MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện phiếm về Tết

16-02-2018 - 15:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều nước trên thế giới có những kỳ nghỉ lễ dài để mọi người được sống chậm lại trong vui vẻ, hạnh phúc, đoàn viên.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Tết đến, dòng người hối hả ngược xuôi về quê, ra phố, tất bật, ùn tắc, tai nạn, mệt mỏi, tốn kém, sinh hoạt đảo lộn. Tết là vậy. Nên có nhiều người chán ngán, ghét Tết, đòi bỏ Tết hay đỡ hơn thì gộp Tết Âm lịch với Tết Dương lịch để cho tốt trên mọi phương diện. Nhưng với rất nhiều người còn lại, Tết và nghỉ Tết là niềm vui, là món quà quý giá.

Giả sử Tết (Âm lịch) bị cho biến mất, cùng với đó là kỳ nghỉ Tết liên tục 5 ngày, 7 ngày, thậm chí là 10 ngày. Người công nhân xa nhà, trước đây một năm mới có dịp được về quê đoàn tụ với gia đình một lần nay biết về lúc nào đây? Nghỉ phép ư? Họ còn đang phải tranh thủ, tận dụng mọi cơ hội để được làm thêm giờ, tăng ca nhằm kiếm thêm chút tiền tích cóp gửi về quê cho mẹ già, con nhỏ. Gánh nặng cơm áo gạo tiền trĩu nặng trên đôi vai gầy đó đâu cho họ được hưởng thứ xa xỉ đó?

Và nếu nghỉ hết phép để về quê, họ sẽ xoay xở thế nào đây mỗi khi có việc đột xuất cần nghỉ trong cả năm còn lại? Và nữa, nhiều công ty đâu có thích thú gì cho công nhân nghỉ phép liên tục trong một số ngày, ít ra vì điều này cũng làm ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của họ, nhất là những thời kỳ cao điểm "chạy" cho kịp đơn hàng.

Những người làm dâu, làm rể phương xa, Tết đến lại nếm trải cảnh một chốn đôi ba nơi. Các nàng dâu thì hãi hùng với cảnh bếp núc nơi nhà chồng. Nhưng nếu không có Tết, không lẽ họ sẽ thoát được cảnh (cả năm) không phải về nhà chồng, không phải quà cáp, thăm hỏi họ hàng chồng, không phải tất bật với cảnh bếp núc cho những bữa cơm đoàn tụ đại gia đình? Vậy thì Tết đâu có lỗi, đâu có phải chỉ có Tết mới gây ra lắm phiền nhọc cho con người?

Ngược lại, nhờ có Tết, hầu như ai cũng được nghỉ làm, nên Tết là dịp họ hàng, gia đình, bạn bè đoàn tụ, gặp gỡ. Với nhiều người, Tết là dịp duy nhất trong năm gặp lại được nhiều người khác vốn bị nhịp sống đời thường hối hả cuốn đi khắp mọi miền. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều nước trên thế giới có những kỳ nghỉ lễ dài để mọi người được sống chậm lại trong vui vẻ, hạnh phúc, đoàn viên. Tất nhiên vẫn có những người chẳng quan trọng chuyện đoàn tụ, gặp gỡ này nên Tết vẫn là thứ mệt nhọc, thừa thãi với họ. Nhưng thử hỏi có được mấy người như thế?

Giả sử Tết Âm lịch bị cho biến mất hoặc gộp với Tết Dương lịch. Đến đây, có hai kịch bản. Số ngày nghỉ lẽ ra là dành cho Tết Âm lịch sẽ bị hủy. Hoặc số ngày nghỉ này được ghép vào kỳ nghỉ Tết Dương lịch.

Ở kịch bản thứ nhất, rõ ràng là chẳng mấy ai, nhất là người lao động, thích thú đón nhận, trừ khi Nhà nước cho nghỉ bù (hoặc cộng thêm vào ngày nghỉ phép). Và xét trên góc độ số ngày lao động làm ra của cải vật chất hay năng suất lao động mà một số chuyên gia chỉ ra, nếu Nhà nước cho nghỉ bù thì có Tết Âm lịch hay không, nền kinh tế vẫn bị thiệt hại tương tự do người lao động vẫn được nghỉ thêm một số ngày như khi họ nghỉ Tết Âm lịch.

Trong kịch bản thứ hai, sự khác biệt duy nhất ở đây là kì nghỉ Tết trở nên dài hơn. Còn lại, mọi sự tổn thất, phiền nhọc mà Tết mang lại cho một số người thì vẫn sẽ còn nguyên đó như khi họ "phải" nghỉ Tết Âm lịch tách rời như trước đây. Thiệt hại, nếu có, của Tết (Âm lịch) mang lại cho toàn xã hội hoàn toàn không thay đổi.

Xin được chuyển sang góc độ ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng của Tết Âm lịch. Gìn giữ Tết Âm lịch là gìn giữ được một nét văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của dân tộc. Có không ít người nói đây chỉ là văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc Kinh chứ không phải của vài chục dân tộc khác đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Theo họ, nếu dân tộc Kinh có Tết của riêng mình và được nghỉ Tết thì các dân tộc khác cũng phải được hưởng quyền tương tự một cách bình đẳng. Điều này về logic không sai nhưng… không thể thực hiện! Vì nó cũng tương tự như việc không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo khác vẫn phải chọn ra một (số) ngôn ngữ làm quốc ngữ, một (số) tôn giáo làm quốc giáo v.v…

Cũng có người lập luận rằng phong tục ăn Tết Âm lịch thực ra là của người Hoa, chứ cũng chẳng phải là của người Việt (Kinh), nên xóa bỏ Tết Âm lịch thì cũng chỉ giống như xóa bỏ một thứ văn hóa ngoại lai. Điều này chỉ… hơi hơi đúng! Bởi dù có nguồn gốc ngoại lai nhưng rốt cuộc đã được người Việt tiếp thu, "thuần hóa", biến thành của người Việt từ cả ngàn năm nay. Mà nếu xét một cách thật sự công bằng, có thứ văn hóa, tín ngưỡng phổ biến nào trên thế giới hiện nay lại không phải là kết quả của một quá trình khuyếch tán từ nơi sản sinh và được du nhập  (và biến dạng) vào nước sở tại sau một quá trình lâu dài nhiều năm?

Vậy thì hãy để Tết đến và vui với Tết như thường lệ. Hãy cùng nhau giữ gìn những nét đẹp của Tết và xóa bỏ những hủ tục, tác động xấu của Tết (như chuyện đốt pháo). Và xin đừng "vùi dập" Tết chỉ vì nó không mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mình!

TS. Phan Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên