MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Chuyện nghề] Tự sự của nhân viên tín dụng ngân hàng: Thường trực đối diện với tiền và lòng tham, lúc nào cũng phải tâm niệm "đừng bao giờ tự thắt cổ mình"!

14-06-2018 - 17:34 PM | Tài chính - ngân hàng

Khi mỗi lần trèo cao, bạn hãy chịu khó nhìn lại xuống phía dưới-không phải để lo sợ mà là để đề phòng cho những bước cao hơn: đề phòng việc rơi xuống, bằng cách tự tạo cho mình một cái phao cứu sinh, một cái lưới phòng hộ để lỡ có rớt thì không mất tất cả.

Người chọn nghề hay nghề chọn người?

Sinh ra trong một gia đình bố làm nghề giáo và mẹ làm nghề y, việc thi đậu vào kinh tế và ra làm ngân hàng đến với tôi như một sự "lỗi nhịp" của gia đình khi không tiếp nối được nghề nào của bố mẹ. Nhưng như người ta thường nói trong cuộc sống này, những việc hệ trọng của cuộc đời thường gắn với duyên nợ.

Tôi lần lượt thi rớt trường y và trường sư phạm để rồi "lấy nguyện vọng 2" vào kinh tế. Ra trường với mảnh bằng kinh tế và vào làm ngân hàng với suy nghĩ như logic nó phải như thế: Nhà băng - một nơi làm việc ổn định cả về thu nhập lẫn sự nghiệp.

Từ khi là một sinh viên thực tập cho đến nay gần 10 năm gắn bó, cảm xúc của tôi vẫn như ngày nào. Ngày đầu vào ngân hàng với chiếc áo sinh viên và tấm thẻ thực tập sinh trên ngực áo, mọi thứ vô cùng bỡ ngỡ.

Chiếc ghế nhà trường, chiếc bàn học, mớ sách vở và thầy cô giờ đây được thay thế bằng một chiếc bàn làm việc, một chồng hồ sơ.

Đối diện không phải là người thầy giảng kiến thức mà là những khách hàng khó tính đang đón chờ.

Những tình huống giờ không còn trong sách vở mà giờ là những bài toán hóc búa trên thực tế.

Cái cảm giác bị thầy cô la mắng khi không làm được bài giờ đây được thay thế bằng những lời kiểm điểm của cấp trên, những lời phàn nàn của khách hàng.

Mọi thứ không còn là học mà là làm. Nhưng chính trong những thực tế ấy, tôi đã dần lớn lên và trưởng thành.

8 tiếng một ngày, trong một căn phòng với những đồng nghiệp thân quen, với những cánh cửa cứ đóng rồi mở, những bậc cầu thang, những chiếc bàn ghế… tất cả như trở nên quen thuộc. Đến mức nếu một ngày không được nhìn thấy chúng là cảm thấy như thiếu đi một thứ gì quen thuộc. Như quy luật của cuộc sống theo thời gian, bao nhiêu gương mặt trẻ xuất hiện thì cũng bấy nhiêu gương mặt cũ đã chia tay. Tất cả hòa quyện lại như một gia đình thứ hai thân thuộc trong bản thân tôi.

Đành rằng điều tuyệt vời nhất là được làm những điều mình thích, nhưng thực tế cuộc sống đôi khi ta phải thích những điều mình làm. Nghề chọn người hay người chọn nghề, tôi cũng không rõ nữa.

Chế ngự lòng tham

Ngành ngân hàng vốn dĩ là ngành tiếp xúc thường xuyên với tiền, vốn rất dễ phát sinh lòng tham của con người. Khi tiếp xúc với môi trường nhiều tiền, đạo đức con người mặc nhiên đặt dưới sức ép lòng tham từ chính mình. Và sự đời như muốn thử thách thêm lòng người khi nền kinh tế khó khăn, thu nhập cá nhân giảm đồng thời chi phí cuộc sống gia tăng, người ta càng ngày càng nghèo đi tương đối cũng như tuyệt đối. Người ta vẫn nói, người Việt mình vốn "khôn", rất giỏi trong việc lách luật và đương nhiên, cán bộ ngân hàng đều biết rất rõ ngõ ngách của luật – nhưng không phải ai cũng biết để tuân theo, mà là để lách để kiếm lợi cho bản thân.

Những việc phát hành bảo lãnh giả, rồi cho vay khống, nâng khống giá tài sản thế chấp.. đối với người rành luật vẫn có thể có cách lách luật, diễn ra dưới nhiều hình thức và cấp độ. Và ngạc nhiên là nhiều cán bộ ngân hàng là người lợi dụng sơ hở để kiếm lợi.

Không giống như nhiều nước khác, nguồn vốn của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào vốn vay. Tại Việt Nam, Ngân hàng và nền kinh tế như thuyền và nước, thuyền lên nước lên, và ngược lại.

Giống như câu chuyện ngành chứng khoán đầu những năm 2000, nhân viên có thu nhập cao, lương khủng, thưởng nhiều, nhiều người chi xài vung tay quá trán trong niềm hưng phấn tột độ. Khi nền Chứng khoán Việt Nam xuống, họ lại méo mặt. Thu nhập cao nên vay tiền mua nhà, mua xe… giờ phải cố bám trụ với nghề để trả lãi vay, trong khi chứng trường thì lay lắt. Ngân hàng cũng vậy, thời hoàng kim dường như đã qua. Lương giảm, thu nhập giảm, bị cắt thưởng cuối năm…nhân viên khó khăn hơn xưa.

Những sai phạm trong ngành mấy năm qua đều tập trung đa số những vị có chức sắc, giám đốc Ngân hàng này, trưởng phòng Ngân hàng nọ, Chủ tịch Ngân hàng kia, mà không phải là nhân viên? lí giải những điều này ra sao? Có gì lạ không? Vì theo lẽ thường những vị chức sắc này thu nhập dĩ nhiên cao hơn nhân viên thường?

Nhiều người vốn có máu đánh bạc, vốn ham thích với may rủi. Từ cấp nhỏ và phi chính thức như đánh bài, số đề… cho đến chính thức và có qui mô lớn như đầu cơ nhà đất, chứng khoán, mua tài sản đợi lên giá như vàng, bạc…

Có câu ngạn ngữ rất hay: Đừng bao giờ tự thắt cổ treo mình, hay khi leo cao, bạn hãy đề phòng có khi rớt xuống. Khi mỗi lần trèo cao, bạn hãy chịu khó nhìn lại xuống phía dưới-không phải để lo sợ mà là để đề phòng cho những bước cao hơn: đề phòng việc rơi xuống, bằng cách tự tạo cho mình một cái phao cứu sinh, một cái lưới phòng hộ để lỡ có rớt thì không mất tất cả. Bạn đừng bao giờ đặt mình vào một tình thế chân tường, khi đó mình sẽ rất dễ làm liều và lúc đó là cơ hội để rủi ro đạo đức xảy ra.

Thứ hai là luôn tâm niệm làm điều gì xấu thì sẽ phải trả giá, và cái giá phải trả đôi khi rất đắt, đắt đến nỗi phải hi sinh tất cả. Nhưng rốt cục, cuộc đời mưu sinh cơm áo gạo tiền cũng cốt để yên thân và bình an chứ không phải tối ngủ trên đống tiền mà ngày mai không biết bị tóm lúc nào. Tâm niệm như vậy ta sẽ không dám làm liều, không bao giờ bán thân cho quĩ dữ.

Thứ ba là hãy yêu nghề. Hãy suy luận: không có nghề nào xấu, nghề nào cũng giúp đời, và khi giúp đời một cách chân chính ta sẽ được đền đáp xứng đáng.

Những người lao vào thị trường tài chính, ai cũng mang cho mình hành trang là một lòng tham, dù ít nhiều. Và khi có môi trường thích hợp thì lòng tham ấy sẽ phát tán, sẽ dẫn ta đi một cách mê hoặc, vượt qua ranh giới mong manh giữa sai trái và lẽ phải lúc nào không hay. Hãy tâm niệm làm nghề tài chính là hay tiếp xúc với tiền và với rủi ro đạo đức thì thách thức lòng tham của con người là vô cùng lớn.

Hãy xem nghề này cũng như bao nghề khác, tận tâm giúp đỡ khách hàng và rồi sự tận tâm của ta cũng sẽ được đền đáp xứng đáng.

Theo Trung Hiếu

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên