện dưỡng lão và câu chuyện xúc động đằng sau đó
- 04-03-2018Câu chuyện xúc động về người "chồng nhặt" của mẹ: "Ba không có công sinh thành nhưng có công nuôi dưỡng, ba là ba của tụi con"
- 26-02-2018Câu chuyện ngược đời ở một quốc gia khiến nhiều người kinh ngạc: Khi đi làm còn tốn tiền hơn ngồi ở nhà
Thằng Hoàng năm nay đã 19 tuổi rồi, nhưng nó cũng chỉ như đứa con nít lên 6 thôi. Câu dài nhất mà nó có thể nói được là: "Mẹ! Con muốn mum mum (ăn cơm)" và chữ nó nói nhiều nhất trong ngày là: Mẹ.
Đói cũng gọi mẹ, khát nước cũng gọi mẹ, đau răng cũng gọi mẹ, buồn ngủ nó cũng mếu máo gọi mẹ. Thế giới ngoài kia bao la rộng lớn, có hàng triệu thứ để con người ta khám phá nhưng với thằng Hoàng thế giới của nó chỉ có mẹ thôi. Và mẹ nó cũng vậy, gần 20 năm nay bà cũng chỉ có nó.
Cô Phượng (62 tuổi) dành cả cuộc đời mình để dìu dắt từng bước đi cho đứa con trai bị mắc hội chứng down.
Con là cả cuộc đời của mẹ
Thằng Hoàng sinh ra ở Bạc Liêu, được 3 tháng tuổi thì nó lên cơn sốt co giật, hai vợ chồng cô Phượng tức tốc đưa con trai lên Sài Gòn chữa trị. Một tuần trôi qua, rồi 1 tháng trôi qua, bệnh tình của Hoàng vẫn không hề tiến triển. Nó nằm im lìm, mềm như cọng bún.
Hoàng bị bệnh từ lúc mới 3 tháng tuổi.
Để có tiền chi trả thuốc men cho con, mỗi ngày cô Phượng ra ngoài phụ dọn dẹp, bán hàng rong để kiếm từng đồng, ba thằng Hoàng tranh thủ chạy vài cuốc xe ôm trang trải cuộc sống. Đêm, về tới bệnh viện là cô Phượng ôm con ngồi khóc, nhiều người thấy vậy khuyên vợ chồng đừng cố gắng nữa, bệnh này làm sao chữa được. Nhưng thử hỏi làm mẹ ai nỡ bỏ con?
1 năm dài đằng đẵng trôi qua, mọi chuyện vẫn không khả quan. Đến lúc này thì ba thằng Hoàng đã không còn đủ kiên nhẫn để cùng hai mẹ con vượt qua những ngày gian khó. Ông muốn ra đi. Lòng người ta đã quyết thì làm sao cản được chân, và bà để ông đi. Hôm đó chiếc giường bệnh của thằng Hoàng vắng đi một người.
Chồng bỏ cuộc, nhưng cô Phượng thì chưa bao giờ bỏ cuộc. Dù người xưa đã đi, nhưng ở một góc nhà cô vẫn lưu giữ những hình ảnh của ngày xưa.
Tiền thuốc mỗi ngày một nặng, hai mẹ con buộc phải rời bệnh viện để tìm kế mưu sinh. Cô Phượng ôm con bên mình đi bán vé số. Hai con người lạc lõng lang thang khắp Sài Gòn, nhiều hôm gặp trời mưa, cô ôm con vào lòng rồi ngồi co ro bên vệ đường đợi trời tạnh. Người ta đi qua thấy thương, dừng lại cho mấy chục ngàn mua cơm. Để dành được chút tiền cô Phượng lại đưa thằng nhỏ vào viện để tập vật lý trị liệu. Cuộc sống dẫu có vất vả nhưng thật mừng là mẹ con lúc nào cũng có nhau.
Hồi Hoàng còn nhỏ, cô Phượng bồng nó đi bán bánh khắp nơi.
Lên 9 tuổi, thằng Hoàng vẫn chưa biết đi, chưa biết nói. Thứ nó có thể làm lúc đó là dùng tay đánh vào người mẹ mỗi khi lên cơn nóng giận. Những lúc đó cô Phượng ôm con vào lòng để xoa dịu con trai.
"Cô chưa bao giờ giận em, hay trách em đã làm cuộc đời cô khổ. Em chịu nhiều thiệt thòi hơn chúng bạn thì cô phải thương nhiều hơn. Cô chưa từng từ bỏ hy vọng rằng con trai cô sẽ có thể đi lại bình thường như bao đứa trẻ khác. Thế nên cô vẫn tập cho em từng ngày" - cô Phượng tâm sự.
Cô chưa bao giờ thôi hi vọng.
Và rồi mọi cố gắng của hai mẹ con cũng thành công, thằng Hoàng đã đi đứng được dù hơi yếu, nó biết nói những từ đơn giản, biết nắn nót viết chữ ba chữ mẹ trong cuốn tập được kẻ ô vuông vức. Và đặc biệt nó còn biết vẽ. Thằng Hoàng thích vẽ ngôi nhà đầy sắc màu, ở đó có mẹ, có nó và một cái cây thật to để che bóng mát.
Ngày không còn mẹ, con phải tự chăm sóc cho bản thân nhé!
Sài Gòn về đêm, khi người người xúng xính áo đẹp xuống phố dạo chơi là lúc má con thằng Hoàng dọn hàng ra bán. Má ngồi một bên bán bánh tráng trộn, con ngồi một bên bán nước suối, khăn giấy. Lâu lâu ngó nhìn nhau cười hì hì.
Hai mẹ con cùng bán hàng ngoài đường phố.
Cô Phượng chỉ qua "cửa hàng" của con trai nói: "Cô tập cho em bán hàng đó. Hồi đó chỉ có cô bán, em ngồi một bên chơi. Nhưng giờ cô tập cho em tự lập, vừa có việc làm cho đỡ buồn vừa có thêm thu nhập để phụ đóng tiền nhà trọ".
Thằng Hoàng rất thích thú với công việc này.
Cuộc đấu tranh mưu sinh ở mảnh đất này chưa bao giờ thôi khắc nghiệt, nhất là với những con người cô độc như mẹ con thằng Hoàng. Ở đây họ không có họ hàng thân thiết, lúc hoạn nạn chẳng biết gọi ai. Nhưng Sài Gòn vẫn tồn tại những con người đáng yêu đến lạ lùng. Đó là dì Hai - người vẫn thường xuyên mua đồ ăn đem qua cho thằng Hoàng, cho cô Phượng mượn tiền khi bị bệnh. Hay chú bảo vệ, cô lao công, những người bán hàng rong ở khu vực phố đi bộ - họ san sẻ cho nhau những khó khăn trong cuộc đời.
Các cô chú ở phố đi bộ rất quý mẹ con Hoàng.
Trong căn phòng trọ vỏn vẹn vài mét vuông chất đầy đồ đạc, cô Phượng buồn tủi nhớ về những ngày đã qua: "Gần 20 năm nay, từ ngày em bị bệnh cô bỏ quê đi biền biệt. Ở quê người ta đâu biết mẹ con cô khổ như thế nào. Nhưng cô cũng không muốn ai biết điều đó".
Thằng Hoàng 19 tuổi, nhưng vẫn mãi là một thằng nhóc khờ khạo.
"Không phải nói gở nhưng cô cứ sợ sau này lỡ mà cô mất đi thì không biết ai sẽ lo cho em. Nên cô phải tập cho em tự lập từ bây giờ" - cô Phương nói tiếp. Mấy tháng gần đây thằng Hoàng đã có thể tự mình làm vệ sinh cá nhân, phụ mẹ lặt rau hay buôn bán trên phố. Tất cả đều chuẩn bị cho một ngày nào đó không có mẹ.
Hồi trưa này, cô Phượng phi hành để chiều đi bán thì bị phỏng tay. Thấy mẹ đau, thằng Hoàng hỏi: Đau? Rồi nó ôm hôn mẹ. Đó là cách duy nhất mà thằng nhóc khờ khạo này có thể làm để mẹ nó vơi đi những đắng cay cuộc đời. Thôi thì mai sau là chuyện của mai sau, hôm nay chỉ cần được nhìn thấy con cười đã là niềm hạnh phúc vô bờ bến của mẹ.
Trí thức trẻ